Vietstock - Đất Thủ Thiêm cao nhất 170 triệu đồng mỗi m2
Đường Trần Não, đoạn đi thẳng vào tâm Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, có giá đất cao nhất đô thị này, đạt 169,7 triệu đồng mỗi m2.
Công ty TNHH Gachvang vừa công bố báo cáo mới nhất về giá đất của các tuyến đường đắt đỏ nhất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM cập nhật đến giữa tháng 11/2017. Nơi được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á trong tương lai đang có giá đất bật lên ngưỡng khá cao so với hồi đầu năm.
Cụ thể, đất mặt tiền đường Trần Não, phường An Lợi Đông, từ đoạn cắt đường Mai Chí Thọ đi xuyên vào tâm đô thị này giữa tháng 11 ghi nhận 169,7 triệu đồng mỗi m2. Nếu xét trong cả chu kỳ 11 tháng qua, thời điểm giá đất phố Trần Não bật lên cao nhất rơi vào tháng 6/2017 với mức giá vọt lên 182,3 triệu đồng mỗi m2. Đây cũng là tuyến đường có biến động giá đất mạnh mẽ nhất từ đầu năm đến nay, biên độ tăng đạt 121,55%.
Theo sau là đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Thủ Thiêm, đoạn vắt ngang qua Mai Chí Thọ, có giá đất mặt tiền nằm trong top 2 của khu đô thị mới này, vọt lên ngưỡng 167,2 triệu đồng mỗi m2, tăng 96,9% so với tháng 1/2017. Thời điểm giá đất tuyến đường này lên đỉnh là đầu quý II/2017, lập cột giá 263,78 triệu đồng mỗi m2.
Chiếm giữ vị trí top 3 là đường Mai Chí Thọ. Đây là một trong những cung đường quan trọng và đẹp nhất Thủ Thiêm, hiện có giá đất giao dịch 145,43 triệu đồng mỗi m2, tăng 89,8% so với quý đầu tiên của năm. Tuy nhiên, mức giá hiện nay đã hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh 219,5 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2017, thời điểm diễn ra cơn sốt đất toàn TPHCM.
Giá đất cao nhất khu Thủ Thiêm tính đến tháng 11/2017 đang thuộc về tuyến đường Trần Não, đoạn cắt với đường Mai Chí Thọ, dẫn về tâm đô thị mới này. Ảnh: Lucas Nguyễn
|
Đường Lương Định Của dẫn về Thủ Thiêm qua Đại lộ vòng cung, cũng được xếp vào nhóm những tuyến đường có giá đất thuộc nhóm dẫn đầu trong khu đô thị này, ghi nhận 145,4 triệu đồng mỗi m2 vào giữa tháng 11/2017. Điểm khác thường của Lương Định Của là có giai đoạn giá đất tại đây đã phá kỷ lục của toàn khu đô thị khi vượt ngưỡng 300 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2017. Tuy nhiên, khung giá ngất ngưỡng này cũng nhanh chóng điều chỉnh mạnh về vùng dưới 150 triệu đồng mỗi m2 trong những tháng sau đó.
Gachvang dự báo với kế hoạch xây dựng nhiều dự án hạ tầng nhằm kết nối Thủ Thiêm xuyên suốt với khu trung tâm hiện hữu TPHCM và các khu vực lân cận, giá đất tại khu đô thị mới này hứa hẹn sẽ còn nhiều biến động trong tương lai.
Trước đó, trong báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng" công bố trung tuần tháng 11/2017, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam từng nhận định, giá đất ở Thủ Thiêm hiện bằng một phần ba so với giá đất ở khu vực trung tâm hiện hữu của TP HCM (quận 1). Ngoài sự tăng trưởng của giá đất ở Thủ Thiêm, các khu vực liền kề khu đô thị mới này như khu Đồng Văn Cống, An Phú, Thảo Điền cũng có sự tăng giá ngoạn mục.
JLL phân tích, hiện nay phần lớn quỹ đất ở Thủ Thiêm đã có nhà đầu tư thông qua rất nhiều hình thức giao đất, hợp tác khác nhau. Những tay chơi đủ sức tiếp cận quỹ đất vàng này đều là các ông lớn đầu ngành hoặc tập đoàn quy mô đa ngành. Điều này đồng nghĩa với thực trạng khan hiếm quỹ đất sạch còn lại trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào khu đô thị mới này vẫn đang không ngừng tăng cao.
Đơn vị này cho biết thêm, tính đến quý IV/2017, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tại Thủ Thiêm thông qua việc mua lại hoặc liên doanh với đối tác trong nước có uy tín. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững cho khu vực trọng điểm này trong tương lai.
Khu đô thị Thủ Thiêm nằm trên bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM), đối diện quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Được chính phủ phê duyệt từ năm 1996, bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo quy hoạch, khu đô thị có 5 khu chính: khu vực lõi trung tâm, khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông, khu châu thổ phía Nam.
Để đầu tư xây dựng đô thị mới này, TP HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Vũ Lê