Vietstock - Cổ đông lớn HCI sang tay cổ phiếu cao hơn thị giá 10%?
Ngày 22/03/2024, bà Vũ Hoàng Yến - cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HCI) - đã bán 265,792 cp HCI, với mục đích chuyển nhượng cổ phiếu.
Trước giao dịch, bà Yến nắm 662,676 cp HCI, tương ứng 12.67% vốn điều lệ. Với lượng cổ phiếu bán ra như trên, bà Yến hạ tỷ lệ sở hữu tại HCI về 7.59%, tương đương 396,884 cp.
Cùng ngày, HCI đón cổ đông lớn khác là Trần Văn Hồng, với giao dịch mua 265,792 cp - bằng lượng bán ra của bà Yến. Sau giao dịch, ông Hồng trở thành cổ đông lớn của HCI với tỷ lệ sở hữu 5.08%.
Ngày 22/03, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng tương đương số lượng mua bán của ông Hồng và bà Yến. Nhiều khả năng, đây là giao dịch sang tay giữa 2 nhà đầu tư, với giá trị ghi nhận 3.8 tỷ đồng (khoảng 14,300 đồng/cp). Mức giá này cao hơn 10% so với thị giá HCI phiên sáng 22/03 (12,900 đồng/cp). Thị giá hiện tại của HCI chưa biến động.
Diễn biến giá cổ phiếu HCI từ đầu năm 2024 | ||
CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội được thành lập ngày 16/05/1997 trên cơ sở sáp nhập Công ty Xây lắp điện Hà Nội và Công ty Khai thác cát Hà Nội. Công ty hoạt động chính trong mảng xây dựng và bất động sản, bao gồm: lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, tư vấn cho các chủ đầu tư trong nước, nước ngoài; Thi công xây lắp điện: đường dây, trạm biến áp, cáp ngầm; Thi công, xấy lắp công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi giao thông; Tư vấn, thiết kế kinh doanh dịch vụ khu đô thị mới và cụm công nghiệp.
Về tình hình hoạt động, HCI vẫn chưa công bố BCTC 2023. Doanh nghiệp có 2 năm lỗ ròng liên tiếp, năm 2022 lỗ hơn 1.4 tỷ đồng và năm 2021 lỗ hơn 2.3 tỷ đồng. BCTC kiểm toán 2022 của Doanh nghiệp cũng nhận ý kiến ngoại trừ (năm thứ 3 liên tiếp), liên quan đến khả năng thu hồi nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản công nợ quá hạn.
Tình hình kinh doanh của HCI từ 2020 | ||
Doanh nghiệp giải trình công nợ nêu trong ý kiến kiểm toán ngoại trừ đến từ các hợp đồng công trình thi công xây lắp, với 100% nguồn vốn từ Ngân sách (làm đường, trường học, cống hóa mương, điện cao thế, hạ thế…). Chủ đầu tư - cũng là khách hàng - đều từ các ban quản lý dự án thuộc Nhà nước.
Thời gian ký hợp đồng và thực hiện từ rất lâu, có những công trình từ năm 2002, nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng mới có hồ sơ kết toán chưa quyết toán, đã bàn giao chưa quyết toán, hoặc chưa được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán Nhà nước nên chưa xử lý. Ngoài ra, dù doanh thu để tính cho các hợp đồng này dựa trên giá trị kết toán, quyết toán… nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán từ 90-95% giá trị đã tính. Phần còn lại sẽ được xử lý sau khi công trình được quyết toán, kiểm toán và hiện Doanh nghiệp đang tiến hành làm hồ sơ.
Một lý do khác trong ý kiến ngoại trừ liên quan đến số dư của các chỉ tiêu trên bảng cân đối, như tài sản thiếu chờ xử lý, chi phí trả trước dài hạn, phải thu ngắn hạn, phải trả người bán ngắn hạn… tại chi nhánh Vĩnh Phúc và Cao Bằng của Công ty.
Doanh nghiệp giải trình 2 chi nhánh trên đã tạm ngừng hoạt động, nhân sự đã nghỉ nhiều. Các tài liệu, sổ sách từ những năm trước đang bị thất lạc, việc tìm lại vì thế gặp khó. Hiện, Công ty đang hối thúc giám đốc các chi nhánh tìm lại hồ sơ chi tiết để rà soát công nợ, triển khai công tác thu hồi trong thời gian sớm nhất.
Châu An