Vietstock - Cổ phiếu PIV tăng trần 7 phiên liên tiếp nhờ đâu?
Phiên sáng 28/03, giá cổ phiếu của CTCP PIV (UPCoM: PIV) tiếp tục tăng hết biên độ, đánh dấu chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp từ 20/03/2024.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 tuần, thị giá cổ phiếu PIV đã cao gấp 2.6 lần, lên 3,700 đồng/cp (phiên sáng 28/03).
Giải trình về giá cổ phiếu dựng đứng, PIV cho biết hoạt động kinh doanh của Công ty bình thường, giá cổ phiếu PIV tăng trần do cung cầu của thị trường, quyết định mua, bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty.
Diễn biến giá cổ phiếu PIV từ đầu năm 2024 đến phiên 28/03/2024 | ||
Cổ phiếu PIV tăng sốc sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đưa cổ phiếu này ra khỏi diện hạn chế giao dịch từ ngày 20/03/2024, do tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm 2023 của PIV.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của PIV | ||
Năm 2023, Công ty đạt hơn 6 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 27.3 lần năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Công ty còn gặp nhiều khó khăn do yếu tố thị trường không thuận lợi, đây lại là lĩnh vực kinh doanh mới, chưa đem lại nhiều hiệu quả, cũng như chi phí xử lý các tồn đọng cao (chi phí tài chính, chi phí khác). Trong đó, chi phí tài chính từ việc thoái vốn khoản đầu tư cổ phiếu BOT Cầu Thái Hà (xấp xỉ 3 tỷ đồng) và chi phí nộp phạt thuế (1.59 tỷ đồng) cao hơn thu nhập khiến Công ty lỗ ròng gần 6 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Công ty không ghi nhận sự biến động vốn chủ sở hữu cũng như không thực hiện trả cổ tức.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PIV đạt hơn 3 tỷ đồng, giảm hơn 12 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm gần 80%, chủ yếu do Công ty đã thoái toàn bộ vốn tại khoản đầu tư vào cổ phiếu BOT. Số tiền thu hồi được Công ty sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ tồn đọng và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh. Từ cuối năm 2022, Công ty chuyển dịch hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực thương mại mô tô, xe đạp và xe máy điện.
CTCP PIV tiền thân là CTCP Tư vấn Dịch vụ tài sản Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam được thành lập vào năm 2008. Sau đó, Công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư và Thẩm định giá Dầu khí PIV. Đến năm 2011, Công ty tiếp tục đổi tên thành CTCP PIV và chính thức chuyển sang lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ, kinh doanh thương mại và sản xuất. Năm 2019, Công ty chuyển dịch dần vốn sang mảng đầu tư. Cụ thể, Công ty đã đầu tư vào CTCP BOT Cầu Thái Hà kết nối giao thông hai tỉnh giữa Thái Bình và Hà Nam. Giai đoạn 2020-2022, Công ty tiếp tục duy trì khoản đầu tư tài chính dài hạn tại Công ty BOT Cầu Thái Hà, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Công ty BOT Cầu Thái còn gặp nhiều khó khăn nên khoản đầu tư tài chính của PIV không mang lại hiệu quả. Ngày 25/11/2022, ĐHĐCĐ bất thường PIV đã thông qua chủ trương trích lập dự phòng khoản đầu tư vào cổ phiếu BOT và phê duyệt việc thoái vốn BOT để Công ty thu hồi giá trị còn lại của khoản đầu tư, tập trung vào các hoạt động kinh doanh khác. |
Khang Di