Vietstock - Chủ tịch TPHCM nói về dự kiến xây dựng 400 km đường sắt đô thị
TPHCM tính chuyện kết nối giao thông vùng Đông Nam bộ với các dự án lớn để kết nối khu vực trọng điểm này ra thế giới. Phấn đấu đến năm 2035 đạt mục tiêu có được 220 km. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên đến trên 400 km.
Ngày 19/12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp Singapore.
Tham dự chương trình có Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM Kho Ngee Seng Roy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore ông Norman Lim.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - cho biết, trong ngắn và trung hạn, thành phố ưu tiên thu hút đối với các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin (ICT, kỹ thuật số, nano); các ngành tự động hóa, cơ khí chính xác, vật liệu mới, dược phẩm; công nghiệp sinh học; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng sạch…
Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM Kho Ngee Seng Roy đề nghị thành lập một đầu mối liên hệ khi có vướng mắc cần giải quyết, để tránh việc các doanh nghiệp phải gặp nhiều sở ngành, dẫn đến chuyện mất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, đây là điều mà chính quyền thành phố trăn trở nhưng chưa giải quyết được. Năm 2023, TPHCM đã giao cho Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) làm đầu mối, theo đó các doanh nghiệp khi cần sẽ nêu vướng mắc với ITPC. Đơn vị này sẽ tư vấn, kết nối đến các sở ngành, địa phương có liên quan để giải quyết; đồng thời cũng có nhiệm vụ theo dõi tiến độ, đảm bảo giải quyết hiệu quả các yêu cầu.
Những vấn đề vượt thẩm quyền, cơ quan này sẽ báo cáo Thường trực UBND thành phố xem xét giải quyết. Lãnh đạo TPHCM cho biết, sắp tới sẽ nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế về cơ quan đầu mối này.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời một số vấn đề doanh nghiệp Singapore quan tâm. |
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng khẳng định, thành phố thường xuyên cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế nắm bắt được cơ hội đầu tư có hiệu quả. Ông cũng bày tỏ mong muốn, thông qua cộng đồng doanh nghiệp Singapore để thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền TPHCM với các cơ quan nhà nước, cơ quan Chính phủ của Singapore nhằm giúp thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, chính quyền thành phố trân trọng nguồn lực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Singapore là một trong những quốc gia có lượng FDI lớn nhất tại thành phố.
“Chúng tôi coi trọng việc chúng ta thường xuyên ngồi lại với nhau trao đổi, giải quyết các vấn đề tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy hợp tác kinh tế, xem đây là trọng tâm của quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Singapore”, ông Mãi nhấn mạnh.
Nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên 400 km
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TPHCM tập trung phát triển cả hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, đô thị và hạ tầng số.
Với hạ tầng giao thông, thành phố tập trung phát triển mạng lưới giao thông kết nối với vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện một số đơn vị doanh nghiệp Singapore trao đổi với lãnh đạo TPHCM.
|
Ngoài ra, thành phố cũng chuẩn bị triển khai nhiều dự án như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc kết nối TPHCM với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cao tốc kết nối TPHCM với các địa phương còn lại của Đông Nam bộ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, cao tốc TPHCM - Cần Thơ và hệ thống đường sắt đô thị.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục phát triển các cầu qua sông Sài Gòn, các dự án kết nối TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai, nâng cấp quốc lộ 13, đồng thời nỗ lực hoàn thiện Vành đai 3, Vành đai 4...
"Các đường cao tốc, các tỉnh lộ đối ngoại và các vành đai với miền Đông Nam bộ thì chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành trước năm 2030", ông Mãi nói.
Lãnh đạo TPHCM cùng đại diện các doanh nghiệp Singapore tại buổi gặp mặt. Ảnh: Ngô Tùng. |
Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, vừa qua tại cuộc họp Hội đồng vùng Đông Nam bộ với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã đề nghị rà soát để đầu tư mạnh về phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng.
Theo đó, thành phố vừa tính chuyện giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và giao thông đối ngoại của vùng ra bên ngoài, với các dự án lớn như cụm cảng Cái Mép - Cần Giờ, sân bay Long Thành, hay tiếp tục đầu tư cho sân bay Tân Sơn Nhất... để kết nối khu vực trọng điểm này ra thế giới.
Đối với đường sắt đô thị, phấn đấu đến năm 2035 đạt mục tiêu có được 220 km. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên đến trên 400 km.
Singapore - đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Singapore đạt hơn 9,1 tỷ USD, đưa Singapore trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 và đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại ASEAN. Riêng tại TPHCM, Singapore luôn là quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư, với hơn 1.821 dự án, số vốn đầu tư hơn 14,2 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng số vốn đầu tư FDI trên địa bàn thành phố (gần 1/4 tổng số vốn đầu tư của 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM). |
Ngô Tùng