Vietstock - Cổ đông ngoại rút lui và khoảng trống bỏ ngỏ tại ngân hàng Việt
Sau hàng loạt các thương vụ rút lui của cổ đông chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt, mới đây nhất, nhóm Standard Chartered Bank cũng vừa đăng ký thoái bớt vốn tại Ngân hàng Á Châu. Sự ra đi nào cũng thu hút nhiều chú ý bởi khối lượng cổ phiếu đầu tư của đối tác ngoại là không nhỏ, và ai sẽ lấp khoảng trống này để đồng hành cùng các ngân hàng nội?
"Thiên thời địa lợi nhân hòa" để Standard Chartered thoái vốn ACB?
Tại Ngân hàng Á Châu (HNX: ACB), Standard Chartered trở thành cổ đông chiến lược từ giữa năm 2005 và là một trong những ngân hàng ngoại đầu tiên được phép bước chân vào ngân hàng trong nước.
Hiện nhóm Standard Chartered sở hữu gần 15% vốn tại ACB, trong đó Standard Chartered Bank Hong Kong Ltd nắm 6.23% vốn (tính đến cuối 2016) và Standard Chartered APR Limited với 9.18% vốn. Đại diện vốn cho Standard Chartered APR Limited là ông Julian Fong Loong Choon đã rút khỏi HĐQT của ACB. Đại diện của Standard Chartered Bank Hong Kong Ltd là Andrew Colin Vallis – đang là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng.
Dù đã đi cùng nhau một chặng đường dài và vượt qua những song gió, cổ đông chiến lược Standard Chartered cũng đang rục rịch rút lui khỏi ACB.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, đại diện Standard Chartered cho biết đã có thảo luận về việc bán cổ phần các ngân hàng ở châu Á, trong đó có ACB. Cổ đông ngoại này đã hỗ trợ cho ACB rất nhiều về nhân sự cũng như kỹ thuật và nhận ra rằng đến giai đoạn này sự hỗ trợ là không còn cần thiết nữa. Hiện Ban lãnh đạo ACB đã đủ năng lực và chủ động hơn, mối quan hệ của là Standard Chartered và ACB cũng đã chuyển sang hợp tác song phương và không còn đơn thuần một phía nhận hỗ trợ từ Standard Chartered.
Sau 12 năm gắn bó, cuối cùng Standard Chartered cũng chọn thời điểm này để rút lui và khoảng trống tổ chức này để lại sẽ lấp đầy bởi ai? Dường như Standard Chartered không có được đối tác chiến lược khác để chuyển nhượng khoản đầu tư bởi tổ chức này đã bắt động có động thái thoái bớt vốn thông qua việc giao dịch trên sàn chứng khoán. Cụ thể, Standard Chartered APR Ltd đã đăng ký bán hơn 626,000 cp ACB.
Nếu như Standard Chartered thoái toàn bộ vốn thì thị trường có hấp thụ hết với khối lượng lớn như vậy không? Dù rằng đây cũng là thời điểm tốt để thoái vốn khi ACB đang đi đúng lộ trình tái cơ cấu với lời cam kết xử lý hết các tồn đọng trong quá khứ, kết quả kinh doanh tăng trưởng, chính sách xử lý nợ xấu hỗ trợ cho ngành ngân hàng và giá cổ phiếu cũng đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Bản thân cổ phiếu ACB lên sàn HNX từ gần cuối năm 2006, trải qua hai đợt bão tố lớn. Gần đây nhất là sự cố liên quan đến cổ đông lớn và cũng là thành viên sáng lập là bầu Kiên bị bắt trong năm 2012. Giá cổ phiếu ACB khi đó đã có lúc giảm về gần vùng 10,000 đồng/cp. Và khi đó Ngân hàng này đưa ra khoảng thời gian 5 năm (từ 2012-2017) cần có để có thể giải quyết các tồn đọng trong quá khứ để lại.
