Vietstock - Chứng khoán phái sinh, sân chơi chẳng thể bỏ qua?
Hơn một năm đi vào hoạt động ở thị trường chứng khoán Việt Nam, chứng khoán phái sinh đang dần trở thành một phần tất yếu của thị trường.
Hình thái đầu tiên của sản phẩm phái sinh được cho là đã xuất hiện trong hoạt động thương mại của người Sumer ở vùng Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ 4 trước công nguyên. Trải qua hàng ngàn năm, từ hình thái sơ khai giao thương bằng “tiền” đất sét và kế toán trên những phiến đất sét, thị trường phái sinh dần hoàn thiện qua bàn tay những người Hy Lạp cổ đại, người Châu Âu trung cổ, chế độ phong kiến Nhật Bản hay những thương gia Bắc Mỹ ở thế kỷ 19.
Vào những năm 1980, quá trình hiện đại hóa công nghệ, kết nối thị trường vượt qua các rào cản địa lý đặt dấu ấn thứ hai trong toàn bộ quá trình phát triển của thị trường phái sinh. Kéo theo đó là sự ra đời của các sản phẩm phái sinh trên tài sản tài chính như cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số cổ phiếu, trái phiếu và cả kim loại quý, năng lượng.
Chính thức đi vào hoạt động ở Việt Nam vào tháng 8/2017, với sản phẩm đầu tiên - hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thị trường chứng khoán phái sinh đang dần trở thành một phần không thể thiếu của thị trường Việt Nam.
Với xu hướng dần trở thành tất yếu ở thị trường Việt Nam, chứng khoán phái sinh đang chứng tỏ mình xứng đáng trở thành miếng bánh ngon cho cả nhà đầu tư và các công ty chứng khoán (CTCK). Điều này cần được nhìn nhận trong mối tương quan giữa lợi ích của hai đối tượng kể trên, mà trong đó, lợi ích của nhà đầu tư là yếu tố tiên quyết.
Để làm rõ điều này, đầu tiên cần nắm được công dụng của sản phẩm phái sinh, những sản phẩm sinh ra với mục đích chính là phòng ngừa rủi ro. Song song đó, phái sinh cũng mang lại cơ hội đầu cơ kiếm lời hết sức hấp dẫn với lợi thế kiếm lợi cả khi thị trường đi xuống. Nhờ vậy, thị trường này thu hút không ít nhà đầu tư từ thị trường cơ sở nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nhất là khi thị trường cơ sở biến động và khó dự đoán, phái sinh lại càng được coi trọng.
Theo số liệu thống kê của HNX, tính đến tháng 3/2019, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 67,387 tài khoản. Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 126,052 hợp đồng/phiên. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tính đến thời điểm này đạt 23,876 hợp đồng.
Hơn nữa, thị trường phái sinh Việt Nam ngày càng được quan tâm và hoàn thiện. Trong tương lai gần, sẽ có nhiều sản phẩm chứng khoán phái sinh được đưa ra thị trường. Trong bối cảnh ấy, thị trường phái sinh hẳn sẽ ngày càng nhộn nhịp.
Thị trường phái sinh là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận mới mẻ cho cả nhà đầu tư và CTCK. Ảnh: Internet
|
Kể đến khối CTCK, có cung ắt có cầu, những người hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu của nhà đầu tư chắc hẳn khó có thể làm ngơ trước cơ hội từ thị trường phái sinh. Chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, con số thành viên giao dịch trên thị trường phái sinh đã nhanh chóng tăng lên gấp bội so với ban đầu, từ 7 lên 14 thành viên vào cuối tháng 3/2019. Trong đó, có đơn vị còn mạnh tay tăng vốn để đủ điều kiện tham gia thị trường này.
Bên cạnh những công ty đã chính thức tham gia thị trường phái sinh, nhiều CTCK chứng khoán khác cũng đã nuôi mộng để bước chân vào sân chơi này. Chẳng hạn, CTCK Sài Gòn Hà Nội ( SHS (HN:SHS)) đã thông qua kế hoạch liên quan tới việc triển khai nghiệp vụ phái sinh trong ĐHĐCĐ năm 2018, CTCK KB Việt Nam với lợi thế từ tập đoàn mẹ cũng lấy thị trường phái sinh làm một trong những kế hoạch phát triển trọng tâm. Nhiều công ty chứng khoán top dưới khác như CTCK IB, CTCK Everest hay mới đây nhất là CTCK Thiên Việt cũng rục rịch tăng vốn để đủ điều kiện tham gia thị trường phái sinh.
Bên cạnh yếu tố tất yếu là đáp ứng nguồn cung cho nhu cầu về hoạt động giao dịch phái sinh của nhà đầu tư. Ở phương diện nào đó, với sự mới mẻ của mình, thị trường phái sinh cũng có thể coi là một ngách kinh doanh cho các CTCK khó có cơ hội trở thành người dẫn đầu trên thị trường cơ sở.
Bằng chứng là mặc dù có mối liên hệ mật thiệt với nhu cầu của nhà đầu tư nhưng thứ hạng thị phần môi giới hợp đồng tương lai (ở đây hàm ý thị phần môi giới phái sinh) không hề tương đồng với thị phần cơ sở. VNDirect là cái tên thường xuyên xếp đầu về thị phần chứ không phải là ông lớn SSI.
Và đơn cử một trường hợp khác là CTCK VPS (trước là VPBS), người đang "chịu đấm ăn xôi” với chiến lược miễn phí phí giao dịch phái sinh, mạnh mẽ bứt lên xếp đầu thị phần quý 4/2018 và nằm trong top 5 thị phần năm 2018.
Bằng đôi nét kể trên, tiềm năng và tất tính tất yếu của việc tham gia chứng khoán phái sinh rõ ràng là hiện hữu đối với các CTCK. Câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu CTCK coi thị trường phái sinh là cơ hội để tham gia và trong số đó, bao nhiêu người sẽ trụ lại?
Chí Kiên