Vietstock - Chứng khoán Tuần 02-06/12/2024: Duy trì triển vọng tích cực
VN-Index kết phiên tăng nhẹ đồng thời nối dài mạch tăng điểm 3 tuần liên tiếp kể từ sau đợt giảm mạnh vào giai đoạn giữa tháng 11/2024. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cần vượt trên mức trung bình 20 tuần sẽ giúp đà tăng được củng cố hơn. Đáng chú ý, việc khối ngoại quay lại mua ròng gần đây sẽ là tín hiệu tích cực giúp cho triển vọng của VN-Index càng lạc quan.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 02-06/12/2024
Giao dịch: Các chỉ số chính tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần. Kết phiên ngày 06/12, VN-Index tăng nhẹ 0.21%, lên mức 1,270.14 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0.29%, xuống còn 228.93 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 19.68 điểm (+1.57%), HNX-Index tăng 4.29 điểm (+1.91%).
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Sau chuỗi điều chỉnh vào đầu tuần, VN-Index đã kịp lấy lại đà phục hồi khi test thành công ngưỡng hỗ trợ 1,240 điểm. Đặc biệt, phiên bùng nổ vào thứ 5 đi kèm với sự đồng thuận mạnh mẽ của thanh khoản, cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn với triển vọng nâng hạng của thị trường trong thời gian tới. Mặc dù đà tăng có phần chững lại trong phiên cuối tuần nhưng phe mua vẫn thành công bảo toàn sắc xanh, VN-Index khép lại tuần giao dịch tại mốc 1,270.14 điểm.
Xét về mức độ ảnh hưởng, VIC (HM:VIC), BID (HM:BID) và GVR (HM:GVR) dẫn đầu nhóm cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index trong phiên cuối tuần, đóng góp khoảng 2.5 điểm cho chỉ số chung. Ngược lại, HPG (HM:HPG), VPB (HM:VPB) và MBB (HM:MBB) điều chỉnh nhẹ, lấy đi gần 1 điểm của VN-Index.
Hầu hết các nhóm ngành khoác lên sắc xanh tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu ở mỗi ngành bắt đầu có xu hướng phân hóa hơn. Nhóm năng lượng dẫn đầu thị trường khi bứt phá mạnh hơn 4%, tuy nhiên con số này chỉ có được chủ yếu nhờ vào cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành là BSR (HN:BSR) (+6.6%). Các cổ phiếu còn lại trong nhóm này phần lớn chỉ tăng giảm nhẹ quanh mốc tham chiếu. Theo sau là nhóm viễn thông cũng ghi nhận mức tăng nổi bật nhờ VGI (+1.46%), FOX (HN:FOX) (+1.55%) và CTR (HM:CTR) (+1.3%).
Ở phía ngược lại, nhóm chăm sóc sức khỏe tiếp tục có thêm một phiên đi ngược xu hướng chung, ảnh hưởng chủ yếu bởi đà sụt giảm mạnh của DHT (-5.68%), IMP (HM:IMP) (-3.73%), DCL (-3.57%), TTD (-10%) và PBC (-2.78%).
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với giá trị gần 350 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 239 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 111 tỷ đồng trên sàn HNX.
Giá trị giao dịch NĐTNN của HOSE, HNX và UPCOM theo ngày. Đvt: Tỷ đồng
Giá trị giao dịch ròng theo mã cổ phiếu. Đvt: Tỷ đồng
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là YEG (HM:YEG)
YEG tăng 21.72%: YEG ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 21.72%. Cổ phiếu liên tục tăng điểm với sự xuất hiện của mẫu hình nến White Marubozu đồng thời khối lượng giao dịch vượt lên trên mức trung bình 20 ngày. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đang rất lạc quan.
Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Nhà đầu tư nên cẩn trọng trong thời gian tới nếu tín hiệu bán xuất hiện trở lại.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là HTL
HTL giảm 11.75%: HTL trải qua tuần giao dịch tiêu cực khi liên tục giảm mạnh đồng thời cắt xuống dưới đường Middle của Bollinger Bands. Ngoài ra, khối lượng giao dịch suy giảm dưới mức trung bình 20 ngày cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang gia tăng.
Hiện tại, chỉ báo Stochastic Oscillator và MACD tiếp tục đi xuống sau khi cho tín hiệu bán. Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn còn hiện hữu.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock