Vietstock - Chuyện chung cư - 'Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ'
Vào ngày tôi đang định viết bài này, một bản báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) được phát đi cho giới báo chí.
Mở đường cho các dự án chung cư mọc lên tại Q.7 (TP.HCM) vào năm 2008
Diệp Đức Minh
|
Trong báo cáo, HoREA nêu: "Trong 5 tháng đầu năm 2018, tình hình tranh chấp xảy ra tại khoảng 100 chung cư trong tổng số gần 1.000 chung cư tại thành phố", bỗng nhiên một câu trong bài hát Mười năm tình cũ của nhạc sĩ Trần Quảng Nam bật ra trong đầu!
Bộn bề bao chuyện
Tình hình tranh chấp ở chung cư tưởng rằng đã cũ, lùi rất xa vào dĩ vãng, nhưng không. Chung cư vốn là một thực thể rất sống động, mức độ tương tác rất lớn, như một xã hội thu nhỏ thì làm sao ngớt được cảnh tranh chấp. Đô thị ngày một mọc lên quá nhiều nhà cao tầng, thì bao chuyện bộn bề vẫn theo đó mà phát sinh.
Cũng trong ngày 14.6, một đồng nghiệp cũ gửi cho tôi bản chụp văn bản một thông báo của UBND P.5, Q.8, TP.HCM gửi Công ty CP Giai Việt, đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tại khu căn hộ Giai Việt 3 block A1.1, A1.2, B2. Khu chung cư này đã lùm xùm nhiều tháng qua vì cư dân ở đó "tố" đủ thứ xảy ra tại nơi mà họ sinh sống: đường ống cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị vỡ, tường nhà bị bong tróc, cửa tủ điện ở tầng trệt bị hỏng; rác thải không được dọn dẹp, chất đống trong tầng hầm giữ xe bốc mùi hôi thối...
Hay mới đây nhất, cư dân ở khu căn hộ Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã đòi phát đơn kiện UBND TP.HCM, vì theo họ TP đã có quyết định theo hướng "bật đèn xanh" cho chủ đầu tư "chẻ nhỏ" dự án này từ 232 căn hộ lên đến 409 căn hộ, dồn nén áp lực làm tăng dân số, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Cái thực thể chung cư sống động và vô cùng nhạy cảm ấy đã khiến tôi nghĩ về một câu chuyện cách đây mấy năm. Một nhà đầu tư ra Huế để khảo sát tìm đất xây dựng chung cư, trong một bữa nhậu lai rai với một quan chức hàng tỉnh, anh nêu ý định ấy và nhờ giúp đỡ. Vị quan chức này nâng ly rượu tợp một ngụm, xong đặt ly xuống từ tốn nói: "Mi nghĩ răng mà ra Huế đầu tư xây dựng chung cư. Đây có ai ở nhà kiểu đó!". Hôm sau, nhà đầu tư “nguội ngắt” lên máy bay về lại Sài Gòn.
Có lẽ Huế là một trong số ít đô thị hạng 2 trực thuộc tỉnh không hề có chung cư, vì nhiều lẽ mà nếu giải thích ra thì lắm sự dài dòng!
Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM trong một buổi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên năm 2008 về bài viết Sống không có chủ quyền ở chung cư.
Diệp Đức Minh
|
Chuyện chung chuyện riêng
Cũng tại bản báo cáo của HoREA kể trên, tổ chức này nêu rõ: "Sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza, Q.8, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Sở, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng. Cộng đồng dân cư cũng đã đặc biệt quan tâm hơn đến công tác đảm bảo an toàn chung cư. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn 7 chung cư chưa có hệ thống PCCC (trong số 12 chung cư đã kiểm tra năm 2016); Các chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư đã rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, và đã chủ động giảm giá bán căn hộ chung cư khoảng trên dưới 5% để thu hút khách hàng".
