Vietstock - Chứng khoán Tuần 16-20/04: Bán tháo Large Cap, VN-Index ”bốc hơi” gần 38 điểm
Áp lực chốt lời tăng cao ở nhóm Large Cap đã kéo các chỉ số thị trường rớt mạnh trong tuần qua. Điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy đã hoạt động tích cực trở lại trong phiên cuối tuần và giúp thị trường đón nhận phiên hồi phục tích cực.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 16-20/04/2018
Giao dịch: Các chỉ số thị trường vẫn duy trì xu hướng điều chỉnh trong tuần qua. Trong khi VN-Index kết thúc tuần giảm 3.23% đạt 1,119.86 điểm; thì HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.57% dừng tại 132.58 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 151 triệu đơn vị/phiên, giảm 27.29% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 48 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 21.35%.
Sau khi hụt hơi tại mốc 1,200 điểm, thị trường trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió với sự gia tăng ồ ạt của áp lực bán, chỉ số VN-Index có lúc xuyên thủng cả ngưỡng 1,080 điểm. Tuy vậy, sự trở lại kịp thời của nhóm Large Cap dẫn dắt cùng dòng tiền bắt đáy giải ngân khá tích cực trong phiên cuối tuần đã giúp VN-Index lấy lại thành công mốc 1,100 điểm.
Điểm nhấn nổi bật nhất trên thị trường trong tuần qua hoàn toàn thuộc về bên bán. Sức ép chốt lời gia tăng dồn dập qua các phiên và chủ động thoát hàng ở vùng giá thấp khiến gia tốc điều chỉnh gia tăng rất lớn trên các chỉ số. Bên cạnh đó, dòng tiền lớn và dòng tiền thông minh hạn chế giải ngân cũng góp phần không nhỏ cho xu hướng lao dốc của thị trường trong tuần qua.
Nhóm Large Cap là đích ngắm thoát hàng chủ đạo trên thị trường. Các trụ lớn nhất như VIC, SAB, MSN, PLX, VRE… cùng nhóm ngân hàng với VCB, CTG, BID, MBB… chịu sức ép chốt lời quyết liệt. Đỉnh điểm là phiên 19/04 còn chứng kiến phiên nằm sàn đồng loạt của VIC, MSN, PLX… cho thấy mong muốn thoát khỏi thị trường của dòng tiền lớn duy trì ở mức cao.
Bên cạnh nhóm Large Cap, các nhóm Mid Cap, Small Cap cũng chìm trong sắc đỏ. Điểm tích cực nhất ghi nhận ở các nhóm này là hiện tượng bán tháo không diễn ra, một phần là nhờ bản thân nhóm này cũng không thu hút nhiều sự chú ý của dòng tiền trong thời gian dài qua.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng liên tục bán tháo ồ ạt ở nhiều cổ phiếu trong tuần qua. Trọng tâm bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu Large Cap thuộc nhóm Bluechip VN30 điển hình như VCB, MSN, VIC…
Phiên cuối tuần, sự trở lại của dòng tiền bắt đáy đã giúp các chỉ số thị trường ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ. Trọng tâm bắt đáy hướng đến nhóm Bluechip VN30. Đáng chú ý các nhóm Mid Cap và Small Cap cũng nhận được sự giải ngân không nhỏ giúp độ rộng toàn thị trường cải thiện tốt. Giao dịch thỏa thuận cũng ghi nhận phiên giao dịch khủng với hoạt động trao tay diễn ra ở NVL với 52 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng hơn 2,484 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 2,320 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 164 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là LGC tăng 39.15%, NNC tăng 18.11%, HRC tăng 35.02%. Trên sàn HNX, CEO tăng 15.03%.
LGC tăng 39.15%. Giá cổ phiếu bất ngờ tăng trần 4 phiên trong tuần qua trước thềm ĐHĐCĐ 2018, thanh khoản của cổ phiếu này lại duy trì khá thấp. Trong năm 2017, doanh thu hợp nhất đạt hơn 556 tỷ đồng, tăng 25,6% so với 2016 và vượt kế hoạch 7%. Tuy vậy do chi phí tài chính tăng cao khiến LNST chỉ đạt gần 228 tỷ đồng, chỉ bằng 57,6% so với thực hiện 2016 và bằng 2/3 kế hoạch 2017. Tuy vậy, kế hoạch cổ tức 12% vẫn dự kiến được đảm bảo cho cổ đông LGC.
NNC tăng 18.11%. Giá cổ phiếu tăng vọt kèm thanh khoản cải thiện tốt. Trong ĐHĐCĐ 2018, cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 70%, trong đó có 20% cổ tức từ các năm trước chưa phân phối. Nhiều khả năng thông tin này đã hỗ trợ mạnh cho xu hướng tăng trưởng của NNC trong tuần qua. NNC cũng vừa công bố BCTC quý 01/2018, trong đó doanh thu đạt gần 120 tỷ đồng và LNST đạt hơn 34 tỷ đồng, lần lượt giảm 9.4% và 16% so với cùng kỳ.
HRC tăng 35.02%. HRC ghi nhận 03 phiên tăng trần trong tuần qua dù đón nhận thông tin không mấy tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Cụ thể, quý 01/2018 HRC đạt doanh thu 17.63 tỷ đồng tăng nhẹ 0.45% nhưng lãi sau thuế chỉ đạt hơn tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ.
CEO tăng 15.03%. Cổ phiếu tăng trưởng rất tốt trong vòng một tháng qua kèm thanh khoản cải thiện. Tại ĐHĐCĐ 2018 đã thông qua việc trả cổ tức 10% bằng tiền và giữ lại gần 5.5 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức năm sau. Doanh thu và LNST của CEO trong năm 2017 lần lượt đạt 1,832 và 321.16 tỷ đồng, tăng 30% và 39.6% so với năm 2016.
Các đại diện giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là QCG giảm 19.63%, BMP giảm 11.8% và ROS giảm 16.54%.
QCG giảm 19.63%. QCG giảm 3 phiên sàn liên tiếp khi TP.HCM yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán 30ha đất giữa QCG và công ty Tân Thuận. Mặc dù ban lãnh đạo khẳng định nếu huỷ hợp đồng này thì kế hoạch hoạt động kinh doanh vẫn sẽ diễn ra bình thường nhưng không ít nhà đầu tư lo ngại và liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu ở mức giá sàn. Thanh khoản cũng sụt giảm hẳn ở hai phiên gần nhất.
BMP giảm 11.8%. Cổ phiếu đã giảm hơn 30% kể từ sau khi thoái vốn.Trong quý 01/2018, BMP lãi 105 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Tại ĐHĐCĐ 2018, ba nhân sự người Thái được bầu vào HĐQT và theo định hướng chung, công ty sẽ cân bằng giữa kế hoạch lợi nhuận và giữ thị phần, BMP sẽ không quá tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn. Do đó, BMP đặt kế hoạch khá dè dặt với doanh thu 4,300 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 600 tỷ đồng, tăng 3%. Kế hoạch đầu tư 380 tỷ đồng và cổ tức tối thiểu 20%.
ROS giảm 16.54%. Cổ phiếu tiếp tục đà giảm dù không có thông tin quá tiêu cực. Sắp tới ROS sẽ tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và ngày đăng ký cuối cùng là 07/05/2018. Việc phát hành quyền để mua cổ tức sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chấp thuận của UBCK.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock