Vietstock - Chiến lược thị trường chứng khoán tháng 12/2018: Tốt xấu đan xen
Các tin tức hỗ trợ xuất hiện nên tình hình ngắn hạn khá tích cực. Tuy nhiên, các dự báo định lượng đang ủng hộ xu hướng giảm trung và dài hạn tiếp tục.
Mô hình định lượng – Dự báo dựa vào dữ liệu chuỗi thời gian
Chứng khoán cơ bản – Định hướng đúng, đầu tư thành công
I. PHÂN TÍCH THÔNG TIN & DỮ LIỆU
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Đây là chủ đề nóng nhất và được bình luận nhiều nhất trong thời gian gần đây. Sau cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 trong ngày 01/12/2018, Mỹ và Trung Quốc quyết định tạm ngừng áp thêm thuế quan trong ít nhất là 90 ngày, đồng thời tổ chức thêm các cuộc đàm phán để giải quyết mâu thuẫn hiện nay.
Đây được coi là thông tin rất tích cực và có thể giúp thị trường hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự kiện này mở ra một vấn đề khác. Đó là vẫn cần kết quả của những cuộc đàm phán tương lai để khẳng định rằng chiến tranh thương mại (trade war) đã chấm dứt hay chưa?
Điều này phần nào khiến cho nhà đầu tư cảm thấy không chắc chắn về tương lai của thị trường vốn không có nhiều thông tin hỗ trợ trong giai đoạn này. Nó cũng phần nào thúc đẩy cơ chế phòng vệ (defense mechanism) và khi đó hoạt động đánh ngắn ăn ngắn sẽ được ưu tiên thay vì nắm giữ dài hạn.
Nguồn: BBC
Tình hình lãi suất
Mặc dù lãi suất đã có mức tăng khá trong giai đoạn vừa qua nhưng áp lực tăng sẽ còn duy trì trong thời gian tới do hai yếu tố chính:
Thứ nhất, quy định mới về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Thứ hai, nhu cầu tín dụng lớn của các doanh nghiệp cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.
Giao dịch khối ngoại
Giá trị giao dịch khớp lệnh ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HOSE chủ yếu nghiêng về trạng thái bán ròng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên sàn HNX.
Tuy nhiên, việc khối này mua ròng khá thường xuyên vào giai đoạn cuối tháng 11/2018 cho thấy tình hình đã bắt đầu có cải thiện.
Giao dịch ròng của khối ngoại (Đvt: VNĐ)
Nguồn: VietstockFinance
Biến động các nhóm vốn hóa
Quan sát thống kê tăng/giảm của các nhóm vốn hóa trong những tháng gần đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhóm VS-Large Cap yếu hơn một chút nếu so với các nhóm còn lại.
VS-Micro Cap lại cho thấy sự ổn định khi liên tục tăng trưởng trong 5 tháng gần nhất. Điều này phần nào cho thấy thấy sự dịch chuyển của giới đầu tư từ các cổ phiếu lớn sang nhóm cổ phiếu nhỏ có mức định giá hợp lý hơn.
Bảng thống kê tăng/giảm của các nhóm vốn hóa
Nguồn: VietstockFinance
II. DỰ BÁO ĐỊNH LƯỢNG & CHIẾN LƯỢC
Các dự báo định lượng của thị trường chứng khoán cơ sở nhìn chung vẫn đi theo hướng bi quan. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dự kiến đầu năm 2019 sẽ có sự bứt phá khá mạnh trong ngắn hạn.
Trong các chỉ số chính trên thị trường thì HNX-Index được dự báo tốt nhất. Quỹ đạo biến động tương lai của HNX-Index được dự báo gần như đi ngang (sideways). Nếu muốn đảo ngược tình trạng này thì HNX-Index cần phá vỡ hoàn toàn và vượt lên trên vùng EXIT 112.29-114.75 điểm.
VN-Index có mức điểm dự báo khá thấp trong các tháng tới. Vùng EXIT 978.21-1,001.17 điểm được đánh giá là rất mạnh khi trùng với mốc tâm lý quan trọng 1,000 điểm.
Bảng dự báo định lượng thị trường cơ sở
Nguồn: VietstockFinance
VN30F1M (Hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng) và VN30F2M (Hợp đồng tương lai kỳ hạn 2 tháng) được dự báo giảm gần 100 điểm trong tháng 12/2018. Đây có thể là dự báo có phần hơi quá bi quan so với tình hình hiện tại nhưng nó phần nào cũng cho thấy thị trường vẫn chưa thực sự tạo đáy vững chắc.
Bảng dự báo định lượng thị trường phái sinh
Nguồn: VietstockFinance
Lưu ý: Vùng EXIT được định nghĩa là vùng mang tính chiến lược quan trọng. Việc phá vỡ vùng này sẽ tạo ra sự xoay chuyển xu hướng hiện hành và đảo ngược các dự báo định lượng.
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư Vấn Vietstock