Investing.com -- CTCP Cảng Đồng Nai (HM:PDN) công bố doanh thu thuần Q2/2021 tăng 47% lên 252 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lãi sau thuế hơn 53,4 tỷ đồng, tăng 45% so với Q2/2020.
Cảng Đồng Nai kinh doanh chính trong mảng khai thác cảng và logistics gồm dịch vụ khai thác hàng tổng hợp, dịch vụ kho bãi, ICD, xếp dỡ và giao nhận hàng hóa, khai thác container… trên khu vực các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM…
Công ty cho biết doanh thu hoạt động khai thác đã tăng 47,4% so với Q2/2020 nhờ việc tạm dừng trạm thu phí tại cầu Đồng Nai tạo thêm lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container khu vực TP HCM/Bình Dương. Việc trao đổi thương mại của Việt Nam với các quốc gia EU cũng đạt nhiều tín hiệu khả quan ngay trong tháng đầu năm. Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát diện rộng tại các cảng Cát Lái, Sawatco, SPITC, đặc biệt SWC bị phong toả đột ngột trong vài ngày. ICD TP HCM (HM:HCM), cảng Bình Dương đồng loạt hạn chế thời gian hạ container hàng sớm. Điều này dẫn đến một số khách hàng đồng loạt chuyển sang hạ container hàng tại cảng Đồng Nai làm cho sản lượng ngành hàng container tăng gần 77%.
Ngoài ra, việc thiếu hụt container rỗng làm cho một số khách hàng chuyển sang đi tàu rời làm tăng nhu cầu thị trường khai thác hàng tổng hợp, diện tích bãi tại các cảng tiếp tục được mở rộng thuận lợi cho việc khai thác hàng hoá thu hút thêm được một số khách hàng mới, cộng thêm lượng khách truyền thống ổn định. Sản lượng quý II của ngành hàng tổng hợp tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 38% lên 468,3 tỷ đồng tỷ đồng. Lãi ròng đạt 68 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, doanh nghiệp đặt kế hoạch 820 tỷ đồng doanh thu và 145,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 3,3% và giảm 3% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 57% mục tiêu về doanh thu và 63% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến 30/6, tiền và tương đường tiền đạt 205,6 tỷ đồng, tăng 19% giá trị đầu năm nhờ khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 1-3 tháng với lãi suất 3%-3,9%/năm tăng 45% lên 141 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 17% lên 70 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 132 tỷ đồng, tăng 26%. Mặt khác, giá trị hàng tồn kho cuối quý II giảm 22% về khoảng 535 triệu đồng. Về nguồn vốn, nợ vay tài chính tăng nhẹ 4% lên 190,7 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HM:CTG) (42 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HM:VCB) (35 tỷ đồng).