Vietstock - Chính sách BĐS 2018 (Kỳ 1): Hệ quả còn lại từ các chính sách cuối năm 2017
Mặc dù có một số chính sách ra đời từ cuối năm 2017 nhưng đến quý 1/2018 mới bắt đầu tác động mạnh lên thị trường. Song song đó, thị trường bất động sản nói chung và TP.HCM nói riêng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều chính sách kể từ đầu năm nay.
Hệ lụy từ quy định tách thửa
Ngày 05/12/2017, UBND TP.HCM đã bán hành Quyết định 60/2017/QĐ-UBND thay thế cho Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM.
Mặc dù có những điểm mới, mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư. Song, Quyết định 60 tồn tại một lỗ hổng khi bỏ quy định những khu đất có diện tích trên 2,000m2 phải lập dự án có quy hoạch chi tiết 1/500.
Điều này dẫn đến hệ lụy vào quý 1/2018 nổi lên tình trạng các chủ đất sở hữu diện tích đất lớn vô tư tách thửa, phục vụ việc phân lô bán nền. Bên cạnh đó, việc áp dụng Quyết định 60 cũng cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở dễ dàng hơn, cuối cùng cũng hướng đến việc tách thửa phân lô, bán nền tràn lan và thổi giá đất nền lên cao.
Siết chặt tín dụng vào BĐS
Ngày 28/12/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 19/2017/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (ngày 20/11/2014) quy định các giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư 19 sẽ hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Theo đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40%. Đồng thời, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS từ 150% lên 200%. Điều này sẽ khiến van tín dụng vào BĐS sẽ hẹp hơn.
Tiếp đó vào ngày 23/01/2018, NHNN có văn bản số 563/NHNN-TTGSNHyêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Vào ngày 23/01/2018, Bộ Xây dựng công bố Quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính ban hành ngày 22/12/2017.
Mục tiêu phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn, phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng ra quốc tế.
Theo đó, vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 8 tỉnh thành lân cận (Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang) với tổng diện tích toàn vùng khoảng 30,404 km2.
Theo đồ án quy hoạch, TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Đồng thời, TP.HCM cũng là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, vùng TP.HCM sẽ hoàn thiện 4 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành; Bắc - Nam phía Tây.
Ngoài ra, theo quy hoạch trong vòng hơn 13 năm tới, vùng TP.HCM sẽ có thêm 10 tuyến đường sắt và đường sắt nội vùng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các tỉnh trong vùng. Đồng thời ngoài việc cải tạo, nâng cấp cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sẽ xây mới thêm cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không Côn Sơn và cảng hàng không Vũng Tàu.
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng
Ngày 13/03/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Trước thực trạng thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng hiện nay còn dài và chưa đồng bộ. Chỉ thị mới này sẽ rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày (bao gồm giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng 19 ngày; giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy 10 ngày; giảm thời gian thực hiện kết nối cấp điện, cấp thoát nước 7 ngày và giảm thời gian đăng ký tài sản sau hoàn công là 10 ngày).
Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất tại TP.HCM
Ngày 15/03/2018, UBND TP.HCM ra Quyết định số 09/2018-QĐ-UBND (có hiệu lực ngày 25/03/2018) về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng tùy theo từng nhóm đối tượng và tùy theo từng khu vực địa bàn quận, huyện và các yếu tố làm tăng, giảm giá đất.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
Ngày 19/06/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) TP.HCM. Theo nghị quyết này, đến năm 2020 một số chỉ tiêu sử dụng đất chính của TP.HCM sẽ có những bước phát triển nhảy vọt.
Ông Huỳnh Thế Ngọc - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư thành ủy, trong nội dung điều chỉnh đồ án quy hoạch, Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu giai đoạn 2016-2010 sẽ chuyển 6,246 ha đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp. Trong đó, nổi bật 2 nhóm đất gắn với thị trường bất động sản là đất khu công nghiệp (hiện trạng còn khoảng 3,500 ha) sẽ tăng lên 6,000 ha vào năm 2020. Theo đó, diện tích và số lượng doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất để xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh sẽ lớn hơn.
Trong khi giai đoạn 2010-2015, diện tích đất ở vào khoảng 3,000 ha thì dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích đất ở sẽ tăng lên 7,321 ha. Trong đó, đất ở đô thị chiếm khoảng 4,500 ha, đất ở nông thôn 2,800 ha.
Theo nghị quyết 80 của Chính phủ, kế hoạch sử dụng đất 2018 của TP.Hồ Chí Minh đối với đất ở nông thôn tại các huyện vào khoảng 7,732 ha trong năm 2015, đến 2018 tăng lên 8,523 ha, như vậy hơn 1,000 ha sẽ chuyển sang đất ở.
Nguyên Ngọc