Vietstock - Chứng khoán Tuần 09-13/04: Hụt hơi tại ngưỡng 1,200 điểm
Việc VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1,200 điểm đã khiến áp lực chốt lời gia tăng ồ ạt trên thị trường. Nhóm cổ phiếu Large Cap là tác nhân gây giảm điểm chính khi trở thành đích ngắm chốt lời của giới đầu tư. Trước sự thận trọng tăng cao, thanh khoản thị trường cũng đã sụt giảm trở lại về cuối tuần.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 09-13/04/2018
Giao dịch: Các chỉ số thị trường đồng loạt giảm điểm trong tuần qua. Trong khi VN-Index kết thúc tuần giảm 2.51% đạt 1,157.14 điểm; thì HNX-Index đóng cửa tuần giảm 3.39% dừng tại 133.34 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn cải thiện nhẹ. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 208.2 triệu đơn vị/phiên, tăng nhẹ 0.40% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 61.1 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10.21%.
Thị trường khởi đầu với sự khởi sắc khi các chỉ số thị trường đồng loạt tăng điểm trong phiên đầu tuần. Sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán đã giúp VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1,200 điểm.
Dù đạt mốc đỉnh mới trong phiên đầu tuần nhưng xu hướng thị trường lại phát ra các tín hiệu không mấy khả quan khi:
(1) Mức độ phân hóa duy trì ở mức cao trên thị trường. VN-Index giằng co mạnh trên con đường chinh phục ngưỡng 1,200 điểm cho thấy xu hướng tăng trưởng yếu
(2) Sự đồng thuận kém khiến giới đầu tư không có nhiều lựa chọn đầu tư dù các chỉ số liên tục vượt đỉnh. Động lực tăng trưởng chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu Large Cap và Bluechip VN30 trong khi phần còn lại của thị trường duy trì sự ảm đạm.
Chính các yếu tố này là nguyên nhân khiến áp lực bán gia tăng mạnh trong các phiên giao dịch tiếp theo. Sức ép từ bên bán lan tỏa trên toàn thị trường khiến các chỉ số thị trường lùi sâu. Với việc trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền lớn, nhóm cổ phiếu Large Cap là nguyên nhân gây giảm điểm chính trong các nhịp điều chỉnh của thị trường. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ tình hình kinh tế và chính trị thế giới cũng góp phần không nhỏ cho sự e ngại của giới đầu tư. Dù sự sôi động của dòng tiền được duy trì nhưng không thể hỗ trợ cho khả năng hồi phục. Trước tâm lý thận trọng tăng cao, dòng tiền thông minh đã tháo chạy khỏi thị trường sau nhiều tháng gom hàng sôi động.
Phiên cuối tuần, diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi khi xu hướng điều chỉnh chiếm ưu thế trên diện rộng. Bên cạnh đó, hiện tượng Bull trap xuất hiện càng gia tăng sự bi quan cho giới đầu tư. Có đến 40% cổ phiếu Bluechip VN30 giảm hơn 2% với trọng tâm chốt lời hướng đến nhóm Ngân hàng với VCB, CTG, BID, MBB… Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh trở lại về cuối tuần khi bên mua thận trọng cao độ trong hoạt động bắt đáy. Với phiên điều chỉnh cuối tuần, VN-Index đã đánh mất hơn 47 điểm kể từ khi chinh phục thành công ngưỡng 1,200 điểm trong phiên đầu tuần.
Bên cạnh sự e ngại của dòng tiền trong nước, khối ngoại cũng là nguyên nhân khiến sức ép chốt lời gây nhiều khó khăn cho thị trường khi liên tục bán ròng trong các phiên điều chỉnh. Trọng tâm bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu Large Cap thuộc nhóm Bluechip VN30.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng hơn 148 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với 7.4 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với HƠN 156.2 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là TYA tăng 23.30%, VHG tăng 9.84%, HOT tăng 13.44% và TCH tăng 8.97%.
TYA tăng 23.30%. TYA tiếp tục ghi nhận tuần tăng trưởng mạnh thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu này đã thu hút rất mạnh lực cầu sau thông tin HĐQT Công ty nhất trí điều chỉnh gia tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt năm 2017 từ 8% lên 27%. Trong năm 2017, LNST hợp nhất của TYA đạt hơn 71.4 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2016.
VHG tăng 9.84%. VHG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ sự sôi động của dòng tiền bắt đáy khi cổ phiếu này đã liên tục lao dốc mạnh trong thời gian qua.
HOT tăng 13.44%. HOT tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong tuần qua và liên tục nằm trong nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thị trường. Cổ phiếu này đã tăng trưởng gấp 4.6 lần so với thời điểm đầu tháng 03/2018 dù không xuất hiện nhiều thông tin hỗ trợ mạnh phù hợp với mức tăng trưởng đột biến như vậy. Điểm cần lưu ý là HOT đã giảm sàn trở lại 02 phiên liên tiếp về cuối tuần trước áp lực chốt lời gia tăng ồ ạt.
TCH tăng 8.97%. TCH đã quay trở lại với xu hướng tăng trưởng sau giai đoạn giằng co cuối tháng 03 vừa qua. Kể từ đầu tháng 04 thì cổ phiếu này đã đạt mức tăng hơn 14%.
Các đại diện giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là ROS giảm 15.08% và HAR giảm 14.09%.
ROS giảm 15.08%. ROS vẫn tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua khi giới đầu tư vẫn đang bán ra cổ phiếu này. Tuy vậy, cổ phiếu này cũng đã hồi phục mạnh về cuối tuần với đà tăng kịch trần sau thông tin lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 sau kiểm toán vượt 44% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.
HAR giảm 14.09%. HAR giảm mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới có tính ảnh hưởng mạnh. Nhiều khả năng giới đầu tư vẫn đang đẩy mạnh bán ra cổ phiếu này sau khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi tăng trưởng mạnh trong thời gian trước đó.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock