Vietstock - 'Chu kỳ' đại án ở ngân hàng
Vì sao hết đại án này đến đại gia khác sa lưới pháp luật đều liên quan đến ngân hàng? Phải chăng có “chu kỳ” đại án ở ngân hàng?
Đại án Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng - VNCB) bước vào giai đoạn 2 với hàng loạt người làm ngân hàng bị bắt, trong đó có “thầy trò” đại gia Trầm Bê. Vì sao hết đại án này đến đại gia khác sa lưới pháp luật đều liên quan đến ngân hàng? Phải chăng có “chu kỳ” đại án ở ngân hàng?
Đại án sẽ được xét xử nhưng không ít người cho rằng chưa có gì đảm bảo trong tương lai không còn xảy ra những lùm xùm khác liên quan đến ngân hàng. Rằng, sau đại án, có nhiều bài học được rút ra từ nhiều phía, nhưng theo thời gian sẽ “mọc” ra những đại án khác với sai phạm khác, phức tạp, tinh vi và quy mô hơn.
Cần nhắc lại nhận định này từng được đưa ra từ sau khi xảy ra vụ án “bầu” Kiên. So với những gì diễn ra trên thực tế là... quá đúng.
30 năm qua, kể từ khi nền kinh tế chuyển mình, đại án liên quan ngân hàng liên tục lặp lại ở quy mô khác nhau.
Những năm 1990, khi chưa có ngân hàng cổ phần, hàng loạt chủ nhiệm hợp tác xã tín dụng cho vay không thu được nợ đã vướng lao lý. Gần chục năm sau, năm 1999, xảy ra vụ án Minh Phụng - Epco với nhiều cán bộ ngân hàng sai phạm.
Giai đoạn kinh tế tăng nóng, giá chứng khoán - bất động sản ngất ngưởng, nở rộ phong trào chạy đua làm chủ ngân hàng, nhưng tất cả xì hơi vào năm 2008 để lại nhiều hệ lụy.
Rồi vụ “bầu” Kiên, Huyền Như với hàng loạt cán bộ ngân hàng phải nhận án. Nay là đại án Phạm Công Danh và tới đây còn nhiều vụ án ngân hàng khác.
Không như những nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được phân tích, những người cho rằng có “chu kỳ” đại án ở ngân hàng đã đưa ra lý lẽ rất khác: do đặc thù của xã hội đã đẩy ngân hàng làm... sai chức năng. Thay vì là nơi giữ tiền, làm dịch vụ thanh toán, ngân hàng đang gồng mình làm công việc của thị trường chứng khoán - cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Hầu hết người làm ăn đều ít vốn, nhiều trường hợp “tay không” đã tìm đến ngân hàng để vay không chỉ vốn lưu động, vốn đầu tư, mà cả vốn để... mở công ty, mua cổ phần. Bỗng nhiên người làm ngân hàng có rất nhiều quyền lực: cho người khác vay tiền. Rồi họ cũng dễ bị mua chuộc bởi cơn khát vốn của người vay, dễ nhắm mắt làm càn...
Một so sánh nhỏ: với ngân hàng, khi cho vay, quyền quyết định thuộc về một nhóm người, thậm chí một người; còn với thị trường chứng khoán, công ty muốn huy động vốn phải công khai, chứng minh hiệu quả. Khi từng nhà đầu tư được thuyết phục, họ mới rót vốn.
Cách gọi vốn qua chứng khoán cũng có lừa đảo, thất thoát, nhưng ít hơn. Việt Nam đã có thị trường chứng khoán nhưng tiếc rằng ngân hàng vẫn phải gồng mình cấp vốn cho nền kinh tế.
Hoa mắt với quyền lực, nhiều người tìm mọi cách để nắm được ngân hàng, kể cả tay ngang như Phạm Công Danh, Trầm Bê... nhằm biến ngân hàng thành két sắt của mình hoặc có được quyền ban phát tiền vay.
Trong khi quản lý nhà nước, ở một số trường hợp đã để lọt lưới kẻ trục lợi, biến chất, nhóm lợi ích, khiến cho “chu kỳ” đại án cứ lặp lại với ngân hàng.
Tham nhũng phải trị, nhóm lợi ích phải dẹp bỏ, nhưng bên cạnh chống còn phải xây, phải triệt tận gốc “chu kỳ” đại án ở ngân hàng.
Đó là có giải pháp để thị trường chứng khoán thành kênh cấp vốn với cơ chế giám sát chặt chẽ, điều này cũng có nghĩa giảm bớt quyền lực của ngân hàng. Được trở lại đúng với chức năng thanh toán, đại án sẽ thôi đeo bám hoạt động ngân hàng.