Ở thời điểm này, nếu viết về chuyện chung cư mà không nhắc đến vụ cháy đau lòng chấn động cả nước vừa qua, thì thật không phải, vì sẽ mang tiếng là né tránh. Nhưng câu chuyện riêng của anh bạn trong một bữa ăn trưa cách đây ít lâu không khỏi khiến tôi suy nghĩ: Đó là năm 2017 anh mua lại một căn hộ trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) để cho thuê, chỉ mấy ngày sau sự kiện Carina, người thuê căn hộ đã gọi điện trả nhà, làm anh mất đứt 15 triệu đồng tiền thuê/tháng.
Sở dĩ suy nghĩ, là vì ngay cả trong hai thông tư phân hạng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 và cả 2016, tiêu chí phòng chống cháy nổ được đặt ra rất quan trọng. Ví dụ, ở mục Phòng chống cháy nổ, nhà hạng 1 và 2 đều buộc phải "có hệ thống thiết bị cảm ứng tự động báo cháy, chữa cháy, hệ thống tín hiệu, thông tin khi có hỏa hoạn trong căn hộ và khu vực sử dụng chung". Còn với chung cư hạng 3 và 4, thì "hệ thống phòng chống cháy nổ phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành". Với Thông tư 31 năm 2016, thì chung cư hạng A và B đều có quy định ngắn gọn, rõ ràng: "Có hệ thống, thiết bị chữa cháy tự động khu vực công cộng và trong căn hộ".
GS Đặng Hùng Võ - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên tháng 3.2008.
Diệp Đức Minh
|
Thế nhưng điều tệ hại cũng đã xảy ra, vì sao vậy? Bởi, sự nguy hại sinh ra từ bất cẩn, vì tắc trách và vì đủ thứ lý do khiến cho sự an toàn bị đánh mất từ chủ đầu tư, từ các công ty bảo vệ, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng và kể cả từ ý thức kém của một bộ phận cư dân. Chứ hoàn toàn không phải do thiếu quy định, thiếu các hành lang pháp lý để khiến cho sự cố xảy ra.
Bởi thế, một câu khẩu hiệu rất cũ nhưng luôn luôn mới với cộng đồng cư dân của các tòa nhà cao tầng. Đó là "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Nếu quên điều này, thì tai họa xảy đến là điều dễ hiểu!
Vĩ thanh
Kể từ lúc tôi rời khỏi vị trí viết bài trong lĩnh vực bất động sản đến nay đã gần 10 năm. Trước đó, với 13 năm "ăn ngủ" cùng bất động sản của buổi đầu khai vỡ, là chừng ấy thời gian chứng kiến đủ thứ hỉ nộ ái ố của một nhu cầu đứng vào hàng bậc nhất của con người: nhu cầu ở. Những tưởng rằng cái thực thể các căn nhà thuộc lĩnh vực "bất động" ấy là vô tri, vô cảm, nhưng hóa ra cộng đồng sống tại các chung cư ấy luôn là linh hồn của các tòa nhà, luôn "cựa quậy". Bởi vậy, nếu nói rằng mình hiểu hết mọi chuyện về chung cư thì quả là rất "lộng ngôn". Chỉ biết ghi lại những suy ngẫm, những điều đã trải qua trong một giai đoạn cầm bút, trong bối cảnh ở một thành phố luôn năng động, tìm cách vượt thoát ra khỏi "cái áo chật chội" của mình.
Và những câu chuyện về chung cư sẽ luôn là đề tài đi cùng tôi, cũng như với rất nhiều người, như thế!
"Tình hình tranh chấp xảy ra tại khoảng 100 chung cư trong tổng số gần 1.000 chung cư tại thành phố. Có 34 vụ tranh chấp đang được Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý, trong đó, có những vụ tranh chấp gay gắt, kéo dài như tại chung cư Khang Gia (Q.Tân Phú), chung cư 584 (Q.Tân Phú), chung cư Bảy Hiền (Q.Tân Bình)... Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Thành lập ban quản trị chung cư; Bàn giao và quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư; Chất lượng xây dựng; Tranh chấp phần sở hữu chung - sở hữu riêng, chỗ để xe; Chậm bàn giao căn hộ; Chậm làm "sổ đỏ" cho người mua căn hộ..." (trích Báo cáo tình hình thị trường bất động sản trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 của HoREA, ngày 13.6.2018) |
An Phong