Vietstock - Chứng khoán Tuần 26-30/03: Thất bại tại vùng đỉnh 2007
Giao dịch giằng co chiếm ưu thế trên thị trường trong tuần qua. Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu Large Cap đã khiến VN-Index thất bại trong nỗ lực chinh phục đỉnh cũ năm 2007. Điểm đáng lưu ý là thanh khoản thị trường đã có sự sụt giảm mạnh.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26-30/03/2018
Giao dịch: Các chỉ số thị trường đều tăng điểm trong tuần qua. Trong khi VN-Index kết thúc tuần tăng 1.81% đạt 1,174.46 điểm; thì HNX-Index đóng cửa tuần tăng 0.44% lên 132.46 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn đều sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt gần 169 triệu đơn vị/phiên, giảm 21.69% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 50 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 23.66%.
Thị trường nhanh chóng lấy lại điểm số sau phiên giảm mạnh vào cuối tuần trước. Tuy vậy, việc thiếu vắng động lực hỗ trợ từ dòng tiền khiến thanh khoản sụt giảm. VN-Index chủ yếu giằng co trong vùng 1,160-1,180 điểm.
Bên cạnh sự co hẹp của biên độ dao động, diễn biến giao dịch cũng trở nên khó lường với các nhịp đảo chiều liên tục trong phiên cùng hoạt động xả hàng vào cuối phiên ATC. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới khiến tâm lý giới đầu tư bị dao động mạnh. Các phiên tăng/giảm đan xen đã phản ánh sự thiếu ổn định của thị trường trong tuần qua.
Nhóm Ngân hàng có sự phân hóa khá mạnh trong tuần qua và chưa thể tiếp tục dẫn dắt thị trường. Với sự luân chuyển chủ động của dòng tiền, các cổ phiếu nhóm Large Cap như PNJ, MSN, HDB, VJC, BVH, NVL… chủ yếu nắm vai trò giữ nhịp cho thị trường.
Nhóm Mid Cap, Small Cap và Micro Cap có một tuần giao dịch không quá sôi động. Mặc dù dòng tiền có dấu hiệu luân chuyển đến các nhóm này nhưng sự sụt giảm thanh khoản chung trên toàn thị trường cũng như nhóm cổ phiếu Large Cap vẫn duy trì sức ảnh hưởng khá lớn khiến cơ hội xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu này là chưa nhiều. Độ rộng thị trường và lực cung cầu dần trở nên cân bằng hơn, tuy nhiên giữa các nhóm ngành lại có sự phân hóa khá lớn.
Nhìn chung, hoạt động giao dịch trong tuần qua chưa có nhiều thông tin nổi bật, không xuất hiện các nhóm ngành hay cổ phiếu dẫn dắt cụ thể. Trong phiên giao dịch cuối tuần, ảnh hưởng từ áp lực điều chỉnh của VNM và nhóm ngân hàng gây nhiều khó khăn cho thị trường. Tuy vậy, các yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền được duy trì cùng sự cải thiện của thanh khoản đã giúp thị trường bảo toàn sắc xanh thành công.
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng hơn 305 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, bán ròng trên HOSE với gần 189 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 116 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là VHC tăng 14.01%, PNJ tăng 13.81%, NVL tăng 13.59%. Trên sàn HNX là CEO tăng 21.74%.
VHC tăng 14.01%. Vừa qua, DOC công bố thuế áp đối với VHC là 0%, trong khi các doanh nghiệp khác của Việt Nam phải chịu thuế từ 3.87 USD trở lên đối với mỗi kg cá tra/cá basa xuất khẩu vào Mỹ. Do đó, doanh thu của VHC được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong quý 2/2018. Thông tin tích cực này giúp giá VHC bật tăng mạnh mẽ liên tục kèm theo thanh khoản tăng đột biến. VHC cũng vừa công bố BCTC hợp nhất 2017, trong đó LNST đạt hơn 604 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016.
PNJ tăng 13.81%. PNJ dự kiến trình ĐHĐCĐ về việc chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu ESOP. Giá cổ phiếu PNJ tăng liên tục mạnh mẽ trong 1 năm qua với mức tăng gần 300%. Trong năm 2017, LNST hợp nhất của PNJ đạt gần 725 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2016. Dự kiến trong năm 2018, PNJ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.
NVL tăng 13.59%. Sau ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:31, giá cổ phiếu NVL tiếp tục bật tăng mạnh mẽ. LNST 2017 của NVL đạt 2,033 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Hiện tại NVL đang thực hiện triển khai dự án “Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”.
CEO tăng 21.74%. CEO tăng mạnh trong tuần qua sau khi công bố thông tin tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. LNST 2017 đạt hơn 321 tỷ đồng, tăng 39.65% so với năm trước. Trong năm 2018, CEO lên kế hoạch đạt doanh thu và LNST lần lượt là 2,200 tỷ đồng và 370 tỷ đồng. Giá cổ phiếu của CEO đã vượt đỉnh cũ và thanh khoản tăng đột biến trong tuần qua.
Các đại diện giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là NBB giảm 22.11%, PVD giảm 14.35%. Trên sàn HNX là PVS giảm 19.77%.
NBB giảm 22.11%. Sau sự cố cháy chung cư Carina, giá cổ phiếu NBB liên tục nằm sàn. Mặc dù công bố thông tin rằng NBB không phải chủ đầu tư nhưng việc sở hữu 95% vốn tại Hùng Thanh khiến NBB tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố này. Tuy vậy, về mặt kết quả hoạt động kinh doanh của NBB vừa qua là khá tốt khi LNST đạt gần 73 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2016.
PVD giảm 14.35%. Diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVD gặp nhiều khó khăn. Hiện tại PVD còn giàn khoan 64 triệu USD vẫn đang tạm dừng hoạt động. Việc thoái vốn của PVD ở một số doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra trong năm 2017, mặc dù công bố LNST đạt hơn 26 tỷ đồng nhưng sự cải thiện lợi nhuận thực chất đến từ các khoản hoàn nhập quỹ dự phòng. Thực tế, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lại ghi nhận mức lỗ gần 477 tỷ đồng.
PVS giảm 19.77%. PVS giảm mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Nhiều khả năng giới đầu tư đã đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau khi cổ phiếu này đã tăng trưởng mạnh trong thời gian trước đó.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock