Vietstock - Chiêu lừa mượn danh ông lớn bất động sản để bán nhà
Các "đại gia" như Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Nam Long liên tục bị nhiều công ty mạo danh để bán dự án.
Vài ngày qua, trên facebook chính thức của Công ty Phú Mỹ Hưng phát đi thông báo cảnh giác tình trạng mạo danh thương hiệu để tham dự chương trình trúng thưởng hoành tráng, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
Doanh nghiệp này cho biết đã nhận nhiều thông tin từ cư dân, khách hàng về việc một số cá nhân mạo danh nhân viên Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, thông báo khách hàng trúng thưởng khi mua các sản phẩm Midtown. Những người này còn mời khách tham dự sự kiện giới thiệu dự án đất nền tổ chức tại tòa nhà Pico Plaza (Cộng Hòa), TP HCM.
Đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng khẳng định không tổ chức bất kì sự kiện nào tại tòa nhà Pico Plaza và kêu gọi khách hàng hãy lưu tâm hành vi mạo danh thương hiệu, có tính chất lừa đảo này. Doanh nghiệp cho biết hiện nay, tất cả hoạt động giới thiệu dự án, mời tham quan nhà mẫu đều do nhân viên sàn giao dịch bất động sản của công ty trực tiếp thực hiện tại Trung tâm nhà mẫu duy nhất của Phú Mỹ Hưng (Sales Gallery) ở phường Tân Phú, quận 7, TP HCM.
Trong tháng 11/2018, bộ phận kinh doanh Công ty Địa ốc Him Lam cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của khách hàng tìm hiểu các dự án đất nền tại khu Nam Sài Gòn và Bình Chánh. Nguyên nhân là các tờ rơi môi giới phát ra trên địa bàn TP HCM có gắn thương hiệu của Him Lam Land. Thậm chí lễ khai trương mở bán dự án này còn được tổ chức tại trung tâm hội nghị tại quận 6.
Tờ rơi của các đơn vị môi giới mượn danh Công ty Him Lam để bán dự án.
|
Song, đại diện Him Lam Land khẳng định tình trạng chào bán dự án tại Nam Sài Gòn và Bình Chánh có gắn thương hiệu của Him Lam đều là giả mạo. Trên trang web chính thức của công ty nêu rõ, việc các đơn vị cố ý đặt tên, mở bán sản phẩm với tên gọi "Him Lam Bình Chánh", "Him Lam Nam Sài Gòn", ... là hành vi mạo danh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với thương hiệu độc quyền của họ. Him Lam Land sẽ làm việc với các cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Khẳng định không triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên "Him Lam Bình Chánh" hay "Him Lam Nam Sài Gòn", Công ty Him Lam cho biết họ và các đối tác liên kết bán hàng chưa bao giờ và không bao giờ phát tờ rơi để giới thiệu dự án và để bán sản phẩm nhà đất.
Trước đó, hồi quý III/2018, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) cũng từng phát thông cáo "kêu cứu" vì bị Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu với nhãn hiệu "Nam Long" đã được bảo hộ độc quyền.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Long Real ("Nam Long Real") - một đơn vị không có bất kỳ mối quan hệ sở hữu nào với Tập Đoàn Nam Long - đã sử dụng trái phép nhãn hiệu "NAM LONG". Nam Long Real đã sử dụng biển hiệu, giấy tờ giao dịch và phương tiện kinh doanh (trang thông tin điện tử namlongreal.vn) khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng đất nền tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Sau những phản ánh của Tập đoàn Nam Long, ngày 16/8/2018, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an đã thanh kiểm tra Nam Long Real. Tại đây, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Sau đó, Nam Long Real bị phạt 20 triệu đồng và bị buộc chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố "Nam Long" hay "Namlong" trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch (tài liệu dự án, brochure, tờ rơi, danh thiếp, nội dung các trang thông tin điện tử...) mà đơn vị này đang sử dụng trái phép.
Giảng viên Học viện Tài chính Quản trị IABM Trang Minh Hà cho biết, khi bị nhái thương hiệu, các doanh nghiệp nên có các bước từ mềm mỏng cảnh cáo đến cứng rắn khởi kiện nhằm bảo vệ uy tín của mình. Đây cũng là cách cảnh báo sớm, giúp khách hàng tránh nguy cơ bị lừa đảo.
Đầu tiên, công ty cần thông báo và yêu cầu bên vi phạm đổi tên. Bước kế tiếp là làm công văn gửi Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Thương mại thông báo về sự trùng lắp thương hiệu.
Doanh nghiệp cần đưa ra lộ trình cụ thể, ví dụ cho phía vi phạm thương hiệu một khoảng thời gian khắc phục, nếu quá thời gian ấy sẽ đi lên cấp cao hơn là thông báo rộng rãi ra công chúng để cảnh báo cũng như tố cáo đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp cần có bộ phận giám sát hoạt động bán hàng của bên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu phát hiện lợi dụng tên tuổi thì thuê công ty có chức năng thừa phát lại lập vi bằng, yêu cầu dừng các hoạt động vi phạm.
Nếu hành vi vi phạm thương hiệu vẫn tiếp diễn, ngay khi có đủ bằng chứng, doanh nghiệp cần khởi kiện ra toà, phối hợp với việc công bố rộng rãi để công chúng và khách hàng biết cách phòng tránh.
Giảng viên Học viện Tài chính Quản trị IABM khuyến cáo các doanh nghiệp, dù là hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, cũng không nên bỏ qua vai trò quan trọng của việc giữ gìn thương hiệu bằng cách đăng ký tên miền sớm nhất có thể và đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu của công ty.
Theo ông Hà, khi phát hiện bị đánh cắp thương hiệu hoặc sử dụng trái phép thương hiệu kèm theo hành vi kinh doanh không chính trực, các công ty nên mạnh dạn thu thập bằng chứng và khởi kiện để ngăn chặn tình trạng có thêm nhiều người bị sập bẫy.
Việc khởi kiện tỏ thái độ quyết liệt và cứng rắn là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời và đề phòng các doanh nghiệp "nhái" thương hiệu có hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo người mua hàng thậm chí gây mất uy tín của doanh nghiệp.
Vũ Lê