Hơn 20 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đang từng bước khảng định vị thế là kênh đầu tư hàng đầu cả về hiệu suất và quy mô. Với sự nỗ lực của Chính phủ và UBCKNN, đồng thời thuận theo xu hướng, dự kiến TTCK sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới. Ngày 29/12/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030 với mục tiêu tổng hợp là phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
Theo chiến lược, nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như: Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030; số lượng tài khoản giao dịch dự kiến sẽ đạt 9 triệu vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030; nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hoàn thành vào năm 2025.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng trưởng qua các năm (Thống kê từ VSDC) |
Thực tế, chúng ta đã làm rất tốt câu mục tiêu tăng trưởng số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong giai đoạn trước đó. Cụ thể, chỉ trong riêng năm 2022, thị trường đã có thêm gần 2,6 triệu tài khoản mở mới và trong giai đoạn 2017 - 2023 (7 năm) có gần 5,4 triệu tài khoản mở mới.
Bà Vũ Thị Thu Hà - Chuyên gia Digi Invest cho rằng, so với các thị trường khác trong khu vực, tỷ lệ dân số Việt Nam tham gia đầu tư chứng khoán còn khá khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ này tại Thái Lan vào năm 2017 đã là 27,9%, Malaysia là 31,6%, Trung Quốc là 10,7% (2020), Ấn Độ là 15,4% (2021),… Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào con số này, dư địa tăng trưởng của ngành chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán vẫn còn rất lớn.
Với những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, UBCKNN và các bộ ban ngành liên quan trong việc đưa hệ thống KRX được đi vào vận hành, hoàn toàn có thể kỳ vọng 20% dân số Việt Nam sẽ có tài khoản chứng khoán trong 10 năm tới. Khi đó, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục là 1 kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán
Hiệu suất các kênh đầu tư tại Việt Nam trong hai thập kỷ gần nhất. (Nguồn: Dragon Capital, Bloomberg) |
Nếu bỏ ra 100 triệu để đầu tư chứng khoán vào năm 2000, sau 21 năm, số tiền trên sẽ biến thành 2,235 tỷ đồng, trong khi bất động sản là 1,06 tỷ đồng, vàng là 611 triệu đồng và tiền gửi là 499 triệu đồng.
Nhìn sang phố Wall - thị trường lâu đời hàng đầu thế giới, hiệu suất sinh lời của cổ phiếu tại Mỹ cũng áp đảo trong trung và dài hạn. Theo đó, nếu nhà đầu tư bỏ 1.000 USD vào cổ phiếu cách đây 100 năm, đến nay số tiền thu về là hơn 21 triệu USD. Với cùng khoản tiền này đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ thu về hơn 540.000 USD, còn đầu tư vào vàng sẽ thu về gần 100.000 USD.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện một khảo sát để trả lời cho câu hỏi: "Người giàu tại Mỹ bỏ tiền vào đâu?". Theo đó, những người có tài sản dưới 100.000 USD hầu hết phân bổ vào các quỹ hưu trí. Tuy nhiên, với những người có tài sản từ 100.000 USD đến 1 tỷ USD, đa số chọn đầu tư tài chính. Tỷ lệ phân bổ vào đầu tư tài chính cũng tăng dần theo quy mô tài sản, với những người có 1 tỷ USD bỏ gần 58% vào kênh này.
Khả năng tiếp cận dễ dàng: Nhà đầu tư hiện nay chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối mạng và 1 số tiền nhỏ dưới 1 triệu đồng là có thể mở tài khoản chứng khoán và thực hiện mua bán cổ phiếu.
Trong khi đó, kênh đầu tư có hiệu suất cao thứ 2 là bất động sản lại không dễ tiếp cận. Theo dữ liệu cập nhật thị trường bất động sản Việt Nam tháng 3/2023 của Batdongsan.com.vn, người lao động tại Hà Nội cần dùng toàn bộ thu nhập 23 năm mới sở hữu được 1 căn chung cư tại đây, đối với TP. HCM là 24 năm.
Theo vị chuyên gia Digi Invest, xu hướng dịch chuyển danh mục đầu tư sang chứng khoán sẽ ngày càng gia tăng. Thậm chí, các nhà đầu tư mới thiếu kiến thức nền tảng về đầu tư, TTCK và nguồn vốn còn khá hạn chế cũng ngày càng mạnh dạn đầu tư bởi trên thị trường có nhiều sản phẩm hỗ trợ.
Có thể kể đến hình thức mua chứng chỉ quỹ trên các nền tảng online như Digi Trading, FMarket, Momo hoặc trực tiếp từ các công ty quản lý quỹ như Dragon Capital, MB Capital, VinaCapital, Techcom Capital… Tại đây, các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm sẽ trực tiếp quản lý danh mục.
Các yếu tố trong và ngoài nước đang ủng hộ cho một thị trường tăng trưởng
Bà Vũ Thu Hà - Chuyên gia Digi Invest |
Trong nước, bà Hà nêu 4 yếu tố có thể kỳ vọng gồm: (1) Áp lực lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt và trong môi trường lãi suất thấp như vậy sẽ kích thích nhu cầu tín dụng tăng cao, (2) Đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn 2024-2025, (3) Xu hướng dòng vốn đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc thế giới về công nghệ như Mỹ, Nhật, (4) Thị trường bất động sản sẽ tích cực hơn khi Luật Đất đai sửa đổi 2024 đã chính thức được Quốc hội thông qua.
"Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng năm nay thị trường sẽ có khá nhiều cơ hội hấp dẫn ở các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, thép, ngân hàng, bán lẻ và logistics. Năm 2024 sẽ là năm bản lề, là bước đệm để TTCK nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, giúp thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu tốt để nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm các cơ hội trên thị trường ngay trong năm nay" chuyên gia của Digi Invest nhận định.
>> Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở chân con 'sóng thần'?