Vietstock - Chứng khoán: chọn ngành nào cho chu kỳ tăng kế tiếp?
Dù nguy cơ điều chỉnh trước sức ép chốt lời và các rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, nhưng đó cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư tăng tỷ trọng vào những nhóm ngành được đánh giá tích cực để đón đầu sóng tăng kế tiếp.
Ngành dầu khí có thể hưởng lợi trước kỳ vọng giá dầu thế giới có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP |
Áp lực trước vùng kháng cự
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang chứng kiến sự dao động không rõ ràng, với chỉ số VN-Index lình xình trước vùng kháng cự 1.300 điểm trong hơn một tháng qua, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá thận trọng giữa những tin tức tốt, xấu đan xen. Trong khi các dữ liệu vĩ mô cùng mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3-2024 tích cực đang trở thành lực đỡ cho thị trường, nhà đầu tư vẫn có những lo ngại trước các diễn biến mới.
Tình hình bất ổn tại khu vực Trung Đông ngày càng trở nên phức tạp đang ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu, làm gia tăng sự không chắc chắn và thúc đẩy dòng vốn chạy vào những kênh đầu tư an toàn như vàng hay đô la Mỹ, thay vì các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán. Chỉ số USD Index hiện đã leo lên mức cao nhất trong ba tháng qua tại vùng 104 điểm, còn giá vàng thế giới cũng đang dao động quanh vùng giá cao nhất từ trước đến nay trên ngưỡng 2.700 đô la Mỹ/ounce.
Với TTCK Việt Nam, việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại khi không thể bứt phá khỏi vùng kháng cự 1.300 điểm càng khiến nhiều nhà đầu tư có lý do để quyết định chốt lời, từ đó càng gây áp lực lên thị trường. Đơn cử như ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài, sau chuỗi mua ròng trở lại trong nửa cuối tháng 9 và những phiên đầu tháng 10, tính từ ngày 4-10 đến 21-10-2024, họ đã bán ròng 3.785 tỉ đồng.
Nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông vẫn là lựa chọn ưa thích của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua cũng như cho giai đoạn kế tiếp, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng nổi bật trước xu hướng chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn thông không chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ số mà còn thể hiện sự thích ứng của thị trường với các xu hướng toàn cầu. |
Với việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có dấu hiệu căng thẳng trở lại, dễ hiểu vì sao khối ngoại quay đầu bán ròng trở lại, khi trong thời gian qua tỷ giá luôn là yếu tố gây áp lực lớn lên TTCK.
Cụ thể, giá đô la Mỹ tại các ngân hàng đã liên tục tăng mạnh trong những ngày gần đây và tiến sát mức giá trên thị trường không chính thức, trong khi giá vàng trong nước cũng leo thang càng gây áp lực lên tỷ giá.
Việc giá đô la Mỹ tăng trở lại là diễn biến khá bất ngờ, khi trước đó nhiều dự báo cho rằng đô la Mỹ sẽ còn chịu áp lực trước các đợt cắt giảm lãi suất kế tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hai tháng cuối năm nay.
Để ứng phó với rủi ro mất giá trở lại của tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu hút ròng tiền đồng trở lại trên thị trường mở và tín phiếu. Tính từ đầu tháng 10 đến ngày 21-10, nhà điều hành đã hút ròng gần 105.000 tỉ đồng, đặc biệt trong hai phiên gần nhất vào ngày 18 và 21-10, nhà điều hành đã phát hành 33.950 tỉ đồng tín phiếu sau hai tháng tạm ngưng. Tình hình này nếu kéo dài có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất, nhất là giai đoạn cuối năm thanh khoản hệ thống cũng thường đối mặt với áp lực gia tăng.
Chọn ngành cho sóng tăng kế tiếp?
Dù nguy cơ điều chỉnh trước sức ép chốt lời và các rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu, nhưng đó cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư tăng tỷ trọng vào những nhóm ngành được đánh giá tích cực để đón đầu sóng tăng kế tiếp, khi TTCK thường có màn trình diễn nổi bật trong những tháng cuối năm và tháng đầu năm kế tiếp. Đáng lưu ý là ngày càng có nhiều kỳ vọng cho rằng TTCK Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng trong năm 2025, có thể diễn ra vào tháng 9-2025 hoặc thậm chí sớm hơn - ngay tháng 3 năm sau.
Nhóm cổ phiếu công nghệ - viễn thông vẫn là lựa chọn ưa thích của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua cũng như cho giai đoạn kế tiếp, nhờ vào tiềm năng tăng trưởng nổi bật trước xu hướng chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Đầu tư vào công nghệ thông tin và viễn thông không chỉ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ số mà còn thể hiện sự thích ứng của thị trường với các xu hướng toàn cầu. Đáng lưu ý là sự bùng nổ của mạng 5G gần đây và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây, giao thông thông minh... là cơ hội cho các công ty trong ngành này tiếp tục phát triển.
Nhờ vào việc liên tiếp nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các nền kinh tế lớn gần đây, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Với nhu cầu về không gian sản xuất và logistics dự kiến sẽ tăng, ngành bất động sản khu công nghiệp rõ ràng hưởng lợi lớn từ xu hướng này, nhất là khi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh, và trước kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm mở khóa quỹ đất khu công nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài ra, ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đang đứng trước cơ hội phục hồi, khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thi công các dự án trọng điểm trong thời gian tới. Đáng lưu ý là điểm rơi bàn giao dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 sẽ tập trung vào quí 4-2024 và năm 2025, giúp các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có thể ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến.
Triển vọng kinh tế vĩ mô được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi trước chính sách tiền tệ nới lỏng mang lại cơ hội cho ngành F&B và bán lẻ. Các công ty lớn trong ngành F&B và bán lẻ đang đón đầu xu hướng tiêu dùng lành mạnh và mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng của khách hàng, đặt nền móng cho sự tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, các nhóm ngành xuất nhập khẩu cũng có thể hưởng lợi từ xu hướng nới lỏng chính sách và cầu tiêu dùng phục hồi của các đối tác thương mại lớn trong giai đoạn tới.
Cuối cùng, các nhóm ngành năng lượng cũng cần được quan tâm. Trong đó, ngành dầu khí có thể hưởng lợi trước kỳ vọng giá dầu thế giới có thể tiếp tục đi lên trong thời gian tới khi căng thẳng tại Trung Đông dự kiến sẽ còn leo thang. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực này cũng có cơ hội ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai nếu dự án Lô B - Ô Môn sớm được triển khai.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngành điện cũng có thể thu hút dòng tiền khi các cơ quan quản lý sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng năng lượng để giải quyết bài toán thiếu hụt thời gian qua, mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ Công Thương gần đây đã đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong Quy hoạch Điện 8, theo hướng mở rộng thêm các dự án điện mặt trời và danh mục các dự án thủy điện. Ngoài ra, giá bán lẻ điện có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới để hướng tới một thị trường điện cạnh tranh nhằm thu hút vốn đầu tư nhiều hơn. Từ ngày 11-10-2024, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng thêm 4,8%.
Triêu Dương