Vietstock - Cổ phiếu APC giao dịch trở lại trên UPCoM từ 15/05
Sau khi rời sàn HOSE do bị hủy niêm yết bắt buộc, hơn 20.1 triệu cp của CTCP Chiếu xạ An Phú (Apira) với mã chứng khoán APC sẽ bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào ngày 15/05/2024. Với giá tham chiếu 7,100 đồng/cp, vốn hóa APC ước khoảng 143 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho hơn 20.1 triệu cp APC được giao dịch trên thị trường UPCoM. Ngày giao dịch đầu tiên là 15/05/2024 với giá 7,100 đồng/cp.
Trước đó, hơn 20.1 triệu cp APC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 29/04, do Công ty thua lỗ liên tiếp trong 3 năm từ 2021-2023. Đây cũng là cổ phiếu "mở màn" bị hủy niêm yết trên HOSE trong năm 2024.
Phó Tổng Giám đốc gom thêm cổ phiếu trước thềm hủy niêm yết
Ông Võ Thái Sơn - Phó Tổng giám đốc APC báo cáo đã mua thêm 71,100 cp trong số 100,000 cp APC đăng ký mua từ ngày 09-26/04. Diễn biến thị trường không thuận lợi là nguyên nhân được ông Sơn đưa ra khi không hoàn tất số lượng đăng ký.
Sau giao dịch, ông Sơn nâng sở hữu tại APC từ 800,000 cp (tỷ lệ 4.02%) lên 871,100 cp (tỷ lệ 4.38%). Ước tính giá trị thương vụ khoảng 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chị gái ông Sơn là bà Võ Thuỳ Dương - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APC đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 8 triệu cp APC (tỷ lệ 40.46%). Tổng cộng, hai vị này đang sở hữu 44.84% vốn điều lệ APC.
Cổ phiếu APC lên sàn HOSE vào đầu năm 2010, từng có thời điểm áp sát giá "3 chữ số" hồi tháng 12/2017 khi thị giá "nhảy dựng" gấp 5 lần lên đỉnh 90,000 đồng/cp, trước khi đổ đèo xuống vùng 30,000 đồng/cp với loạt phiên "nằm sàn" không lý do từ đầu năm 2018.
Diễn biến giá cổ phiếu APC
|
Quý 1 giảm lỗ còn 5 tỷ đồng
Chiếu xạ An Phú được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, hoạt động chính là dịch vụ chiếu xạ, chiếm khoảng 60% thị phần trên thị trường. Giai đoạn trước năm 2021, kết quả kinh doanh APC tương đối ổn định với doanh thu trên 100 tỷ đồng và lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Từ năm 2021 trở đi, dù doanh thu duy trì ngưỡng trên trăm tỷ đồng nhưng Công ty vẫn nhận về khoản lỗ ròng đầu tiên gần 2 tỷ đồng, kém xa số lãi 45.5 tỷ đồng năm 2020. Hai năm 2022-2023, Công ty tiếp tục lỗ thêm 9 tỷ đồng và 36 tỷ đồng, chủ yếu do giá vốn và chi phí lãi vay.
Trong quý 1/2024, APC ghi nhận doanh thu thuần trên 30 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Không còn kinh doanh dưới giá vốn, Công ty lãi gộp gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 600 triệu đồng. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 26%.
Dù tiết giảm chi phí lãi vay song giá trị vẫn ở mức cao, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khiến APC lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, giảm so với số lỗ 15 tỷ đồng quý 1/2023.
APC nối dài chuỗi lỗ lên 6 quý liên tiếp |
Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu trên 168 tỷ đồng và có lãi trở lại hơn 975 triệu đồng. Ban lãnh đạo APC dự báo nhu cầu về chiếu xạ 6 tháng đầu năm 2024 khó tăng, mức độ cạnh tranh tăng, giá dịch vụ sẽ giảm. Nhu cầu sẽ tăng cao bắt đầu từ quý 3 và kéo dài đến hết quý 4. Nông sản và thủy sản đông lạnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu mặt hàng chiếu xạ ở khu vực phía Nam. Năm 2024, Công ty sẽ có thêm nhóm hàng mới là thiết bị y tế đóng góp vào doanh thu.
Tại thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản APC khoảng 878 tỷ đồng, giảm 12 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm đến 72% là tài sản cố định. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng nhẹ 1 tỷ đồng lên hơn 7 tỷ đồng; hàng tồn kho gấp 5 lần, đạt 3 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả giảm từ 300 tỷ đồng đầu năm xuống 292.5 tỷ đồng. Tổng nợ vay chiếm 262 tỷ đồng. Trong đó, 76 tỷ đồng vay ngắn hạn từ các ngân hàng Vietcombank (HM:VCB), SeaBank, VPBank (HM:VPB) và 1 cá nhân là Trần Ngọc Thiên Nga.
Thế Mạnh