Vietstock - Cổ phiếu bị cắt margin vì vi phạm thuế: Cần xem xét lại một cách thấu đáo
Thời gian gần đây, nhà đầu tư trên thị trường cảm thấy bất ngờ trước thông tin cổ phiếu đột ngột bị cắt margin vì có chung một vi phạm về thuế. Nhưng điều quan tâm nhất chính là quy định về vấn đề này còn khá chung chung gây bức xúc trên thị trường.
Cụ thể, trường hợp mới nhất là cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức đã giảm sàn trước áp lực cắt vốn margin bắt đầu thực hiện từ ngày 17/7. Quyết định cắt margin với TDH được đưa ra 1 ngày sau khi công ty này công bố quyết định của Cục thuế TP.HCM ban hành ngày 12/7/2017 xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp niên độ 2016 với mức phạt tiền là 1.45 tỷ đồng. Theo TDH, vì còn 1 tỷ đồng tiền thuế chưa được khấu trừ, nên Công ty chỉ nộp thêm khoảng 400 triệu đồng để hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Từ thông báo của HOSE, nhiều công ty chứng khoán buộc phải hạ tỷ lệ margin của cổ phiếu TDH từ 50% xuống còn 0%. Chính điều này gây ra phiên giao dịch “sóng gió” của TDH trong ngày 17/07, đồng thời nhà đầu tư cũng đầy bất ngờ bởi TDH đang được đánh giá là cổ phiếu khá tích cực nhờ kết quả kinh doanh khả quan.
Không chỉ riêng TDH, hàng loạt cổ phiếu khác cũng bị HOSE đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với lý do vi phạm về thuế theo danh sách cập nhật mới nhất ngày 19/07/2017 gồm APC, NTL, HU3, S4A, TRA, VDS và VNL. Trong đó, cổ phiếu VDS của CTCK Rồng Việt là trường hợp khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất bình bởi vi phạm của VDS chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính 6 triệu đồng liên quan đến hóa đơn.
Trở lại với Quyết định số 87/QĐ-UBCK về việc ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán mới thay thế Quyết định số 637/QĐ-UBCK ngày 30/08/2011 và Quyết định số 09/QĐ-UBCK ngày 08/01/2013 về việc sửa đổi Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01/04/2017, quy định chứng khoán đủ điều kiện giao dịch ký quỹ không thuộc trường hợp là “Công ty niêm yết nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế”.
Quy định này chỉ dừng lại ở mức độ rất chung chung, không có một phạm vi, mức độ cụ thể, do đó mà khi nhiều doanh nghiệp bị rơi vào trường hợp này đã khiến nhà đầu tư vô cùng bị động.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Phó Chủ tịch CTCK Sen Vàng (GLS), hiện nay doanh nghiệp áp dụng cơ chế tự kê khai, tự nộp và chịu hậu kiểm của cơ quan thuế. Vì vậy, những sai phạm rất dễ xảy ra, vì nhiều lý do khác nhau, như cách hiểu khác nhau về các quy định về thuế, những sai sót có thể phát sinh về ghi hóa đơn, hợp đồng… thậm chí cùng một vấn đề nhưng quan điểm của doanh nghiệp và cơ quan thuế khác nhau sẽ dẫn đến kết quả khác nhau và từ đó gây ra sai sót.
Quy chế này không quy định một mức độ vi phạm cụ thể nên có thể hiểu một doanh nghiệp bị xử phạt từ 100,000 đồng cho đến 100 tỷ đồng hoặc hơn về thuế đều bị cắt margin trên thị trường chứng khoán, điều này là hoàn toàn không công bằng. Một doanh nghiệp niêm yết khi nhận quyết định của thuế thì trong vòng 24h phải công bố thông tin và ngay ngày hôm sau thì bị cắt margin.
Như vậy sẽ rất không tốt cho thị trường chứng khoán nói chung, nhất là khi cổ phiếu đó là cổ phiếu nóng và với nhà đầu tư thì thiệt hại rất lớn bởi rằng sức mua trên thị trường của nhà đầu tư cá nhân có một phần đáng kể từ vốn margin. Do đó, một cổ phiếu dù tốt cỡ nào mà vướng phải quy định này chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng về giao dịch, đó là chưa kể về thương hiệu. Ngoài ra, đây là câu chuyện chưa có tiền lệ nên sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, thậm chí trong trường hợp cổ phiếu được cho giao dịch margin trở lại, nhà đầu tư chắc chắn sẽ rất e ngại.
Theo ông Chinh, nên chăng cần có quy định cụ thể hơn về mức độ vi phạm thuế, chẳng hạn từ 5 tỷ, 10 tỷ trở lên hoặc phần khê khai thuế chiếm bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ thì cắt margin. Nếu vẫn giữ quy định này thì từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ còn nhiều cổ phiếu tốt khác cũng sẽ bị cắt margin do liên quan đến thuế.