Lãnh đạo CTCP Dầu khí Đông Phương đã câu kết với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ‘tuồn’ hàng nghìn tỷ khỏi Ngân hàng SCB. Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng. Để rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập nên hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty vệ tinh để tạo các hồ sơ vay vốn khống.
Bên cạnh đó, bà Trương Mỹ Lan rút tiền từ những doanh nghiệp, cá nhân ngoài nhóm, có mối quen biết. Nổi bật là nhóm CTCP Dầu khí Đông Phương của ông Nguyễn Thanh Tùng.
Theo lời khai của Chủ tịch HĐQT Dầu khí Đông Phương - Nguyễn Thanh Tùng, ông quen biết bà Trương Mỹ Lan vào tháng 5/2022 thông qua Trương Khánh Hoàng giới thiệu. Trước đó, Dầu khí Đông Phương có quan hệ vay tiền kinh doanh tại SCB vào năm 2019.
Sau khi mua bán, hợp tác một số dự án bất động sản, bà Lan chỉ đạo Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung cho nhóm công ty của Tùng ‘tham gia’. Cụ thể, nhóm ông Tùng đứng pháp nhân lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB, còn bà Lan sẽ đưa tài sản thế chấp để đảm bảo thủ tục cho các khoản vay.
Sau khi thống nhất kế hoạch, ông Tùng chỉ đạo Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Dầu khí Đông Phương, phối hợp cùng SCB lập hồ sơ vay vốn cho 35 công ty (gồm 33 công ty Tùng mượn pháp nhân của bạn, và 2 công ty do Kiên lập) để hợp thức 37 hồ sơ vay vốn.
Tổng số tiền vay hơn 1.720 tỷ đồng, trong đó Tùng được sử dụng 443,6 tỷ đồng, của 11 khoản vay và Trương Mỹ Lan dùng 1.277 tỷ đồng của 26 khoản vay còn lại vào mục đích cá nhân.
Lời khai của Tùng cho biết công ty không có nhu cầu vay vốn thực tế, mà chỉ để giúp Lan rút tiền của ngân hàng SCB. Về phía ông Đào Chí Kiên, bị can khai nhận, là nhân viên phụ trách mảng kinh doanh xăng dầu của công ty, nhận lương 30 triệu đồng/tháng. Trong số 35 hồ sơ vay vốn, Kiên trực tiếp chuyển hồ sơ làm thủ tục cho 11 món, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho Tùng sử dụng. Số còn lại do bạn Tùng chuyển thẳng hồ sơ lên nhóm viber có Kiên và người của SCB để thực hiện.
Lãnh đạo CTCP Dầu khí Đông Phương đã câu kết với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ‘tuồn’ hàng nghìn tỷ khỏi Ngân hàng SCB |
Bên cạnh đó, Dầu khí Đông Phương còn trở thành con nợ xấu của ngân hàng, bị kê biên thu tài sản.
Gần nhất, hồi cuối tháng 11/2023, Ngân hàng BIDV (HM:BID) – Chi nhánh Sở Giao Dịch 2 vừa ra thông báo bàn giao tài sản nhà máy của CTCP Dầu khí Đông Phương - Orient Oil.
BIDV cho biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Dầu khí Đông Phương vi phạm nghĩa vụ trả nợ. BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện trả nợ, tuy nhiên Dầu khí Đông Phương vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ, khoản vay đã bị quá hạn từ năm 2019.
Tính đến ngày 7/11/2023, dư nợ của khoản vay theo hợp đồng tín dụng đã ký của Dầu khí Phương Đông tại BIDV là 1.190,3 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 783,7 tỷ và nợ lãi 406,6 tỷ đồng.
Theo đó, BIDV thông báo xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp và quy định của pháp luật.
Tài sản bảo đảm yêu cầu bàn giao để xử lý thu hồi cho khoản nợ bao gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Dầu khí Đông Phương tại thửa đất số 3755, tờ bản đồ số: 02; diện tích: 11207,5 m2 tại Lô BB1, Khu Công Nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Tài sản đảm bảo cũng bao gồm toàn bộ tài sản là Nhà máy pha chế xăng dầu Đông Phương tại thửa đất số 3809, tờ bản đồ số 02; diện tích 12.119,7 m2 tại Lô BB1, Khu Công Nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có xe ô tô TOYOTA FORTUNER biển kiểm soát 65A-071.00, theo giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 004403 do Phòng CSGT TP Cần Thơ cấp ngày 13/5/2015.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Những chuyến xe chở hàng trăm nghìn tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan ‘khui’ lỗ hổng pháp luật