Vietstock - Cần hơn 118.000 tỷ đồng làm đường cao tốc Bắc-Nam phía đông
Từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 654 km đường cao tốc Bắc-Nam phía đông với 11 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư được tính toán sơ bộ là 118.716 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội về dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
|
Ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Quốc hội về Dự án nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Để thực hiện được dự án, Chính phủ cần Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư trong kỳ họp này.
Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
Cụ thể nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án quan trọng quốc gia thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016; bao gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện giải phóng mặt bằng (20 dự án); 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP (8 dự án) và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công gồm: Đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.
Nguồn vốn của nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng, bao gồm: Vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.
Với tổng mức đầu tư của giai đoạn này, cả nước sẽ có được 654 km đường cao tốc mới. Trong đó, đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT đối với 8 dự án thành phần gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).
Còn 3 dự án áp dụng hình thức đầu tư công là do lưu lượng xe đi lại ít, kết cấu hạ tầng cần được gia cố nên chi phí đầu tư lớn, không phù hợp với hình thức BOT. Đối với các đoạn đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu giá dịch vụ, nguồn vốn thu được sẽ nộp ngân sánh Nhà nước và đầu tư các đoạn tiếp theo.
Bộ GTVT dự kiến chuẩn bị đầu tư trong các năm 2017-2018; năm 2019 khởi công xây dựng và tới năm 2021 thì hoàn thành 654 km cao tốc này.
Tính tới nay, hệ thống đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc-Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn tới thành phố Cà Mau đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km và có thêm 67 km tới nay đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế-xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết nhiều ý kiến của ủy viên Uỷ ban đồng ý với Chính phủ đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17-25 m, riêng đoạn Cam Lộ-La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, nhưng yêu cầu phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí an toàn, hiện đại, đồng bộ vào quá trình vận hành và quản lý Dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.
Về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cho Dự án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi, đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Thành Chung