Vietstock - Chuyện IPO 2017: Hàng khủng bị ế!
Có 20 đơn vị đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2017, đáng chú ý có hai ông lớn với số lượng cổ phiếu chào bán chiếm hơn 80%, xấp xỉ 531 triệu cổ phiếu lại chịu chung cảnh “ế”.
Chuyện IPO 2017: Hàng khủng bị ế!
|
Đầu tiên phải kể đến đại gia bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) Becamex IDC; với vốn điều lệ 13,170 tỷ đồng, đồng thời quản lý và sử dụng hàng ngàn héc ta đất đơn vị này đã gây không ít xôn xao ngay thời điểm đánh tiếng chào bán cổ phần. Theo kế hoạch cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Becamex sẽ chào bán hơn 311 triệu cổ phần với giá khởi điểm 31,000 đồng/cp ra công chúng, chiếm 23.63% vốn điều lệ.
Rầm rộ là vậy, song đến cuối tháng 11, nhà đầu tư “chưng hửng” khi UBCKNN chính thức công bố số lượng đăng ký mua Becamex IDC chỉ đạt 6%, tức chưa đến 19 trên tổng số 311 triệu đơn vị chào bán. Có nhiều lý do đưa ra giải thích cho nguyên nhân IPO thất bại của ông lớn này nhưng điểm đáng chú ý nhất nằm ở chiến lược trong tương lai. Theo đó, mặc dù tài sản khủng song kế hoạch kinh doanh Becamex IDC đưa ra giai đoạn 2017-2019 là khá thấp nếu so với kết quả từ 2013-2016.
Đôi nét về Becamex IDC, ông lớn ngàn tỷ này có tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex), được thành lập vào năm 1976. Đến nay, Tổng Công ty có 20 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu đô thị, xây dựng công nghiệp - giao thông... Trong đó, đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp là lĩnh vực mạnh nhất của Becamex IDC và các đơn vị thành viên. Hiện Becamex đang quản lý 6 KCN gồm KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 có tổng diện tích 3,429 ha; KCN Việt Nam – Singapore có tổng diện tích 6,000 ha (Công ty nắm 49% vốn); Khu Công nghiệp và Đô thị Thới Hòa 956 ha; KCN Bàu Bàng 2,000 ha; Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương 4,196 ha; và KCN Becamex – Bình Phước 4,300 ha. |
Chia sẻ về điều này, ông Quảng Văn Viết Cương, Giám đốc Phòng Đầu tư Becamex IDC cho biết sở dĩ đặt kế hoạch kinh doanh không nổi bật bởi Công ty còn thuộc Nhà nước, nên phải theo chủ trương Nhà nước. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng sau khi IPO ban chỉ đạo sẽ đề ra phương hướng hoạt động cụ thể, từ đó mới đưa ra được con số chỉ tiêu cụ thể hơn, còn những kế hoạch hiện nay là trên tinh thần khả thi!
Và thực tế, kết thúc phiên đấu giá lần đầu của đại gia BĐS KCN này có 9 tổ chức và 149 cá nhân trúng giá với mức giá bình quân 31,008 đồng/cp, chỉ nhích nhẹ so mức giá khởi điểm. Tổng khối lượng đặt mua là 18,952,500 cổ phần, đạt 6.1% lượng chào bán, tương đương Công ty thu về gần 588 tỷ đồng.
Không lâu sau đó, thị trường lại đón nhận thêm một hàng khủng với vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần là 4,500 tỷ đồng, nhưng lượng đăng ký mua cổ phần lần đầu cũng chỉ dừng lại ở mức 0.3%. Cụ thể, Tổng Công ty Sông Đà – Công ty mẹ đưa ra đấu giá 219,678,000 cổ phần, tương đương 48.82% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ có 801,500 cổ phần được mua bởi 229 nhà đầu tư cá nhân, tương đương chỉ 0.3% lượng chào bán. Với con số vô cùng khiêm tốn trên, so với “bom xịt” trước đó BecamexIDC thì Tổng Công ty Sông Đà còn “ế” hơn gấp nhiều lần!
Về Sông Đà, là một đơn vị lớn với tổng tài sản công ty mẹ đạt 15,050 tỷ đồng, song tính đến thời điểm 30/06/2017; hệ số nợ Tổng Công ty lại rất khủng, ghi nhận tới 6.6 lần. Trong đó tổng vốn vay và nợ thuê tài chính lên đến là 6,845.5 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ phải trả. Không chỉ năm 2016, nhiều năm liền trước đó (giai đoạn 2013-2016), hệ số này cũng luôn dao động quanh mức 13-15 lần.
Như vậy, chào bán hơn 531 cổ phiếu, chiếm đến 80% tổng lượng cổ phần IPO trong năm 2017 trên cả hai sàn HNX và HOSE, nhưng số lượng mua thành công tại Becamex IDC cũng như Tổng Công ty Sông Đà chưa đến 20 triệu đơn vị, kết quả này vô tình làm xấu đi bức tranh chung toàn thị trường.
Tỷ lệ thành công chỉ đạt 19%!
Trở lại bức tranh IPO cả năm 2017, toàn thị trường có 11 đơn vị tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu thông qua sàn HNX, con số ghi nhận trên sàn HOSE đạt 9 đơn vị. Tổng số lượng chào bán đạt 662 triệu cổ phần, tổng lượng được mua đạt hơn 127 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ thành công là 19%.
Có vẻ mức 19% là khá thấp, tuy nhiên nếu loại trừ hai trường hợp “ế” kể trên (Becamex IDC và Tổng Công ty Sông Đà), thì tỷ lệ chào bán thành công xấp xỉ 82% với 7 đơn vị trên HSX được mua sạch tổng lượng cổ phần IPO. Điểm tên có Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Idico), Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Du lịch - Thương mại Kiên Giang, Công ty TNHH MTV Chè Bàu Cạn, Công ty TNHH MTV Cao su Công nghiệp.
Thương vụ IPO trên sàn HSX năm 2017
Đáng chú ý có thương vụ IPO tại Idico, cũng là đơn vị kinh doanh BĐS KCN nhưng Idico lại được nhà đầu tư tranh giành, săn đón từng giờ với lượng đăng ký mua gấp 5 lần lượng chào bán. Theo đó, tại phiên đấu giá ngày 05/10, giá trúng thầu bình quân của đơn vị này được đẩy lên 23,940 đồng/cp, cao gấp 1.3 lần so với giá khởi điểm là 18,000 đồng/cp.
Giải mã cho sức nóng trên, điều đầu tiên có lẽ là nhà đầu tư chiến lược của Idico trong đợt chào bán này tương lai khả năng nắm quyền kiểm soát Công ty sau khi Nhà nước thoái vốn là rất lớn! Khi mà sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ chỉ còn sở hữu 108 triệu cổ phần, tương ứng 36% vốn điều lệ trong tổng số 300 triệu cổ phần dự kiến phát hành. Dự kiến đến 31/12/2018, Nhà nước sẽ thoái hết vốn tại Idico.
Chưa kể, với tiềm lực gồm 13 dự án với tổng diện tích đạt 5,872 ha, tổng vốn đầu tư chạm mức 18,000 tỷ đồng … cùng tổng tài sản hơn 12,518 tỷ đồng tại 16 công ty con và công ty liên kết, 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3,271 ha trên địa bàn cả nước, mức giá Tổng Công ty đưa ra lại khá phải chăng tại mức 18,000 đồng/cp. So với con số 31,000 đồng/cp của Becamex IDC, mức giá này rẻ hơn đến 42%!
Cùng với đó, con số doanh nghiệp chào bán thành công 100% trên sàn HNX đạt 3 đơn vị, gồm: Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Trường Thành và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Bắc Ninh; với tổng giá trị IPO lần lượt ghi nhận là 64.8 tỷ, 30.2 tỷ và 15.3 tỷ đồng.
Thương vụ IPO trên sàn HNX năm 2017
Tri Túc