Vietstock - Cổ phiếu Điện Quang hồi phục nhưng “vận đen” liệu đã hết?
Phát hành ESOP hai lần thất bại, kết quả kinh doanh quý 2/2017 sụt giảm mạnh, Cựu Chủ tịch Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật khiến giá cổ phiếu CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC) lao dốc đáng kể. Liệu DQC còn gặp hạn đến bao giờ?
Bẵng đi một thời gian khá thầm lặng trên thị trường, đến nay trước thông tin Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật đã khiến cổ phiểu DQC trở thành mối quan tâm của thị trường. Được biết, sau ngày 31/7 khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với bà Thoa và đề xuất “miễn nhiệm các chức vụ hiện tại”, cổ phiếu DQC đã lao dốc về mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, ở mức 38,350 đồng/cp (chốt phiên 09/08). Đến nay, mặc dù có tăng nhẹ trở lại, song cổ phiếu DQC liệu đã hết “vận đen”?.
Gia đình bà Thoa hiện nắm giữ 33.85% vốn DQC
Được biết, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương vào năm 2010, bà Thoa đã có 18 năm công tác tại Điện Quang; từ năm 2000 đến 2005 là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Tính đến ngày 30/06/2017, số cổ phần bà Thoa còn nắm giữ tại DQC chiếm 4.91% vốn. Bên cạnh đó, Chủ tịch DQC Hồ Quỳnh Hưng cũng là em trai bà Thoa đang nắm giữ hơn 2.5 triệu cp DQC, tương ứng 7.33% vốn. Mẹ bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ nắm 3.83%. Con gái bà Thoa là Nguyễn Thái Nga (là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc DQC) sở hữu 12.01% và con gái Nguyễn Thái Quỳnh Lê (Giám đốc Ban dự án) cũng nắm 6.49% vốn Công ty.
Như vậy, DQC hiện có vốn điều lệ 343.5 tỷ đồng, trong đó gia đình bà Thoa đang sở hữu 33.85%, tương ứng khoảng 116 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông DQC tính đến ngày 30/06/2017
|
Với tỷ lệ sở hữu trên, hàng năm, gia đình bà Thoa thu về một khoản cổ tức từ DQC tương đối lớn, khi mà Công ty có truyền thống chi trả cổ tức ở mức cao (thực tế 4 năm trở lại đây đều cao hơn từ 10-15% so với kế hoạch), bất kể tình hình hoạt động kinh doanh nhiều năm gần đây không mấy thuận lợi.
Riêng năm 2016, 30% cổ tức bằng tiền mặt đã được Công ty hoàn tất hồi tháng 12/2016 và tháng 4/2017. Tuy nhiên, đến kỳ ĐHĐCĐ 2017, HĐQT tiếp tục đề xuất chi bổ sung đợt 3 với tỷ lệ 10%. Như vậy, sau 3 đợt thanh toán, cổ đông DQC dự sẽ nhận đến 40% cổ tức năm 2016 và Công ty phải bỏ ra gần 128 tỷ đồng.
Tỷ lệ cổ tức của DQC giai đoạn 2009-2016 và dự kiến cho năm 2017
|
Bước sang năm 2017, mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi với chỉ tiêu lợi nhuận giảm đến 41%, song con số cổ tức vẫn được chốt ở mức khá cao, đạt 30%.
Kinh doanh nhiều năm liền giảm sút, biên lợi nhuận thấp
Nhìn vào kết quả kinh doanh của DQC kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2005, có thể thấy sự phân kỳ theo từng giai đoạn. 3 năm đầu sản xuất khả quan với sự tăng trưởng ở cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, nhưng đến năm 2008 thì con số thu về giảm sút đột ngột, được biết đây cũng là năm DQC chính thức lên sàn. Thời gian này DQC gặp khó khăn với khoản nợ của Cuba còn 858.8 tỷ đồng vào ngày 31/12/2008, khoản nợ này sau đó liên tục là ý kiến ngoại trừ của kiểm toán nhiều năm liền.
* DQC: Con đường phía trước còn nhiều chông gai!
Giai đoạn 2008-2014, kết quả kinh doanh hàng năm có sự tăng trưởng đều đặn trở lại, song nguồn thu trong thời gian này chủ yếu đến từ khoản thu tài chính với khách hàng Cuba, khi mà mỗi năm DQC đều ghi nhận doanh thu tài chính từ 50-70 tỷ, riêng năm 2016 con số thu về đạt đến 100 tỷ. Ngoài ra, thời gian này Công ty còn hưởng lợi từ việc thanh lý hàng Compact tồn kho với giá vốn thấp, đây là nguồn đóng góp chính vào doanh thu xuất khẩu của DQC.
Song, sau khi tất toát thương vụ trên thì bức tranh hoạt động tiếp tục sẫm màu, 3 năm gần đây (2014-2016) doanh thu và lợi nhuận sau thuế bình quân đồng thuận ghi nhận mức giảm gần 8%. Biên lợi nhuận theo đó cũng sụt giảm đáng kể, từ mức 19.6% (2015) đến năm 2016 chỉ còn 14.3%.
