Vietstock - Doanh nghiệp ngoại thâu tóm các dự án “đóng băng”
Thời gian gần đây, thị trường dự án bất động sản thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước. Đáng chú ý là sự tham gia sâu của các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông... vào các dự án đang “đóng băng”.
Happyland hồi sinh nhờ có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Ảnh: Quốc Hùng
|
Happyland “sống lại” và dòng vốn ngoại
Dự án khu phức hợp giải trí Happyland (Xứ sở Hạnh Phúc) ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An vừa được khởi công rầm rộ trở lại hồi trung tuần tháng 11, sau khi đã kéo dài hơn sáu năm do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Trước mắt, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Khang Thông) sẽ triển khai các hạng mục gồm khu khách sạn 5 sao (hơn 1.000 phòng), khu resort, khu vui chơi giải trí, khu trung tâm thương mại... trong quy hoạch của dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ đô la Mỹ, từng được Khang Thông kỳ vọng sẽ trở thành một “Disneyland” ở Việt Nam. Tại buổi lễ tái khởi động dự án Happyland, bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Khang Thông, cho biết dự án được hồi sinh là nhờ có nhà đầu tư chiến lược Vina Oscar Hotel Limited (Hồng Kông).
Một nguồn tin có thẩm quyền của tập đoàn Khang Thông xác nhận Happyland đã được chuyển nhượng 88% cổ phần dự án, trị giá 668 triệu đô la Mỹ, cho Vina Oscar Hotel. Nguồn tin này cũng cho biết thương vụ này sẽ giúp công ty hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đồng thời với việc khởi công trở lại dự án.
Liên quan đến việc góp vốn của Vina Oscar Hotel vào dự án Happyland, một nguồn tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết về mặt pháp lý, hiện chưa có sự thay đổi về nhà đầu tư. Tuy nhiên, gần đây sở này có tiếp nhận thông tin của chủ đầu tư đề nghị hướng dẫn việc tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào dự án.
Theo các doanh nghiệp tư vấn bất động sản, thị trường dự án bất động sản thời gian qua tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., đặc biệt là sự tăng trưởng của dòng vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cụ thể, quỹ đầu tư VinaCapital đã bán 70% cổ phần của mình trong dự án khu đô thị Đại Phước Lotus rộng 198,5 héc ta ở Đồng Nai cho China Fortune Land Development (CFLD). CFLD cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) tại khu công nghiệp Ông Kèo.
Hay một nhà đầu tư khác là Hongkong Land cũng sẽ trở thành đối tác chiến lược với Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) trong kế hoạch phát triển nhà ở tại Thủ Thiêm, TPHCM...
Xu hướng M&A cũng trở nên nhộn nhịp hơn với những cam kết rót thêm vốn của các nhà đầu tư cũ đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Chẳng hạn hồi tháng 10 vừa qua, tập đoàn Hồng Kông Sunwah đã công bố đầu tư thêm dự án Sunwah Pearl ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Theo ông Johnson Choi, Tổng giám đốc Sunwah Việt Nam, đây sẽ là dự án bất động sản lớn thứ ba của Sunwah tại Việt Nam sau tòa nhà Sun Wah Tower (quận 1) và Saigon Pearl (quận Bình Thạnh). Và để nắm phần vốn chi phối ở dự án có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ này, Sunwah đã mua lại vốn góp của một doanh nghiệp trong nước. Tại buổi công bố dự án Sunwah Pearl, ông Choi cho biết Sunwah sẽ còn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong tương lai.
Khó tìm đất “sạch”
Theo nhận định của một số chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời cao. Cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng dân số và đô thị hóa cao là các yếu tố khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn. Xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài là hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước có sẵn quỹ đất và mối quan hệ với chính quyền sở tại. Hoạt động M&A đang mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư trong nước rao bán dự án để trả nợ, xoay dòng vốn kinh doanh và phần nào giúp phá vỡ “tảng băng tồn kho” từ nhiều năm nay. Dự báo trong các quí tiếp theo, nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng và các thương vụ M&A sẽ diễn ra ở tất cả các phân khúc trên thị trường.
Về hình thức đầu tư, theo các công ty tư vấn, sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài chọn phương thức M&A là vì cách này giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến giải tỏa mặt bằng dự án. Thị trường đang có những tín hiệu tốt nên họ cần có những cơ hội giới thiệu sản phẩm ngay. Mặt khác, những dự án đã hoặc đang được triển khai thường đã được các chủ đầu tư nghiên cứu, khảo sát kỹ về vị trí, tiềm năng thị trường, cơ hội phát triển hạ tầng...
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc tiếp cận những dự án có đất “sạch” là không dễ dàng. Theo ông Thân Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Xúc tiến thương mại và Đầu tư Sao Khuê, doanh nghiệp chuyên tư vấn các thương vụ M&A, nhiều nhà đầu tư Nhật đang mong muốn rót vốn vào thị trường bất động sản nhưng họ khó tìm được mặt bằng ở khu vực trung tâm Hà Nội hay TPHCM để đầu tư trực tiếp, và thủ tục đất đai của Việt Nam cũng rất phức tạp. Với đặc điểm thận trọng và sự đòi hỏi mọi việc phải rõ ràng, người Nhật có khuynh hướng đầu tư thông qua M&A.
Hay trường hợp của EZ Land thuộc quỹ đầu tư quốc tế Key Sicav Sif (Luxembourg), khi đầu tư vào Việt Nam, họ muốn tìm mua lại các dự án có quỹ đất sạch, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng tốt... Tuy nhiên, theo ông Oliver Brazier, Giám đốc điều hành EZ Land Việt Nam, dù thời gian qua công ty này có cơ hội tiếp cận nhiều dự án mà nhà đầu tư trong nước muốn chuyển nhượng, nhưng vẫn chưa tìm được dự án như mong muốn. Đây cũng là lý do mà cho đến tháng 9 vừa qua, EZ Land mới chính thức công bố sự hiện diện của mình ở Việt Nam sau hơn hai năm có mặt.
Đại diện Công ty Dịch vụ bất động sản JLL Việt Nam thì cho biết các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm những khu đất “sạch” theo nghĩa rộng là có vị trí tốt, đã hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những dự án này là rất hiếm. Đây cũng là lý do khiến hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều tìm đến dịch vụ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập thị trường.
Quốc Hùng