Vietstock - Cổ phiếu thép rớt sâu, mối lo ngại về thuế nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu có tác động?
Kết thúc phên giao dịch ngày 05/03, nhóm cổ phiếu thép đã lao dốc mạnh mẽ. Phải chăng mối lo ngại về việc Mỹ sẽ áp mức thuế quan cao đối với thép và nhôm nhập khẩu giờ mới chính thức có tác động?
Dẫn đầu đà giảm của nhóm cổ phiếu thép trong phiên giao dịch ngày 05/03 chính là Hòa Phát (HOSE: HPG) khi nằm sàn, đây cũng là mức giảm mạnh nhất của HPG trong hơn 3 năm qua. Tuy nhiên, điểm tích cực đó là khối lượng giao dịch HPG tăng đột biến, đạt gần 19 triệu cổ phiếu (cp).
Hai ông lớn khác là Thép Nam Kim (HOSE: NKG) và Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) cũng giảm cận sàn, lần lượt giảm 5.52% và 4.88%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như VGS, DNY, VIS hay POM cũng chịu chung số phần khi rơi mạnh.
Thực ra, các cổ phiếu thép đã có dấu hiệu manh nha giảm điểm trong phiên giao dịch trước đó vào ngày 04/03 trước lo ngại việc Mỹ sẽ áp mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng phiên giảm mạnh của nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt HPG, HSG và NKG là từ tin tức áp thuế của Mỹ.
Trưởng nhóm môi giới một công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần trong top 10 sàn HOSE năm 2017 cho biết tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ thông tin Mỹ dự kiến tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm. Song, đến phiên giao dịch 05/03 thì mới chính thức phản ánh mạnh mẽ nhất. Động thái bán ra dứt khoát cuối phiên cộng với lực đỡ yếu khiến HPG, HSG và NKG giảm mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng bộ phận giao dịch của CTCK SJC cũng nhận định khối ngoại góp phần vào đà giảm của nhóm cổ phiếu thép phiên hôm nay (05/03). Cụ thể, khối ngoại bán ròng hơn 3 triệu cp HPG, hơn 300,000 cp HSG và một số ít tại NKG.
Riêng HPG, cổ phiếu này đã bị khối ngoại bán ròng khá mạnh từ đầu năm 2018, khối lượng khoảng 25 triệu cp, tương ứng giá trị 1,500 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch ngày 05/03, việc khối ngoại bán ròng hơn 3 triệu cp HPG đã trở thành cú bồi để mã này giảm sàn.
Ngoài ra, vị này cũng lưu ý về khả năng sẽ giảm điểm ngắn hạn của nhóm thép khi thông tin tăng thuế thép và nhôm nhập vào Mỹ đang có ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Tăng thuế nhập khẩu sẽ có tác động khiêm tốn đến HPG, HSG và NKG?
Trở lại với câu chuyện đang được nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất hiện nay là thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 01/03 sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ. Theo đó, thuế nhập khẩu mới đối với sản phẩm thép là 25% và 10% đối với nhôm.
Theo báo cáo nhận định của CTCK Bản Việt (VCI), việc Mỹ dự định áp thuế lên thép nhập khẩu sẽ có tác động khiêm tốn đến HPG, HSG và NKG.
Nguyên nhân là do nhà sản xuất thép xây dựng HPG chỉ xuất khẩu khoảng 2% tổng sản lượng sản xuất, và chỉ một phần nhỏ trong số này được xuất khẩu sang Mỹ. Các công ty sản xuất tôn mạ HSG và NKG xuất khẩu 45-50% sản lượng sản xuất, chủ yếu sang các quốc gia ASEAN.
Đối với HSG, khoảng 10% tổng xuất khẩu được xuất sang Mỹ, trong khi con số này đối với NKG khoảng 15%. Do đó, nếu Mỹ thực hiện áp mức thuế này, sẽ ảnh hưởng lớn đến NKG hơn so với HSG, không chỉ bởi NKG có lượng xuất khẩu cao hơn, mà còn vì NKG sẽ khó có thể điều chỉnh doanh số giữa các thị trường xuất khẩu và trong nước so với HSG.
Còn ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm phân tích thị trường vốn Khối khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) - thì có quan điểm vấn đề thuế của Mỹ không ảnh hưởng đáng kể.
Theo ông Minh, xét về số liệu, mảng xuất khẩu của thép Việt Nam đạt mức gần 4 tỷ USD trong năm 2017, tức là chiếm 1% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ chiếm 11% thép xuất khẩu của Việt Nam nên việc áp thuế 25% đối với thép cũng không ảnh hưởng đáng kể.
Quyết định của ông Trump ảnh hưởng nhiều nhất đến mảng tôn, tuy nhiên NKG và HSG có lượng xuất khẩu chiếm 5 – 6% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết nên mức ảnh hưởng không đáng kể.
Vì vậy, theo quan điểm của ông Minh, hành động của ông Trump đang gây ảnh hưởng chính nội tại của Mỹ hơn và đây có thể đây là bước đi gây sức ép lên các quốc gia khác đến các hiệp định song phương sẽ được đàm phán trong thời gian tới. Đồng thời, cần lưu ý là liệu Thượng viện Mỹ có thông qua vấn đề này hay không vẫn còn là bài toán mở. Do đó, nhà đầu tư nên hạn chế biểu hiện thái quá với vấn đề này của Mỹ.
Phương Châu