Vietstock - Châu Á tiếp tục là thị trường khách du lịch chính của Việt Nam
Tại buổi hội thảo thường niên công bố kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn do Grant Thornton tổ chức sáng ngày 10/07, bà Trịnh Kim Dung, Trưởng Phòng Tư vấn Grant Thornton cho biết: “Năm vừa rồi là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có lượng khách quốc nội cũng như quốc tế vượt kế hoạch Chính phủ đặt ra”.
Grant Thornton Việt Nam công bố Kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 vào ngày 10/07/2018.
|
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam hiện là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á trong vai trò là một điểm đến du lịch. Trong năm 2017, tổng lượng khách đến Việt Nam tăng 19%, đạt 86 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế tăng 29% và lượng khách nội địa tăng 18%.
Cùng với xu hướng tăng của lượng khách du lịch, ngành khách sạn cũng đang đón nhận một lượng đầu tư lớn. Theo thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2017 có 79 khách sạn cao cấp (3-5 Sao) mới được đưa vào hoạt động. Trong đó, có 10 khách sạn 5 sao, cung cấp thêm 101,400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2017 tăng 10% so với cùng kỳ.
Châu Á tiếp tục là thị trường khách du lịch chính của Việt Nam, chiếm tới 76% tổng lượng khách quốc tế. Trong số đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất trong suốt 3 năm qua, chiếm trên 50% lượng khách nước ngoài tới Việt Nam.
Trung bình lượng khách tới từ các nước phương Tây chỉ tăng 14% trong năm 2017, mức tăng lớn nhất là khách du lịch Nga với tốc độ tăng 30% do trong năm qua, các nhà quản lý tour du lịch đã mở rộng gói du lịch nghỉ dưỡng vào mùa đông. Trong tương lai, với việc chính sách Visa được gia hạn thêm 3 năm có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến từ 5 quốc gia nằm trong chính sách này nói riêng và lượng khách đến từ phương Tây nói chung sẽ gia tăng.
Mục tiêu trong năm 2018, Việt Nam sẽ thu hút từ 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón khoảng 6.7 triệu lượt khách, tăng 26.7% so với con số của năm trước và thực hiện được khoảng 40% kế hoạch.
Giá phòng bình quân năm 2017 tăng 2.6%
Giá phòng bình quân theo xếp hạng sao 2015-2017
|
Theo Grant Thornton, giá phòng bình quân năm 2017 tăng 2.8% so với năm 2016, dao động trong khoảng từ 89.3- 91.8 USD. Riêng giá phòng bình quân của khách sạn 5 sao đã có dấu hiệu hồi phục sau đợt sụt giảm nhẹ ở năm 2016, tăng 4.2%. Giá phòng khách sạn 4 sao tăng ít hơn, ở mức 1%.
Xét theo khu vực, giá phòng bình quân ở cả 3 vùng đều có sự cải thiện, khu vực miền Trung tăng mạnh nhất ở mức 5.7%, tiếp đó là khu vực miền Bắc ở mức 4.4%.
Doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (RevPAR) tăng đáng kể ở cả hai hạng sao, với tỷ lệ tăng 7.6% cho khách sạn 4 sao và 10.2% cho khách sạn 5 sao.
Doanh thu trên mỗi phòng sẵn có theo xếp hạng sao 2016 – 2017
|
RevPAR khu vực miền Trung tiếp tục có mức tăng trưởng cao nhất 19.7%, thể hiện qua việc cả công suất phòng và giá phòng bình quân đều tăng so với năm ngoái. Khu vực phía Bắc theo sau với mức tăng 12.9%. Khu vực phía Nam tăng trưởng chậm nhất ở mức 4.7%.
[Công suất phòng bình quân theo xếp hạng sao (2015 – 2017)]
Nhìn chung, công suất phòng có sự cải thiện với mức tăng khoảng 5% cho cả hai hạng sao, với tỷ lệ 4.8% cho khách sạn 4 sao và 5% cho 5 sao.
Doanh thu phòng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng cơ cấu doanh thu, với tỷ lệ khoảng 60% và tăng nhẹ 1.8% so với năm 2016. Ngược lại, tỷ trọng doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 1.3% so với năm trước. Tỷ trọng doanh thu từ các hoạt động khác không có sự thay đổi nhiều trong hai năm.
Mặc dù lợi nhuận gộp của các bộ phận không thay đổi đáng kể, song chi phí nhân sự của bộ phận Dịch vụ ăn uống và các bộ phận khác có xu hướng tăng. Xu hướng này cũng được thể hiện trong việc chi phí nhân viên bình quân năm 2017 tăng so với năm 2016.
Chi phí lương, chi phí cho bộ phận quản lý và chi phí năng lượng là ba nhóm chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí không phân bổ, chiếm 81.5% vào năm 2016 và 78.9% năm 2017. Các khách sạn tham gia khảo sát có xu hướng chi nhiều hơn cho hoạt động bảo trì, marketing và bán hàng, thể hiện qua việc tỷ trọng hai chi phí này đều tăng xấp xỉ 1% so với năm 2016.
Năm 2017, lợi nhuận của phân khúc các khách sạn cao cấp tiếp tục được cải thiện khi chỉ số EBITDA tăng 1.7%. Sự cải thiện này chủ yếu do chi phí hoạt động không phân bổ giảm 1.8%, trong khi các chi phí khác gần như không thay đổi.
Theo thống kê của các khách sạn tham gia khảo sát, doanh thu trung bình và chi phí lương trung bình của nhân viên đã tăng năm thứ hai liên tiếp sau khi giảm nhẹ vào năm 2015. Doanh thu bình quân của nhân viên năm 2017 tăng 6.7% và chi phí lương bình quân tăng 5.7%.
Nguyên Ngọc