Vietstock - Cửa ngân hàng đã mở rộng hơn với doanh nghiệp địa ốc
Nhiều công ty địa ốc công bố được ngân hàng giải ngân hoặc chấp thuận cho vay vốn triển khai dự án với số vốn hàng ngàn tỉ đồng. Mối quan hệ giữa ngân hàng – doanh nghiệp đã phần nào được “hâm nóng” trở lại, khi tín dụng vào bất động sản theo thống kê đã gia tăng trong nhiều tháng qua.
Doanh nghiệp đã được vay hàng ngàn tỉ đồng
Sau thời gian dài doanh nghiệp bất động sản gặp khó về nguồn vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng thì gần đây hoạt động này có thể đã cởi mở hơn trước. Số vốn doanh nghiệp có thể vay lên tới hàng ngàn tỉ đồng để tài trợ cho các dự án. Điều này được xem là tín hiệu tích cực cho một thị trường bất động sản “có thể được rã cục máu đông” trong thời gian tới.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV (HM:BID)) sẽ tài trợ vốn cho Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) làm dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng. Dự án này là một khu phức hợp 18 tầng với 4 sàn thương mại và hơn 30.000 m2 sàn văn phòng cho thuê.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, cho biết từ năm 2024, TTC Land sẽ triển khai những dự án trọng điểm, bao gồm TTC Plaza Đà Nẵng. Các sản phẩm bất động sản của TTC Land trong chiến lược 2021- 2025 và tầm nhìn đến 2030 sẽ gồm bất động sản dân dụng, bất động sản thương mại và bất động sản nghỉ dưỡng sức khỏe. Việc tiếp cận được dòng vốn tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn tiến độ dự án và kỳ vọng sẽ thu về được dòng tiền ổn định.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu được ngân hàng tài trợ các gói tín dụng liên quan đến các dự án đang phát triển. Ảnh minh họa: DNCC
|
Cũng huy động vốn phát triển dự án, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (HM:PDR) được Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank) cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm ở 2 dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1&2 (Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỉ đồng, dự kiến triển khai từ đầu năm 2024. Việc được MBBank cấp tín dụng, theo ông Bùi Quang Anh Vũ – Giám đốc Phát Đạt, là một bước tiến nâng cao tiềm lực tài chính, đảm bảo tiến độ xây dựng và bàn giao dự án; tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII (HM:CII)) công bố đã được Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank (HM:VCB)) giải ngân 9.302 tỉ đồng cho 2 dự án hạ tầng trọng điểm là BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và BOT xa lộ Hà Nội. Lãi suất cho vay áp dụng hiện là 8,55-8,7%, thời gian cho vay 7-14 năm.
Lãnh đạo CII đánh giá mức lãi suất này thấp. Số tiền tạo cho CII cơ hội tái cấu trúc dòng tiền của các dự án BOT đang khai thác, nhanh chóng thu hồi vốn nhằm tái cấu trúc đầu tư và thanh toán cổ tức cho cổ đông.
Hay Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) vừa thông qua chủ trương vay tối đa 2.000 tỉ đồng tại BIDV. Thời gian dự kiến thực hiện vay vốn từ quí 4 năm nay, thời hạn vay 5 năm. Mục đích vay vốn nhằm thanh toán các chi phí liên quan đến phát triển đầu tư.
Tín hiệu tích cực về lãi suất giúp bất động sản phục hồi
Một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với bất động sản đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Với BIDV, nếu khách hàng vay vốn tiêu dùng mua nhà, mua ô tô vào thời điểm cuối năm, ngân hàng đưa ra gói vay 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm trong 12 tháng, 7,5%/năm trong 18 – 24 tháng hay 8,5%/năm trong 36 tháng. Cùng với lãi suất hấp dẫn thì thời hạn vay cũng kéo dài tối đa đến 30 năm, giảm áp lực trả cho khách hàng.
VietinBank giảm lãi suất cho vay về từ 5,9%/năm hướng tới nhóm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô 15.000 tỉ đồng. Gói vay áp dụng từ đầu tháng 11 đến cuối năm và cho các khoản vay có kỳ hạn 6 tháng bằng tiền đồng Việt Nam.
HDBank (HM:HDB) mới đây tung gói ưu đãi quy mô 5.000 tỉ đồng, lãi suất 0% tháng đầu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tháng tiếp theo, khách hàng được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 6,7%/năm.
Câu chuyện lãi suất 0% của HDBank khiến nhiều người nhớ lại giai đoạn 2013-2014, khi thị trường bất động sản “xuống đáy”. Lúc đó, Chính phủ có chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Khoảng 1 năm sau chỉ đạo này, lãi suất nhiều ngân hàng áp dụng 0% trong 12 tháng, 18 tháng, thậm chí 24 tháng cho một số nhóm đối tượng nhất định. Sau đó, thị trường bất động sản đi vào chu kỳ phục hồi.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu được ngân hàng tài trợ các gói tín dụng liên quan đến các dự án đang phát triển. Ảnh minh họa: DNCC |
Tương tự, nhiều chuyên gia cũng đánh giá thời gian qua Chính phủ có những chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất huy động, hỗ trợ doanh nghiệp và thực tế có thể sẽ “ngấm” chính sách sau khoảng 1 năm. Giới chuyên gia kỳ vọng sang năm 2024, các chính sách sẽ đi vào thực tế, các ngân hàng thương mại thực sự tung các gói vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất. Khi đó, người mua nhà sẽ được tiếp cận lãi suất tốt hơn và hạn chế bớt rủi ro về tài chính.
Việc thị trường bắt đầu xuất hiện lãi suất 0%, cộng với việc doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay là tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều đó chưa mang tính đại diện cho toàn thị trường. Bởi thực tế, gần như các dự án có pháp lý hoàn thiện, chủ đầu tư uy tín mới có thể tiếp cận chứ không phải số đông. Chưa kể, hồ sơ vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp như nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp với các tổ chức tín dụng mới đây.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ về nhà ở.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Kim Ngân