Một "cơ chế đặc biệt" đã giúp hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines (HN:HVN) trở thành ngoại lệ của thị trường chứng khoán. Không chỉ cổ đông Nhà nước, những cổ đông nhỏ lẻ đủ kiên nhẫn đã được hưởng thành quả xứng đáng. "Tia sáng" kinh doanh xuất hiện trở lại
Cách đây vài tuần, Tổng CTCP Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã HVN - HoSE) đã thông báo tin khởi sắc khi tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, hãng hàng không ghi nhận 92.231 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 21.400 tỷ (+30%) so với năm 2022. Đây là mức doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của Vietnam Airlines - chỉ thấp hơn giai đoạn 2018-2019 khi dịch COVID chưa bùng phát.
Vietnam Airlines đón nhiều tín hiệu tích cực từ báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất |
Theo dự báo của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cũng được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.
Trong quý I/2024, thị trường hàng không quốc tế được đánh giá đã cải thiện tại hầu hết tại các khu vực, trừ một số thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông. Nhóm đường bay châu Úc, Ấn Độ, Mỹ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và so với 2019.
Thị trường hàng không nội địa cơ bản đã phục hồi với nhiều đường bay nội địa tăng trưởng tốt đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong các ngày 9-11/4, với tổng giá trị gần 450 triệu USD (khoảng 11.225 tỷ đồng) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nước.
Tuy nhiên, yếu tố biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD cũng đã gây những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines. Đồng thời, giá nhiên liệu vẫn neo ở mức cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Lâu lâu cổ phiếu lại "cất cánh"
Vietnam Airlines đã lỗ kiểm toán năm thứ 4 liên tiếp. Đến cuối năm 2023, nợ phải trả của hãng bay tăng vượt mức 74.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 41.000 tỷ.
Một "cơ chế đặc biệt" đã giúp hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN trở thành ngoại lệ hiếm gặp của thị trường chứng khoán khi vẫn được giao dịch trên sàn niêm yết. Dù mã đang trong diện hạn chế giao dịch song đây vẫn là một niềm vui đối với cổ đông hãng bay.
Niềm vui này thậm chí được nhân lên sau nhịp tăng khoảng 60% của cổ phiếu HVN kể từ đầu năm 2024. Rộng hơn, trạng thái tích cực từ đầu tháng 11/2023 tới nay đã giúp những cổ đông kiên nhẫn với Vietnam Airlines suốt thời gian qua được hưởng trái ngọt với mức tăng 72% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu HVN |
Bòng dáng của các dòng tiền "cá mập" kể từ đầu năm 2024 tới nay đã giúp cổ phiếu hãng bay Quốc gia có lần đầu bứt mạnh khỏi đường MA200 kể từ tháng 9/2021. Tuy nhiên, với việc giá đã tăng mạnh, RSI vượt mức 80 điểm trong vùng quá mua, chốt lời một phần là động thái nên được nhà đầu tư cân nhắc.
>> Vietnam Airlines (HVN) ký hợp đồng hơn 11.200 tỷ đồng khai thác thị trường 1,4 tỷ dân, cổ phiếu ‘cất cánh'