BÀI DỰ THI: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN
Vietstock - Cái tát đau điếng nhớ đời
“Mày đầu tư chứng khoán đi, tao lời được 250 triệu rồi”. Đó chính là câu nói của thằng T - bạn cùng đại học của tôi, cùng tuổi, cùng là sinh viên năm 4 và tài khoản của nó đã có hơn 400 trIệu rồi. Vâng! Thế là lòng tham của tôi được kích thích và ngày đêm lao vào đầu tư chứng khoán với mong muốn làm giàu, “đổi đời không khó”.
Với số tiền sẵn có 50 triệu đồng để dành sau 3 năm làm thêm từ dạy kèm, phục vụ, cho đến giao hàng... tôi luôn nghĩ một thời gian nữa thôi, tôi sẽ gấp đôi gấp ba nó lên, rồi dọn vào một chung cư sang chảnh để ở, mua con xe sao cho ngầu để đi… bởi vì thằng T nó kiếm được, người ta kiếm được thì mình kiếm được chứ sao? Nhưng nào ngờ… đời đâu phải chỉ có màu hồng không thôi?
Với lợi thế sẵn có là một sinh viên ngành tài chính, có sự hiểu biết về phân tích doanh nghiệp cũng như các chỉ số kinh tế, tài chính, nên việc bắt đầu bước vào thị trường chứng khoán (TTCK) đối với tôi khá dễ dàng. Nhưng thay vì theo đúng cách tiếp cận được học bài bản ở trường, tôi lại đi theo hướng hoàn toàn khác do sự đưa đẩy của “Ông Thị trường” và đám đông cuồng nhiệt. Tôi còn nhớ chính xác ngày đầu tiên tôi bắt đầu hành trình “làm giàu không khó” là ngày 02/11/2017 với mã cổ phiếu DXG, chỉ sau hai tuần tôi lãi được tới 12%, tôi bắt đầu háo hức mãnh liệt vì đâu cần một năm dài đằng đẵng chờ lãi suất ngân hàng chỉ khoảng tầm 6.8%. Không dừng lại ở đó, những ngày sau đó, tôi mua cổ phiếu gì hầu như cũng lãi, mà ăn lớn nhất có lẽ là mã VIC khi tôi mua giá 75,000 đồng mà bán được tận 98,000 đồng trong một thời gian khá ngắn. Rồi tôi lướt sóng ngắn hạn theo kiểu T+ với rất nhiều mã cổ phiếu khác nhau, tài khoản tăng mạnh từ 50 triệu lên 83 triệu. Thật quá dễ dàng, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tôi đã kiếm được hơn 60% từ việc mua hưởng chênh lệch giá và từ lúc nào, tôi cũng quên không còn ngồi phân tích báo cáo tài chính, các chỉ số như từng học ở trường, thay vào đó là việc nhìn vào các biểu đồ kỹ thuật, thông tin trên báo chí, cùng đám đông mua mua, bán bán. Nhưng nếu đời cứ màu hồng vậy thì chắc ai cũng giàu, mà lúc đó thật sự vậy, tôi thấy xung quanh những nhà đầu cơ chứng khoán có ai lỗ đâu, chỉ từ lãi ít đến lãi nhiều, lãi vài chục phần trăm cho đến nhân 2, nhân 3 tài khoản.
Nhưng những ngày nắng bắt đầu thưa dần và ngày mưa chợt đến không báo trước, cùng với đó là những cơn gió lạnh của mùa đông tràn về khi xuân sắp đến, cũng là lúc thị trường có những phiên giảm điểm kỷ lục. Thị trường giảm hơn 130 điểm chỉ trong vài phiên. Nhưng có lẽ, đó là điều bình thường thôi, giảm rồi tăng lại có sao đâu, bởi “Ví không có cảnh đông tàn, làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân”. Tài khoản tôi giảm đáng kể vì sử dụng Margin nên hầu như mất hết thành quả trước đó đã kiếm được khi thị trường rơi. Lúc đó, trên các trang mạng xã hội, những lời kêu ca nhiều vô kể, 'bìm bịp chúa' lẫn 'chim lợn rừng' lẫn lộn vào nhau, người thì dự đoán thị trường rơi xuống còn 800 điểm, 700 điểm, người thì phân tích từ vĩ mô thế giới tích cực cho đến tiềm năng doanh nghiệp trong nước, câu chuyện nâng hạng thị trường, GDP Việt Nam tăng trưởng tốt cho đến bức tranh thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước,… Với niềm tin làm giàu sắt đá từ thị trường, tất nhiên tôi tin là “Ông Thị trường” sẽ tăng lại nhanh thôi. Và tôi đúng, sau đó thị trường tích cực trở lại, và tôi lại kiếm được một mớ đáng kể, điều này càng làm tôi hứng thú hơn nữa và sự ảo tưởng về khả năng của bản thân cũng cao hơn. Tôi mua bán lướt sóng càng nhiều hơn.