Nhìn lại chặng đường đã qua, lợi nhuận của ACB theo thời gian có sự tăng trưởng trở lại từ năm 2013. Đến năm 2016, lãi sau thuế của ACB đạt 1,325 tỷ đồng. Năm 2017, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1,764 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ACB đã tăng lên hơn 10,273 tỷ đồng, nằm trong top 10 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam. Giá cổ phiếu ACB cũng tăng mạnh lên trên 25,000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu ACB từ năm 2012 đến nay
|
Lợi nhuận sau thuế qua các năm của ACB
|
Và những khoảng trống để lại...
Sau 6 năm đi chung đường, vào đầu năm 2012, Ngân hàng ANZ đã thoái toàn bộ 9.6% vốn đầu tư tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB). Đại diện Sacombank lúc đó cho biết ANZ có những thay đổi đầu tư tại Việt Nam là điều đương nhiên vì đã thành lập được ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và có kế hoạch cho hoạt động riêng của mình.
Vào gần cuối năm 2013, thị trường ngân hàng cũng đình đám khi Ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore bán toàn bộ gần 15% cổ phần (tương đương 85.83 triệu cp) tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho một số nhà đầu tư cá nhân trong nước. OCBC là cổ đông chiến lược của VPBank từ tháng 09/2016 khi mua 10% vốn và sau đó nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 15% vào tháng 08/2008. Thời điểm đó, trả lời báo chí về việc OCBC thoái vốn, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho biết thời gian qua môi trường kinh tế có nhiều biến động, chiến lược phát triển kinh doanh của các bên cũng điều chỉnh và không còn phù hợp. Từ cuối năm 2010, OCBC cũng đã rút toàn bộ đại diện của mình ở HĐQT và Ban điều hành VPBank.
OCBC ra đi, VPBank để ngỏ câu hỏi về đối tác chiến lược mới và chỉ trả lời chung chung rằng có tiếp xúc làm việc với một số nhà đầu tư nước ngoài. Đến gần cuối năm 2015, sau khi lấy ý kiến bằng văn bản, các cổ đông của VPBank đã đồng ý chủ trương phát hành cổ phần riêng lẻ để chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau phát hành. Tuy nhiên đến nay VPBank vẫn chưa có công bố mới nào về đối tác nước ngoài này.
Gần đây, Commonwealth Bank Group (CBA) vừa công bố chuyển nhượng hoạt động của chi nhánh CBA TPHCM cho Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) vào đầu tháng 07/2017. Được biết, CBA chi nhánh TPHCM đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008. Còn Commonwealth Bank Group đầu tư vốn vào VIB từ năm 2009 và 2010, và hiện vẫn đang nắm giữ 20% vốn tại VIB. Theo thông tin từ báo chí, đại diện CBA cho biết lý do chuyển nhượng chi nhánh là bởi “thay vì phải phân tải nguồn lực tại Việt Nam cho CBA TP.HCM và VIB, thì nay CBA sẽ tập trung vào phát triển sự hiện diện và dịch vụ cho khách hàng thông qua VIB”.
Cách đây không lâu, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố sẽ “chia tay” đối tác ngoại lâu năm là Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) thông qua việc mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ. HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Techcombank từ năm 2005 và hiện sở hữu của HSBC tại Techcombank là 19.4% vốn (tương đương hơn 172.35 triệu cp). Đánh tiếng về việc rút lui của HSBC, Techcombank cho biết kể từ năm 2012, HSBC đã không còn tham gia vào các hoạt động quản trị và điều hành của Ngân hàng. HSBC ra đi cũng để lại một khoảng trống cho Techcombank và Ngân hàng dự kiến sẽ gom lại số cổ phần này làm cổ phiếu quỹ.
Nhận định về sự rút lui của nhiều đối tác nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng "tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng của Việt Nam đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và hạn chế tồn tại trong công tác quản trị".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc thoái vốn này chỉ xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng. Trong đó có những khoản là đầu tư tài chính, thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc bản thân ngân hàng nước ngoài đã có hoạt động của ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam và có khả năng xung đột lợi ích với nhau.
Những ngân hàng đang có cổ đông chiến lược nước ngoài hiện nay
|