Chuyển động dòng tiền 02-04/05
Vietstock - Cổ phiếu nào xuất hiện dòng tiền bắt đáy?
Tuần giao dịch đầu tháng 5, dòng tiền chung toàn thị trường sụt giảm mạnh. Song, nhiều cổ phiếu giảm sâu đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ phía nhà đầu tư.
Cụ thể, tuần qua, VN-Index kết thúc tuần giảm 2.23% còn 1,026.80 điểm; thì HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.06% dừng tại 122.57 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 149.5 triệu đơn vị/phiên, giảm 14.25% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 46 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.59%.
Xét trên sàn HOSE, chỉ có 4 cổ phiếu có tăng trưởng dòng tiền trên 100% so với tuần trước. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu nhận được sự quan tâm nhà đầu tư phần lớn đều đã có bước điều chỉnh khá mạnh thời gian qua.
Trường hợp TLD, sau khi giá cổ phiếu về vùng thấp kỷ lục vào cuối tháng 4, thanh khoản bắt đầu cải thiện và tăng dần. Riêng tuần đầu tháng 5 đạt 452,000 đơn vị/phiên, tăng 159% so với tuần trước đó. Hay như VRE, khối lượng giao dịch bình quân tuần qua gần 5 triệu cp/phiên, tăng 150% khi mà giá cổ phiếu đang giao dịch ở vùng thấp (tính từ mức đỉnh hồi đầu năm 2018 thì VRE đã điều chỉnh 23%).
Dòng tiền bắt đáy cũng đã kích hoạt mạnh mẽ ở HSG khi mà cổ phiếu này lao dốc không phanh từ đầu năm (mất khoảng 40% giá trị) và đang giao dịch tại 14,300 đồng/cp, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Việc cổ phiếu HSG lao dốc thời gian qua có thể là do kết quả kinh doanh đơn vị này đã suy giảm. Riêng quý 2 niêm độ 2017-2018, HSG báo doanh thu tăng 23% nhưng lãi ròng giảm đến 80%, chỉ còn 87 tỷ đồng.
Ông lớn dầu khí là PVD cũng đã lao dốc mạnh thời gian gần đây. Từ vùng đỉnh 30,600 đồng/cp (29/01/2018), đến nay giá chỉ còn 14,750 đồng/cp, tức giảm hơn 51%. Đã có nhiều kỳ vọng về giá cổ phiếu nhóm dầu khí nói chung và PVD nói riêng từ cuối năm 2017 khi giá dầu thế giới hồi phục. Tuy nhiên, sự lạc quan đã sớm tiêu tan sau kết quả kinh doanh quý 4/2017 cũng như quý 1/2018. PVD đã báo lỗ lên đến gần 239 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018 trong khi kế hoạch cả năm là không lỗ.
Cổ phiếu PVD đang lùi về vùng thấp như thời điểm trước khi hồi phục cuối năm 2017. Và đây hẳn cũng là lý do mà nhà đầu tư ưu mạo hiểm đã mạnh tay bắt đáy, khiến khối lượng giao dịch bình quân tuần qua tăng 96%, đạt gần 2 triệu cp/phiên.
Xét về giá trị tuyệt đối, HAG là 1 trong 3 cổ phiếu được nhà đầu tư mua nhiều nhất trong tuần qua. Tính bình quân thì HAG đạt gần 7 triệu cp/phiên, tăng 88% so với tuần trước đó.
Tuần qua, khi thị trường trở lại sau kỳ nghỉ Lễ, cổ phiếu HAG lại khiến giới đầu tư phải chú ý khi giá giảm về mức thấp nhất trong lịch sử 4,820 đồng/cp. Và tại thời điểm này, thông tin ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAG đăng ký mua vào 20 triệu cp HAG như một chất xúc tác giúp cổ phiếu đảo chiều, tăng trần cùng khối lượng giao dịch khớp đột biến hơn 10 triệu cp.
Song, cần lưu ý thêm, để biết được nhà đầu tư bắt đáy HAG có lãi hay không thì còn phải chờ bởi ngày trong ngày 07/05, cổ phiếu HAG sẽ chính thức vào diện cảnh báo theo quyết định từ HOSE.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền có xu hướng giảm ở nhiều mã cổ phiếu bất động sản và xây dựng như TDH, HAR, QCG, LCG, SCR, REE, HBC, VNE… trong đó, giảm mạnh nhất là TDH khi khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn gần 470,000 cp/phiên, giảm 71%.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên sàn HNX, giao dịch đột biến đã xuất hiện ở PVX khi khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 4 triệu cp/phiên, trong khi tuần trước đó chỉ 250,000 cp/phiên. Cổ phiếu PVX trong 2 tuần gần đây chỉ được giao dịch chiều thứ Sáu theo quyết định của Sở do bị lỗ 2 năm liên tiếp.
Mới đây, HNX đã chính thức dỡ bỏ hạn chế giao dịch đối với PVX khi đơn vị này có giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị kiểm soát. Có thể nhờ đó là nhà đầu tư đã quay trở lại với PVX.
Những cổ phiếu tăng thanh khoản sàn HNX
Top 20 mã có thanh khoản giảm mạnh nhất sàn HNX
* Danh sách các mã tăng, giảm thanh khoản nhiều nhất xét đến khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 đơn vị/phiên.
Sanh Tín