Nhưng sau đó, tôi cảm thấy mình cần nên thay đổi quan điểm đầu tư. Tôi đọc nhiều sách về đầu tư hơn, từ tìm hiểu về triết lý đầu tư theo mô hình CANSLIM của William O’Neil, triết lý đầu tư giá trị của Warren Bufffett đến "Rule 1” của Phil Town,… Nhưng lòng tham khó mà thay đổi, cho dù hiểu được rất nhiều kiến thức từ các tác giả, những nhà đầu tư nổi tiếng từng thành công vang dội, nhưng tôi chả thay đổi gì mấy. Tôi còn nhớ đã đưa ra kỷ luật cho bản thân giống như William O’Neil từng chia sẻ trong cuốn Làm giàu qua chứng khoán là luôn kiểm soát được lợi nhuận cũng như rủi ro của mình. Tôi đặt ra mức thua lỗ là 7% và tự hứa sẽ không bao giờ vi phạm điều đó. Đồng thời, mức sinh lời là 21% - tức gấp 3 lần mức lỗ nếu có. Tuy nhiên, nghĩ là một chuyện, thực hành được lại là chuyện khác. Đỉnh điểm là hồi đầu tháng 04/2018 khi tôi bắt đầu hứng chịu một "cái tát" thật đau từ “Ông Thị trường”, tài khoản từ lãi sang hòa vốn, rồi từ hòa vốn thành lỗ. Tôi liên tục bắt đáy và sử dụng đòn bẩy margin vì nghĩ là đây chắc chắn là đáy rồi, mua vào thì sẽ tăng lại nhanh thôi. Nhưng lần này thì tôi sai, càng bắt thì đáy càng sâu, cái đáy tôi nghĩ là bắt được lại là đỉnh của đáy mới, tôi quên hết tất cả cách thức quản trị rủi ro mà bản thân từng học ở trường cũng như trong các cuốn sách. Tôi mất tổng cộng 62% xét trên tổng NAV gốc. Số tiền cực khổ dành dụm trong suốt những năm tháng sinh viên mất đi đáng kể. Giá như tôi nghe theo tư duy đầu tư đọc được, giới hạn mức lỗ là 7% như đã đặt ra, thì đâu có ra nông nỗi này. Thật sự, tôi cũng không biết tại sao bản thân lại không bình tĩnh đến như vậy trong giai đoạn ấy. Và bây giờ, có "giá như..." cũng chỉ là giá như mà thôi.
Nhắc đến T thì tài khoản cũng chỉ còn vỏn vẹn hơn 90 triệu đồng với vẻ mặt hốc hác và trầm tư. Và cũng là một cái duyên khi trong thời gian đó, chúng tôi được gặp một giảng viên có tiếng về đầu tư ở trường đại học và rất thành công từ TTCK, được nghe thầy kể về quá trình đầu tư và đặc biệt ngay cả trong thị trường tiêu cực vừa qua, thầy vẫn không bị mất đi khoảng lợi nhuận kiếm được, bởi vì thầy cũng từng như chúng tôi và bây giờ không phải rơi vào vết xe đỗ ấy nữa. Thầy động viên chúng tôi và chia sẻ rất nhiều câu chuyện bổ ích từ chính trải nghiệm của thầy. Từ đó, tôi hiểu rằng dù thị trường thế nào thì người thông minh vẫn kiếm được tiền. Tôi bắt đầu liên tưởng lại các sự kiện sụp đổ trước đó, đọc lại các câu chuyện từ sụp đổ của Củ hoa Tulip, Bong bóng South sea, cơn bão Tronic, bong bóng dotcom, cho đến khủng hoảng 2008,… tất cả đều có những dấu hiệu để nhận ra. Tôi nhận ra do lòng tham vô đáy của bản thân, sự mù quáng trong đầu tư, tôi đã bỏ qua hết tất cả dấu hiệu ấy, để cuối cùng nhận về những vị đắng.
Và thế là, mây vẫn cứ trôi và tôi vẫn ở trong căn phòng trọ cũ, chưa chuyển qua được chung cư, cùng với con xe cũ trung thành. Nhưng thị trường thì đã để lại cho tôi những cảm xúc, những gam màu quá đa chiều, từ màu hồng sung sướng khi lãi, màu xám xịt đau đớn khi mất đi thành quả, màu tím hy vọng khi thị trường phục hồi, rồi lại màu đen u ám khi thị trường giảm không phanh. Cùng với đó là bài học quý giá mà không lớp học nào có thể dạy được, chỉ có thể tìm thấy khi thực chiến.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi dấn thân vào con đường này, mà tôi còn cảm thấy thật may mắn khi được tiếp cận và hiểu về một kênh đầu tư vô cùng tiềm năng. Tôi biết rằng cơ hội trong đầu tư chứng khoán vẫn ở đó, chỉ là bản thân chưa đủ giỏi để có thể chinh phục được. Tôi tin chắc sau khi trải qua thật nhiều thách thức từ thị trường, nhận một "cái tát trời giáng" thì giờ đây, tôi đã cảm được nhiều điều. Tôi đã trở lại thị trường với phương pháp đầu tư giá trị và bắt đầu mang lại những kết quả nhất định.
Đây là bức tranh đầy sắc màu của tôi trên con đường chập chững bước vào đầu tư chứng khoán. Còn bức tranh của bạn thì sao?
Nguyễn Trung Hiếu
FILI
Kính mời bạn đọc tham gia Cuộc thi viết: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN Chi tiết xem tại: |