Vietstock - Cơ chế cho đặc khu - câu chuyện từ Vân Đồn
Lựa chọn vị trí người đứng đầu đặc khu là vấn đề quan trọng số 1 sau khi đã tạo ra được cơ chế, luật chơi phù hợp. Và chính quyền Quảng Ninh cũng đang triển khai các phương thức cụ thể để phát huy mạnh mẽ cơ chế đó.
Tỉnh Quảng Ninh vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Được biết, đề án đã được tham khảo kinh nghiệm xây dựng đặc khu ở các nước trên thế giới với trên 50 cuộc hội nghị, hội thảo được thực hiện, hàng ngàn ý kiến đóng góp cho đề án Đặc khu Vân Đồn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh
|
Đặc khu trưởng của Vân Đồn có gì đặc biệt?
Quảng Ninh đã đề xuất 2 phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền Đặc khu.
Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các đặc khu phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã được thay bằng các khu hành chính, người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn. Phương án này phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất trên thế giới hiện nay. Quan trọng hơn là mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thay vì tập thể quyết định như lâu nay. Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính, thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc.
Phương án 2, là chính quyền một cấp, chỉ có UBND và HĐND cấp Đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã. Ở phương án này, HĐND bớt quyền lực, chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không được quyết các vấn đề như ngân sách, đầu tư... Tuy nhiên, với mô hình này, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể, không đề cao được vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Quảng Ninh ưu tiên chọn phương án 1, bởi chỉ có như vậy mới có thể đột phá… Còn mô hình chính quyền một cấp, giữ cả UBND và HĐND cấp huyện, thì về cơ bản vẫn như mô hình chính quyền cấp huyện hiện nay…”.
Rõ ràng, việc xây dựng 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc đang được cả nước kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới cho sự phát triển của đất nước. Từ mong muốn này, 3 địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) khi xây dựng Đề án cũng đã đề xuất những điều đặc biệt từ người đứng đầu, đó là Trưởng Đặc khu. Nhưng để bộ máy quản lý nhà nước ở đặc khu hoạt động năng động, hiệu quả thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các văn bản pháp luật phải quy định cụ thể, rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của Trưởng đặc khu. Nếu Trưởng đặc khu với nhiều quyền lực đặc biệt, đặc thù, thực hiện đúng quy định của pháp luật, không tư lợi, mà vì cộng đồng, vì sự phát triển của đặc khu, dẫn đến có những quyết định thiếu chính xác thì không bị xử lý với bất cứ hình thức nào. Ngược lại, đã vi phạm thì phải xử lý, không miễn trừ.
Mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư"
Trở lại câu chuyện Vân Đồn, trong Đề án, Quảng Ninh đã đề xuất phương án bộ máy chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có sự tham gia của lĩnh vực tư nhân (nhà đầu tư chiến lược) theo mô hình “lãnh đạo công - quản trị tư”. Bởi họ được xác định là những nhà đầu tư gắn bó lâu dài. Việc quản trị, điều hành ở đặc khu theo mô hình quản trị doanh nghiệp sẽ tạo sức bật hoàn toàn mới cho một đơn vị hành chính - kinh tế.
Trong sự chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng, thận trọng 5 năm qua, Quảng Ninh đã lựa chọn được Tập đoàn SunGroup là nhà đầu tư chiến lược tại Vân Đồn. Lựa chọn này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng tình, ủng hộ cao. Có thể khẳng định chính nhờ xác định, lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược này nên Quảng Ninh đã có được Cảng hàng không quốc tế đầu tiên do tư nhân đầu tư xây dựng và cũng từ đây hút được dòng vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng vào Vân Đồn chỉ trong 3 năm (2015 - 2017).
Vẫn còn đó những băn khoăn
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội, trong đó mô hình tổ chức chính quyền địa phương đang được xem là vấn đề gây tranh cãi nhất. Theo dự thảo luật lần này, chính quyền địa phương ở đặc khu có HĐND đặc khu và UBND đặc khu. Trong đó, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, đa số hoạt động chuyên trách. UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Tuy nhiên, theo TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: Tranh cãi nhiều là đúng và là rất cần thiết. Bởi vì đây là cơ chế đặc biệt của một cấp chính quyền địa phương theo mô hình mới. Ông Sơn cũng cho rằng, “về cơ cấu cơ bản của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tôi hoàn toàn ủng hộ với phương án là phải tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) bên cạnh UBND ở đặc khu”, nhưng ở mức tinh gọn nhất có thể vì cơ cấu có HĐND ở đặc khu cũng đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định.
Những câu hỏi mà các nhà đầu tư tầm cỡ thế giới đặt ra đối với một đặc khu kinh tế như Vân Đồn đang dần được giải đáp. Và tất nhiên, những “tổ của phượng hoàng” khác cũng đang hoàn tất khâu chuẩn bị. Tất cả chỉ còn chờ Quốc hội “nhấn nút” trong kỳ họp này vào ngày 21/5 tới.
Lê Cường