Vietstock - Cuộc đua gom cổ phần của tỷ phú Thái và gia tộc Scotland tại Vinamilk
Tại Vinamilk đang diễn ra cuộc đua tranh gia tăng tỷ lệ ảnh hưởng của 2 cổ đông ngoại lớn nhất là F&N của tỷ phú người Thái và Platinum Victory của gia tộc người Scotland.
Hiện tại, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 36,01% vốn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM). Doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa này cũng đang có sự hiện diện của 2 cổ đông lớn là quỹ ngoại F&N và Platinum Victory. Trong khi SCIC chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy muốn giảm bớt lượng cổ phần sở hữu tại đây, cả F&N và Platinum Victory đang phải tranh giành mua gom từng phần nhỏ cổ phần Vinamilk trên thị trường để gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Với tham vọng tạo nên một đế chế bán lẻ F&B tại khu vực Đông Nam Á, từ nhiều năm nay, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã ra sức mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam. |
Cuộc đua tranh của tỷ phú Thái và gia tộc tỷ phú Scotland
Mới đây nhất, F&N Dairy Investment cho biết đã không mua được 14,5 triệu cổ phiếu VNM như đăng ký trước đó, nguyên nhân vẫn là điều kiện thị trường không phù hợp. Ngay sau đó, quỹ ngoại này lập tức đăng ký mua đúng số lượng cổ phiếu VNM tương tự, nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 18,31%. Thời gian thực hiện mua lần này từ 17/9 đến 16/10, thông qua các giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn.
Đây không phải lần đầu F&N Dairy đăng ký mua vào cổ phần VNM. Trước đó, cứ mỗi lần không đủ lượng đăng ký, quỹ ngoại này này lại đăng ký mua thêm lượng cổ phiếu mới.
F&N Dairy là quỹ ngoại thuộc sở hữu của Tập đoàn Fraser & Neave có trụ sở tại Singapore. Năm 2017, thông qua 2 quỹ đầu tư F&N Dairy và F&N BEV Manufacturing, tập đoàn này sở hữu hơn 16% vốn tại Vinamilk. Sau hơn một năm miệt mài thu gom cổ phần VNM trên thị trường, hiện Fraser & Neave đang sở hữu tổng cộng hơn 20% vốn tại Vinamilk, trong đó, riêng F&N Dairy nắm giữ là 17,31%.
Tuy nhiên, không chỉ tỷ phú Thái muốn “chiếm” Vinamilk, một cổ đông khác mà đứng sau cũng là những vị tỷ phú giàu có bậc nhất thế giới là Platinum Victory đang có động thái tương tự để gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Hồi giữa tháng 8 vừa qua, sau khi không mua được đủ số cổ phần mong muốn, Platinum Victory đã một lần nữa đăng ký mua thêm hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 11,62%. Trước đó, quỹ ngoại này đã kịp gom hơn 129.000 cổ phiếu VNM, gia tăng lượng sở hữu lên 10,62% vốn doanh nghiệp.
Giống F&N, đây cũng không phải lần đầu Platinum Victory đăng ký mua vào lượng cổ phiếu VNM như vậy. Trước đó, không dưới 3 lần quỹ ngoại này thể hiện mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại đây.
Trong khi F&N đã tham gia vào Vinamilk từ năm 2005, thì Platinum Victory mới chỉ "nhóm ngó" doanh nghiệp này từ cuối năm 2017.
Tỷ phú Thái hay gia tộc Scotland giàu hơn?
Nhắc đến tiềm lực tài chính của 2 cổ đông ngoại tại Vinamilk, khó có thể chỉ ra ai giàu hơn ai. Trong khi F&N có sự hậu thuẫn của tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi với khối tài sản ròng lên tới 14 tỷ USD, đứng sau Platinum Victory cũng là gia tộc giàu có bậc nhất Scotland.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người sở hữu khối tài sản ròng gần 14 tỷ USD. Ảnh: Gettyimages.
|
Cụ thể, tỷ phú Thái Lan gắn nhiều với những thương hiệu nổi tiếng quốc tế như ThaiBev, Chang, rượu rum SangSom, F&N, và cả đội bóng ở giải ngoại hạng Anh Everton. Tài sản của ông đến chủ yếu đến từ những doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu này
Thông qua công ty bất động sản tư nhân TCC Land và F&N, vị tỷ phú này đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ như khu Pantip Plaza ở Bangkok (Thái Lan), Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Australia và các nước châu Á.
Tại Việt Nam, ngoài 5 tỷ USD chi ra để thâu tóm Sabeco và hàng trăm triệu USD tại Vinamilk, vị tỷ phú còn sở hữu hàng loạt khoản đầu tư trăm triệu USD tại Việt Nam.
Thông qua TTC Land, tỷ phú Charoen hiện nắm giữ 65% cổ phần tại khách sạn Melia Hà Nội; sở hữu gần như toàn bộ Khu cao ốc văn phòng Melinh Point Tower TP.HCM, cùng 70% cổ phần tại Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng Thảo Điền, TP.HCM.
Tập đoàn của ông cũng đang sở hữu hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam sau khi mua lại với giá hơn 710 triệu USD, cùng với đó là Phú Thái Group…
Ông Alain Cany, đại diện Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C) tại Vinamilk. Ảnh: B.N.
|
Trong khi đó, quỹ Platinum Victory thuộc sở hữu của Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C), một tập đoàn đầu tư đa ngành có trụ sở tại Singapore. Tuy nhiên, JC&C chỉ là công ty con do Jardin Matheson Group (trụ sở tại Hong Kong) sở hữu 75% vốn. Đây là tập đoàn được thành lập từ năm 1832 bởi 2 đại gia người Scotland, là William Jardine và James Matheson.
Giám đốc điều hành của tập đoàn hiện nay là Ben Keswick, thuộc gia tộc tỷ phú Keswick có nguồn gốc Scotland.
Ngoài JC&C, tập đoàn này sở hữu hàng loạt doanh nghiệp tầm cỡ khác trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản… như Jardine Pacific, Jardine Motor, Dairy Farm, Hongkong Land…
Tại Việt Nam, tập đoàn này hiện cũng sở hữu vốn tại hàng loạt doanh nghiệp cớ lớn như 24,65% vốn tại Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE); 25,1% vốn tại Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO); 10,62% vốn tại Vinamilk hay lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Á Châu (ACB); KFC Việt Nam; Pizza Hut…
Trong năm 2016, JC&C có doanh thu lên tới 15,764 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế là 1,498 tỷ USD.
Quang Thắng