Vietstock - Chứng khoán là loại tài sản quốc gia nên tăng giá trị mãi?
Thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ vượt qua hay chùn bước trước vùng kháng cự sắp tới? TTCK sẽ đồng pha hay chệch với những chỉ số vĩ mô, kết quả kinh doanh các tháng vừa qua? Chứng khoán tăng bền vững dài hạn là điều tốt hay xấu cho nền kinh tế?
TTCK có nên chùn bước trước các ngưỡng kháng cự?
VN-Index đang đứng trước những ngưỡng kháng cự quan trọng trong tâm lý nhà đầu tư. Trước những chính sách quyết liệt hỗ trợ TTCK và nền kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TTCK và NĐT (nhà đầu tư) sẽ chứng kiến những phiên giao dịch rung lắc mạnh xuất phát từ sự đấu tranh giữa hai nguồn tư tưởng trái ngược.
Một bên là nhóm hoài cổ cho rằng những chỉ số kinh tế vĩ mô kém tích cực, hoặc kết quả kinh doanh trong những tháng, quý gần đây (so với cùng kỳ các năm trước và so với kế hoạch vạch ra) nhất định phải đi theo một quan hệ tuyến tính cùng pha và bền chặt. Nghĩa là kinh tế tăng trưởng chậm thì TTCK nên đổ sập, nên giảm. Hay doanh nghiệp kinh doanh quý vừa qua tăng trưởng yếu thì giá chứng khoán giảm thủng hỗ trợ sẽ hợp lý hơn là vượt kháng cự.
Trong khi đó, nhóm còn lại có thể gọi là phe hướng tới tương lai, là nhóm thành phần thị trường quan niệm rằng TTCK phản ánh nhiều về tương lai của nền kinh tế hơn là quá khứ. Và nhìn nhận TTCK là một kênh huy động vốn chuyên nghiệp của doanh nghiệp, và mỗi NĐT là chủ các doanh nghiệp niêm yết, chúng ta sẽ thấy những kháng cự và hỗ trợ của TTCK cần được nhìn nhận lại một cách khách quan tùy bối cảnh chứ không rập khuôn, và quan hệ tuyến tính với các chỉ số quá khứ không nhất thiết lúc nào cũng phải đồng pha với tăng trưởng TTCK.
Vì sao? Tại sao đồng vốn được cung ứng vào thời điểm huy động vốn khó khăn lại nhận được phần bù rủi ro thấp? Tại sao bát cơm khan hiếm trong một cơn suy thoái lại ngang giá trị với bát cơm trong những ngày bình thường yên ả?
Một bát cơm trao cho một người đang đói bụng sẽ có giá trị khác với trao cho một người đang thưởng thức no nê một buổi tiệc buffet đủ loại thịt cá ngon. Đồng vốn rót vào doanh nghiệp khi họ khát vốn mà chật vật với những điều kiện vay từ ngân hàng, khắt khe trong huy động nợ trái phiếu thì có giá trị quý giá hay không? Hỗ trợ và kháng cự được hình thành từ tâm lý cung cầu thị trường trong quá khứ, mặc dù có giá trị tham khảo cao trong trung và dài hạn, nhưng mỗi giai đoạn kinh tế đồng vốn có giá trị rất khác nhau, nên những ngưỡng hỗ trợ, kháng cự này vì thế chưa chắc hợp lý ở mọi giai đoạn.
Đối với thị trường vốn, có lẽ ai cũng nắm được việc vốn cần thiết với doanh nghiệp như thế nào, và vực dậy trong suy thoái mà không có sự hỗ trợ vốn thì làm sao khả thi?
Giá vàng hay giá của những kim loại quý tăng mang lại lợi ích cho người nắm giữ nó, nhưng tiền bị rút ra khỏi chu trình kinh tế theo cấp số nhân. Đất đai, đồ cổ và những công cụ lưu trữ tài sản khác cũng vậy, giá những tài sản đó gia tăng hay càng nhiều người chọn nắm giữ nó thì nền kinh tế càng ít vốn lưu thông, càng khó tăng trưởng.
Chứng khoán khác với các công cụ lưu trữ giá trị trên rất nhiều. Bởi ai cũng cần việc làm và sản phẩm dịch vụ để sử dụng, doanh nghiệp có thể tạo ra điều đó, chứ không phải là vàng hay đất đai, đồ cổ. Như trong đại dịch COVID-19, nắm giữ vàng không khiến cho vaccine được tạo ra, mà sự tăng giá phi mã của cổ phiếu của những công ty công nghệ sản xuất vaccine đó đã tạo ra giải pháp vốn tài trợ cho những nghiên cứu tạo ra vaccine nhanh chóng, cũng như hiện thực hóa việc sản xuất vaccine hàng loạt đưa đến cho người dân trên mọi quốc gia trên thế giới. Nói cho cùng, nếu chứng khoán của một doanh nghiệp có khả năng vượt qua khó khăn trong suy thoái, hay một nền kinh tế có đủ sức mạnh quay lại tăng trưởng thì không nhất thiết phải chùn bước trước bất cứ một kháng cự nào.
