Vietstock - Chứng khoán Tuần 07-11/08: Chốt lời mạnh, thị trường đỏ lửa
Áp lực tháo hàng đã gia tăng mạnh và kéo các chỉ số thị trường lao dốc trong tuần qua. Trước diễn biến tiêu cực của thị trường, tâm lý giới đầu tư đã nhanh chóng e ngại trở lại và kéo theo thanh khoản sụt giảm mạnh về cuối tuần.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 07-11/08/2017
Giao dịch: Các chỉ số thị trường đồng loạt giảm điểm trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 2.10% đứng tại 772.08 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0.11% đang dừng ở 100.86 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn tăng trưởng nhẹ. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 210.3 triệu đơn vị/phiên tăng 23.22% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 74 triệu cổ phiếu/phiên tăng 4.21%. Mức tăng trưởng nhẹ của thanh khoản chủ yếu đến từ sự gia tăng đột biến của thanh khoản thị trường trong phiên giao dịch ngày 09/08.
Thị trường khởi đầu tuần giao dịch khá thuận lợi khi sắc xanh tiếp tục được nối dài trên các chỉ số thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần. Sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu Large Cap với PLX, SAB, GAS, MWG, MBB, HPG, BID… đã kéo VN-Index nhẹ nhàng chinh phục mốc kháng cự 690 điểm.
Dù tăng điểm nhưng tín hiệu thị trường lại cho thấy những điểm đáng lo ngại khi:
(1) Lực đẩy chính của thị trường vẫn chủ yếu đến từ các cổ phiếu dẫn dắt đơn lẻ như PLX, SAB, GAS… trong khi phần còn lại của thị trường vẫn duy trì sự phân hóa mạnh.
(2) Nhóm cổ phiếu Bluechip với các đại diện ngành Ngân hàng liên tục gặp khó khăn trong việc chinh phục các vùng kháng cự mạnh.
Sự suy yếu của nhóm dẫn dắt đã khiến bên nắm giữ cổ phiếu lo ngại và đẩy mạnh chốt lời trong các phiên giao dịch tiếp theo. Trong đó, đỉnh điểm của áp lực bán trên thị trường đến từ hoạt động tháo hàng của giới đầu tư trong phiên giao dịch ngày 09/08. Những tin đồn thất thiệt đã kích hoạt một làn sóng bán tháo ồ ạt trên toàn thị trường. Hoạt động tháo hàng theo đó đã kéo VN-Index giảm gần 18 điểm và khiến TTCK “bốc hơi” hơn 2 tỷ USD chỉ trong phiên giao dịch này.
Trước đà giảm điểm mạnh, “lòng tham” đã trỗi dậy và kích hoạt một lượng tiền bắt đáy khổng lồ đổ vào thị trường. Tuy vậy, sự nỗ lực của dòng tiền bắt đáy vẫn là không đủ để giúp thị trường hồi phục. Nhờ tâm lý bắt đáy tăng cao, thanh khoản trên HOSE và HNX cũng đồng loạt bật tăng mạnh và đạt mức kỷ lục trong lịch sử giao dịch của hai sàn chứng khoán này.
Sau phiên “đổ máu” ngày 09/08, thị trường dần ổn định trở lại trong các phiên giao dịch cuối tuần. Lực cầu gia tăng nhẹ cùng sự suy giảm của áp lực bán đã giúp giao dịch trở nên cân bằng hơn. Tuy vậy, tâm lý của giới đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng tăng cao khi thanh khoản và các chỉ số đều đi xuống trong các phiên cuối tuần.
SAB trở thành một trong những cổ phiếu nổi bật nhất trên thị trường trong tuần qua với biên độ dao động giá rất lớn qua các phiên. Với ảnh hưởng vốn hóa lớn, cổ phiếu này đã ảnh hưởng mạnh lên các chỉ số thị trường trong tuần qua dù thanh khoản chỉ duy trì ở mức thấp.
Trước diễn biến tiêu cực của thị trường, nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng hạ nhiệt đáng kể trong tuần qua. Những cổ phiếu nóng được chú ý như HAI, HAR, HID… đều đồng loạt bị bán mạnh về cuối tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài: mua ròng hơn 358 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 327.9 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 30.2 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là TDG tăng 21.57%, ATG tăng 18.34%, DCL tăng 10.30% và BSI tăng 10.81%.
TDG tăng 21.57%. TDG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ (1) sự sôi động của dòng tiền đầu cơ khi cổ phiếu này đã giảm giá khá mạnh trong thời gian trước đó và (2) thông tin tích cực liên quan đến KQKD 6T/2017. Cụ thể, doanh thu 6T/2017 đạt hơn 112.4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6T/2017 đạt hơn 7 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 46% và 44% so với cùng kỳ năm trước.
ATG tăng 18.34%. ATG tăng mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thông tin tích cực liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Dòng tiền đầu cơ vẫn đang đẩy mạnh hoạt động ở cổ phiếu này sau khi cổ phiếu này đã ghi nhận chuỗi giảm giá mạnh trong thời gian trước đó
DCL tăng 10.30%. DCL tăng mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Sự khả quan trong KQKD quý 2/2017 vẫn là động lực tăng trưởng chủ đạo của cổ phiếu này. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất quý 2/2017 đạt 26.2 tỷ đồng, tăng trưởng 26.5% so với cùng kỳ năm trước.
BSI tăng 10.81%. Động lực tăng trưởng chủ đạo của BSI trong tuần qua vẫn đến từ sự bứt phá của KQKD quý 2/2017, với lãi ròng quý 2/2017 đạt hơn 97 tỷ đồng, tăng gấp 3.7 lần so với cùng kỳ.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là SBT giảm 22.66% và CMX giảm 20.06%
SBT giảm 22.66%. SBT giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ những lo ngại về rủi ro điều chỉnh giá cổ phiếu sau khi BHS hoàn tất sáp nhập với SBT trong thời gian tới.
CMX giảm 20.06%. CMX giảm mạnh trong tuần qua khi chưa đón nhận thêm thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Với chuỗi tăng giá ấn tượng trong trong các tuần trước thì nhiều khả năng giới đầu tư đã đẩy mạnh chốt lời ở cố phiếu này trong tuần qua.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA