Vietstock - Chuyển đầu tư cao tốc nối với Trung Quốc: Từ ngân sách sang BOT
Bộ GTVT lên phương án kéo dài dự án BOT Bắc Giang -Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị kèm theo điều kiện bỏ 1 trong 2 trạm thu phí trên QL 1A.
Đây là động thái cụ thể hoá chủ trương của Thủ tướng về chuyển đổi phương thức đầu tư dự án này từ vốn vay quốc tế sang hình thức BOT. Cụ thể, vào ngày 18/11, trong phiên trả lời chất vấn của ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi đã trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và Bộ trưởng Bộ GTVT và đã thống nhất không dùng vốn nước ngoài mà làm đoạn tuyến từ Chi Lăng đi cửa khẩu Hữu Nghị bằng hình thức BOT trên tinh thần khắc phục những vấn đề còn tồn tại của hình thức này”.
Cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị dài 43 km, thuộc đoạn cuối của cao tốc Hà Nội –Lạng Sơn, kết nối sang Trung Quốc, hình thành nên tuyến vành đai Hà Nội – Lạng Sơn – Nam Ninh. Theo quy hoạch, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 153km sẽ hoàn thành đồng bộ vào năm 2020.
Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã đưa vào khai thác từ năm 2016. Trong khi đó, 64km cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (TP Lạng Sơn), kết hợp với tăng cường mặt đường QL1 (đoạn Km1+800 - Km106+500) đang được triển khai xây dựng theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành trong năm 2019. Còn lại, 43km đoạn từ Chi Lăng - Cửa khẩu Hữu Nghị được Bộ GTVT phê duyệt quyết định đầu tư ngày 14/6/2016 với tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2019.
Trước lo ngại về nợ công tăng cao, đặc biệt là lo ngại về chậm tiến độ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ chuyển đổi sang hình thức BOT. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị xem xét bỏ 1 trạm thu phí trên QL 1A (dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có 2 trạm thu phí trên QL 1A) để giảm sức chịu đựng của chủ phương tiện.
Ông Trần Văn Thế, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC - nhà đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) cho hay, việc chậm triển khai đoạn tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị khiến lượng xe trên tuyến của doanh nghiệp này đầu tư không đạt, đe dọa khả năng thu hồi vốn. Hiện, ngân hàng Vietinbank cam kết cho vay vốn đối với dự án Chi Lăng – Hữu Nghị.
Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ GTVT), Bộ GTVT đang cùng nhà đầu tư đề nghị địa phương đồng thuận để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng tổ chức thực hiện. Chiều 29/11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã họp để xem xét cụ thể phương án này trước khi trình Chính phủ.
BẢO AN