Vietstock - Tương lai các công ty Mỹ ở Hồng Kông?
Tương lai các công ty Mỹ ở Hồng Kông (Trung Quốc) đang bị đặt dấu chấm hỏi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh chấm dứt chế độ ưu đãi dành cho thành phố này.
Tổng thống Mỹ cũng đã ký luật để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quan chức Trung Quốc, vì cho rằng những người này “xâm phạm” quyền lợi của cư dân Hồng Kông.
Các biện pháp trên được đưa ra nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới ở thuộc địa cũ của Anh vào tháng trước.
Giới phân tích đang khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên có cách tiếp cận được xem xét cẩn thận.
"Chúng tôi đang bảo khách hàng ‘chờ xem thế nào’. Chúng tôi chưa có bất kỳ chi tiết nào và điều này rất mơ hồ. Đây không phải là lúc để hoảng sợ", Kent Kedl, đồng sở hữu công ty tư vấn Control Risks tại Thượng Hải, nói với BBC.
"Tác động thực sự chưa rõ. Ông Trump đưa ra những tuyên bố trên và sau đó có thể chỉnh sửa thêm cho hoàn thiện", ông nói thêm.
Quyết định chấp dứt tình trạng đặc biệt dành cho Hồng Kông của chính quyền Trump sẽ buộc các công ty không phải đến từ Trung Quốc đánh giá lại hoạt động của họ ở thành phố này.
Hôm thứ Ba, tờ New York Times cho biết sẽ chuyển một số nhân viên đang làm việc ở Hồng Kông đến Seoul, Hàn Quốc.
Và dù căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến Hồng Kông trở nên kém hấp dẫn hơn ở nhiều khía cạnh nhưng cũng có một số lý do khiến thành phố này có thể vẫn được các doanh nghiệp nước ngoài ưa thích.
Trung tâm châu Á
Nhiều công ty phương Tây đã chọn Hồng Kông làm địa điểm cho trụ sở chính của họ trong khu vực châu Á, phụ trách các hoạt động ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc, Indonesia và Ấn Độ.
Hơn 1,500 doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở quản lý khu vực châu Á ở thành phố này. Trong số đó, có khoảng 300 công ty đến từ Mỹ.
Theo khảo sát thường niên 2019, hiện có hơn 9,000 công ty nước ngoài và Trung Quốc đại lục hoạt động ở Hồng Kông. Con số này tăng gần 10% từ năm 2017 đến năm ngoái. Trong số đó, hơn 1,300 là các công ty đến từ Mỹ, với khoảng 85,000 người Mỹ sống ở Hồng Kông.
Thị trường chứng khoán
Hồng Kông là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, với thị trường chứng khoán trị giá 37.9 ngàn tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 4.9 ngàn tỷ USD), tính đến cuối tháng 6.
Theo sàn giao dịch chứng khoán của thành phố, con số này đã tăng 16% so với năm ngoái.
Trong 6 tháng đầu năm nay, 87.5 tỷ đô la Hồng Kông đã được huy động tại sàn giao dịch này thông qua các thương vụ IPO, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư
Tuy nhiên, đầu tư từ nước ngoài, hay còn được gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vào Hồng Kông đã sụt giảm vào năm ngoái.
Theo Ủy ban giám sát xu hướng đầu tư của Liên Hợp Quốc, FDI vào Hồng Kông đã giảm 48% trong năm 2019.
Ngược lại, đối thủ của họ - trung tâm tài chính châu Á Singapore - đã chứng kiến mức tăng FDI 42% vào năm ngoái.
Ông Kedl kết luận mặc dù các ông chủ công ty không nên phớt lờ thông báo của ông Trump, nhưng họ nên hoãn đưa ra quyết định về việc có nên rút khỏi Hồng Kông hay không.
"Nếu nhìn vào Hồng Kông theo thang thời gian với một ‘vụ nổ’ ở giữa thì chúng tôi đánh giá chúng ta đang ở giai đoạn trước một cuộc khủng hoảng. Họ cần bắt đầu suy nghĩ về điều này, nhưng hãy khoan đưa ra quyết định”.
Nhã Thanh (Theo CNBC)