Điều này nghe qua có vẻ mới ở Việt Nam, nơi mà người ta quen với chứng khoán tăng lên xong thì thế nào cũng phải sập mạnh xuống kiểu "mèo lại hoàn mèo", nhưng "buy the dip" mua vào nắm giữ khi thị trường điều chỉnh, và TTCK giữ xu hướng tăng hoài hoài trong dài hạn cả trăm năm là phổ biến ở các nước có nền kinh tế thuộc top mạnh nhất hành tinh. Hình dưới đây là một vài ví dụ điển hình cho điều này, khi chỉ số chứng khoán của Mỹ, Đức, Ấn Độ là những quốc gia có GDP thuộc top đầu thế giới, cũng trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng trải qua Covid-19 v.v… và nhiều vấn đề nội bộ của từng quốc gia, nhưng chỉ số chứng khoán của họ luôn luôn duy trì uptrend (xu hướng tăng) trong dài hạn. Liệu có phải điều đặc biệt từ khả năng huy động vốn trong suy thoái của thị trường vốn này đã giúp cho những quốc gia này vượt qua suy thoái và vượt lên dẫn đầu về kinh tế?
2 đồ thị xanh đậm phía trên là 2 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ: Dow Jones Industrial Average Index và Nasdaq Composite Index, cả 2 chỉ số này nhìn dài hạn đều duy trì xu hướng tăng gần cả trăm năm cho dù nước Mỹ cũng trải qua nhiều cuộc suy thoái. Đồ thị màu vàng phía dưới là chỉ số chứng khoán DAX của Đức, chỉ số dù cũng có trải qua nhiều pha điều chỉnh nhưng cũng tương tự như Mỹ, luôn duy trì xu hướng tăng dài hạn kể từ năm 1970 đến nay. Phía dưới bên phải, đồ thị màu xanh lá cây là chỉ số chứng khoán Nifty 50 của Ấn Độ, duy trì xu hướng tăng dài hạn kể từ năm 1991 cho đến nay.
|
Kháng cự mới của VN-Index nằm ở đâu?
Dĩ nhiên, vốn từ TTCK cũng không đủ để dành cho mọi mã, mọi ngành, mà nó nên đến được với những doanh nghiệp vào thực sự tạo ra giải pháp việc làm và sản phẩm, dịch vụ được thị trường đón nhận trong và ngoài nước. Và quá trình điều chỉnh giảm của thị trường là quá trình cân bằng cung cầu thiết yếu và lành mạnh cần thiết. Nhưng đồng vốn quý giá bơm vào thị trường vào những lúc huy động vốn khó nên được tưởng thưởng phần bù rủi ro cao, bởi như một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Quan trọng là sức cung vốn của TTCK hữu hạn, và vì thế cơ hội sẽ được trao như một cuộc phân hóa vốn từ thị trường. Cũng cần cởi trói tâm lý và cho phép sự chệch, sự "bias" trong quan hệ tuyến tính giữa vai trò hàn thử biểu của TTCK và chỉ số quá khứ gần của nền kinh tế nhằm phát huy giải pháp bơm vốn cho doanh nghiệp khi kinh tế rơi vào khó khăn trong suy thoái. Nguồn lực từ TTCK không cần chùn bước trước những kháng cự tâm lý của chỉ số hay của từng mã, ngành nếu đó là những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển sắp tới, hoặc đó là những doanh nghiệp có thể mang lại giải pháp cho những doanh nghiệp khác vượt qua suy thoái, có sức tác động lan truyền tích cực.
Sự phân bổ vốn cần có sự phân hóa phù hợp, vốn được trao cho ai, cờ đến tay cho doanh nghiệp đó phất, và từ đó phản ánh lên chỉ số chung VN-Index thế nào thì kháng cự mới sẽ hình thành ở đó.
Cần có tầm nhìn mới, đừng như Malthus
Đôi khi có những giai đoạn thị trường sẽ được chứng kiến sự tiến hóa của xã hội văn minh, và đôi khi nó có thể gây ra sự ngạc nhiên, lạ lẫm nhưng lại là cần thiết. Một ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi này có thể nhắc đến nhà kinh tế học nổi tiếng Malthus. Năm 1798, Thomas R. Malthus đưa ra dự báo đầy bi quan về tương lai loài người trong quyển sách "Những hiểu biết về quy luật dân số và tác động của nó đến nâng cao đời sống xã hội". Ông tính toán rằng đói nghèo, dịch bệnh và chiến tranh là các hậu quả tất yếu sẽ xảy ra bởi nạn nạn thừa nhân khẩu có mức tăng ngày càng phi mã so với mức tăng của khả năng cung ứng lương thực. Ông đã chưa tính đến khả năng phát triển của khoa học kỹ thuật và sự thay đổi quan niệm về gia đình hiện đại. Đến nay nhiều thế kỷ đã trôi qua và chính sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật đã ngày càng minh chứng cho sự sai lệch trong dự báo của Malthus.
Xã hội loài người trải qua rất nhiều thay đổi, đó cũng giống như một đặc điểm tiến hóa và thích nghi cần thiết để tồn tại và phát triển. Chìa khóa của tăng trưởng nằm ở năng suất sản xuất của chính quốc gia mình. Và doanh nghiệp chính là đối tượng quyết định năng suất sản xuất này, vậy thì TTCK tăng là điều đáng để vui mừng nhất, chứ không phải là vàng tăng hay đất đai tăng giá. Và không nên chỉ tăng do hưng phấn hay đầu cơ, mà nên tăng trưởng dài hạn, bền vững cả trăm năm thì càng tốt. Một xã hội mà người dân quan niệm nắm giữ chứng khoán là nắm giữ cơ hội, và nếu họ tin rằng tài sản đó khả năng ngày càng gia tăng giá trị thì nền kinh tế đó có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng trong tương lai.
Đinh Hạ Vân