Nguyên nhân cho bối cảnh trên theo DQC là do xuất khẩu giảm, doanh thu tài chính từ mỏ vàng khách hàng Cuba không còn, đồng thời sản phẩm đèn LED gặp cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc.
Kết quả kinh doanh của DQC giai đoạn 2005-2016 và kế hoạch 2017
Đvt: Tỷ đồng
|
Không còn nguồn thu từ Cuba, LED có làm nên chuyện?
Bước sang năm 2017, cũng e ngại trước áp lực cạnh tranh mà HĐQT đưa ra con số lợi nhuận trước thuế kế hoạch giảm 41% về mức 150 tỷ đồng, sau 3 năm liền luôn duy trì tại mức trên 200 tỷ đồng. Trong khi năm 2017 được đánh dấu là năm Công ty triển khai bộ sản phẩm công nghệ thông minh điều khiển bằng điện thoại hoặc máy tính thông qua Internet (dự kiến ra mắt vào tháng 7-8/2017). Chưa hết, dự kiến quý 1/2018, nhà máy mới sẽ chính thức đi vào hoạt động, với sản phẩm phát triển chính là đèn LED và những sản phẩm thông minh. Đây là hai dòng sản phẩm đã từng đem lại rất nhiều kỳ vọng từ phía nhà đầu tư đối với DQC.
Về dự án Nhà máy Khu Công nghệ cao quận 9, hiện nhà máy đã xong giai đoạn thiết kế, xin phép thủ tục và đã bắt đầu đóng cọc thử. Liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho nhà máy, trước đây DQC dự kiến phát hành 500,000 cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 1.72% số cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ quản lý và lao động xuất sắc đủ tiêu chuẩn nhằm huy động vốn đầu tu dự án. Song, tại ĐHĐCĐ 2017 vừa qua HĐQT đã đề xuất hủy bỏ phương án trên, và cam kết sẽ không gây ảnh hưởng đến việc triển khai nhà máy. Trước đó, năm 2015 Công ty cũng đã kế hoạch phát hành 200,000 cp ESOP nhưng đã không thực hiện do điều chỉnh chiến lược kinh doanh. |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 418 tỷ, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và 53% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 62 tỷ, thực hiện hơn 41% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2017.
* ĐHĐCĐ Bóng đèn Điện Quang: Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng lý giải nguyên nhân lợi nhuận kế hoạch giảm sâu 41%
Lãnh đạo DQC lý giải, lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu vì Công ty không còn nguồn thu tài chính từ khách hàng Cuba. Tuy nhiên, phía DQC cũng rất có niềm tin vào cơ hội từ thị trường đèn LED. Bởi xu hướng tiêu dùng là chọn lựa đèn LED thay thế đèn huỳnh quang hay đèn Compact, nhờ những đặc tính nổi trội về độ sáng, tiết kiệm điện, tuổi thọ... Với xu hướng đó, DQC dồn lực đầu tư nhà máy đèn LED tại Khu Công nghệ cao quận 9. Dự kiến năm 2018, nhà máy mới này sẽ đi vào hoạt động. Được biết, đây là sẽ nơi DQC dành cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đèn LED công nghệ cao và sản phẩm thông minh, nhằm tạo sự khác biệt với thị trường. Nhà máy hứa hẹn nâng công suất lên 40 triệu đèn LED/năm.
Vậy, không còn nguồn thu từ khách hàng Cuba cũng như từ thanh lý hàng tồn kho giá vốn thấp, dự án đèn LED của DQC liệu có làm bệ phóng cho DQC trong thời gian đến như kỳ vọng?
Cựu Chủ tịch bị kỷ luật, giá cổ phiếu đã giảm lại càng giảm hơn Đà giảm đã có từ trước, cổ phiếu DQC tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên cuối tháng 7 sau khi giới đầu tư đón nhận thông tin kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa. Hiện cổ phiếu DQC đang giao dịch tại mức 39,400 đồng/cp (08/08), giảm gần một nửa thị giá so với hồi tháng 7/2016. Được biết, thông tin Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật Đảng và đề nghị miễn nhiệm đã được manh nha đâu đó một năm trước, và đây có thể là nguyên nhân khiến cổ phiếu DQC giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Như vậy, khối tài sản nắm giữ tại DQC của bà Thoa đã giảm 235 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2017. * Bà Hồ Thị Kim Thoa đã “thổi” 4.700 mét vuông đất “bay” vào túi ai? Chưa hết, kết quả kinh doanh giảm sút nhiều năm gần đây cũng góp phần làm giá cổ phiếu DQC trên thị trường liên tục đi lùi. Về khối lượng giao dịch trước đó gần như không có, cho đến đầu năm nay, áp lực bán tăng khá mạnh sau khi giới đầu tư nhận thông tin kỷ luật bà Thoa đã đẩy khối lượng giao dịch tăng khá mạnh, từ mức vài chục ngàn cổ tăng lên mức xấp xỉ 500 ngàn cổ mỗi phiên.
Vận hạn chưa dừng lại, đến ngày 03/08, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC) tổng số tiền 120 triệu đồng. |