Vietstock - Dệt may Việt Nam và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Người trong cuộc nói gì?
Đã có nhiều ý kiến bày tỏ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ trở thành cơ hội lớn cho nhiều ngành nghề tại Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may. Điều này liệu có đúng không và ý kiến những người trong cuộc như thế nào?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê ,cho thấy tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có chiều hướng thuận lợi khi 8 tháng năm 2018 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155.41 tỷ USD tăng tăng 14.5% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 152.66 tỷ USD, tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó mặt hàng dệt may đứng vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu đạt 19.4 tỷ USD, tăng 14.9% và đứng thứ 3 về giá trị nhập khẩu đạt 8.5 tỷ USD, tăng 16.1%.
Song, không phải ngành dệt may đến thời điểm này mới hưởng lợi. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HOSE: GMC) cho biết, sự chuyển dịch nguồn cung từ những nhà đặt hàng may mặc có khách hàng là các thương hiệu lớn đã xuất hiện từ năm 2017 đặc biệt từ Mỹ và châu Âu và nếu không có ảnh hưởng chiến tranh thương mại thì trước đó họ cũng đã điều chỉnh tỷ lệ nguồn cung may mặc tại các thị trường gia công rồi.
Lý do là vì chính sách của Chính phủ Trung Quốc từ thời Chủ tịch Tập Cận Bình không chủ trương khuyến khích những ngành thâm dụng lao động, có công nghệ mang lại giá trị thặng dư ít và ảnh hưởng đến môi trường. Cho nên ngành dệt may tại đây không phải là ngành hấp dẫn và thiếu nhân công, thêm vào thu nhập ngày càng tăng khiến cho tiền lương trong ngành này cũng nâng lên cao hơn so với mặt bằng các nước trong khu vực. Khi chiến tranh thương mại xảy ra thì tác động của nó là làm cho cho những người còn đang chần chừ phải ra quyết định thích ứng nhanh hơn với những yếu tố này. Vì vậy những nhà sản xuất tại Trung Quốc có khả năng chuyển dịch nhiều hơn còn những nhà mua hàng tại Mỹ và châu Âu, họ đã bắt đầu chuyển dịch đơn đặt hàng từ những năm trước.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch đầu tư cũng có khả năng xảy ra. Đây là lựa của các nhà đầu tư tại Trung Quốc nhằm thích ứng với các điều kiện nêu trên và Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện thuận lợi để chuyển dịch đầu tư. Tuy nhiên với ngành may mặc, ông Hùng cũng nêu một quan ngại đáng chú ý đối với việc chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là vấn đề đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ để tránh gây thất thoát nguồn thu khi Việt Nam đang được hưởng lợi từ cơ hội hiếm có của sự kiện chiến tranh thương mại.
Và một rủi ro lớn hơn là khi tham gia WTO thì Việt Nam có quota xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu, thì khả năng xuất hiện hiện tượng gian lận thương mại xuất xứ là điều khó tránh khỏi. Các doanh nghiệp tại Trung Quốc có thể xuất khẩu bán thành phẩm cắt may sang Việt Nam để từ đây làm trung gian xuất hàng đi Mỹ nhằm tránh mức thuế mà tổng thống Donald Trump đang áp đặt lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Việc này có thể đẩy lượng hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến gây chú ý dẫn đến một cuộc điều tra về nguồn gốc xuất xứ như đã từng xảy ra đối với ngành thép. Hậu quả là các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể chịu vạ lây trước các đòn trừng phạt từ phía Mỹ.
Về phía đơn vị CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK), bà Nguyễn Phương Chi - Giám Đốc phát triển chiến lược chia sẻ, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung quốc, nếu không trở nên quá gay gắt và dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì có thể đem lại lợi ích cho ngành dệt may Việt nam.
Ngoài ra, bà Chi cho rằng, nếu sau này Mỹ có đánh thuế luôn các mặt hàng may mặc tại chương mục 60-61 theo dữ liệu nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ thì ngành may mặc Việt Nam sẽ bùng nổ, tuy nhiên sẽ bùng nổ đến một lúc nào là chậm lại, vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào.
Các công ty sợi chắc chắn sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp. Trong các quốc gia châu Mỹ có FTA với Mỹ, chỉ có Mexico có nền công nghiệp dệt nhuộm. Tuy nhiên, quốc gia này lại không có ngành công nghiệp sợi. Do đó, họ sẽ phải nhập sợi từ quốc gia khác. Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sợi trực tiếp vào Mexico do chất lượng sợi tốt hơn các đối thủ khác (như Ân độ) và Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP. Các quốc gia có FTA với Mỹ như Honduras, Nicaragua, Elsalvado, Guatemala chỉ có ngành công nghiệp may nên bắt buộc phải nhập vải từ Châu Á. Các công ty sợi của Việt nam sẽ được hưởng lợi gián tiếp do nhu cầu sợi ở trong nước tăng lên để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ và xuất khẩu vải sang các quốc gia khác.
Ông Trần Như Tùng - Thành viên HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) thì nhận định cuộc chiến thương mại sẽ có tác động tích cực ngành dệt may trong ngắn và trung hạn.
Hiện tại, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ. Việc Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng dệt may của Trung Quốc sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam có mức cạnh tranh tốt hơn về giá. Thời gian gần đây đã xuất hiện rõ hơn xu hướng chuyển dịch những đơn hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam, bằng chứng là doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt tăng mạnh vào tháng 8/2018 và hy vọng với những tháng tiếp theo.
Trên sàn chứng khoán, trong thời gian gần đây giá cổ phiếu của các Công ty ngành dệt may cũng đang hưởng lợi từ sự kiện chiến tranh thương mại này. Kể từ giữa tháng 7 đến nay, cổ phiếu TCM đã tăng hơn 80% lên hơn 30,000 đồng/cổ phiếu.
Còn cổ phiếu GMC cũng đã tăng đến 80%, từ giá dưới 20,000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2016 lên trên 36,000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/09/2018. Giá cổ phiếu STK thời gian này cũng được giao dịch ở mức giá cao hơn so với đầu tháng khi tăng từ mức 13,000 đồng/cổ phiếu lên trên 17,000 đồng/cổ phiếu trong phiên chiều qua 25/09.
Ngoài ra còn một số mã ngành dệt may khác như GIL, VGT và TNG cũng đồng thuận tăng theo sóng kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự kiện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lần này.
Dương Lâm