Vietstock - BOT An Sương - An Lạc thu phí quá hạn: Sở GTVT TPHCM nói gì?
Trước thông tin BOT An Sương - An Lạc bị tố thu phí quá hạn, chưa minh bạch trong việc xây thêm các hạng mục cầu vượt để kéo dài thời hạn thu phí, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các cơ quan liên quan có báo cáo về tính pháp lý và thời gian thu phí tại BOT này.
Lãnh đạo TPHCM yêu cầu các cơ quan liên qua báo cáo và giải trình về BOT An Sương - An Lạc.
|
BOT bị tố thu phí quá hạn và thiếu minh bạch
Dự án BOT An Sương - An Lạc được xây dựng năm 2000 theo hình thức BOT, với chiều dài hơn 13km, tổng mức đầu tư hơn 830 tỉ đồng.
Dự án thu phí từ 1.2005 đến 1.2017, tuy nhiên, trước khi kết thúc thời hạn thu phí, chủ đầu tư đã xây dựng thêm 4 cầu vượt trị giá 1.600 tỉ và được thu đến năm 2033.
Báo Lao Động đã có nhiều bài viết về BOT An Sương - An Lạc, trong đó đề cập đến tính pháp lý và thời hạn thu phí của BOT này chưa tạo được sự đồng thuận trong dân.
Chính vì thông tin của dự án chưa được công khai nên nhiều người dân đã nghi ngờ có vấn đề không minh bạch về tính pháp lý và thời hạn thu phí. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cánh tài xế trong thời gian qua.
Trước thông tin này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở GTVT có báo cáo và giải trình đến lãnh đạo thành phố.
Nhờ đầu tư thêm 4 cây cầu vượt thế này nên chủ đầu tư được thu phí đến năm 2033.
|
Sở GTVT báo cáo và giải trình gì?
Theo nguồn tin của PV, Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc (BOT An Sương - An Lạc).
Theo đó, căn cứ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhiều người dân cho rằng trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hết thời hạn thu phí từ tháng 1.2017, nay vẫn còn thu là quá hạn.
Về vấn đề này, Sở GTVT TPHCM khẳng định ý kiến trên của người dân là chưa đúng. Lý do là trong kết luận thanh tra về hợp đồng dự án BOT An Sương - An Lạc đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng ký với Bộ GTVT là 145 tháng, cùng phụ lục hợp đồng ký với UBND TPHCM là đến hết tháng 1.2033.
Trước nghi vấn của người dân, sao không đặt trạm thu phí ở các cây cầu vượt mới mà vẫn đặt ở vị trí cũ; mặt khác, nhiều người cho rằng họ không sử dụng cầu vượt (đi dưới mặt đường kế bên cầu) thì tại sao phải nộp phí? Về vấn đề này, Sở GTVT cho rằng, việc đầu tư, quản lý, khai thác các cầu vượt bổ sung là gắn liền trong tổng thể của dự án BOT An Sương - An Lạc nên không thể tách rời. Nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, làm chi phí đầu tư tăng cao.
Mặc khác, hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại giúp các phương tiện lưu thông qua nút giao không bị ùn tắc. Vì vậy, tất cả người tham gia giao thông qua đây đều phải trả phí, cho dù đi trên cầu vượt hay đi dưới cầu.
Về viêc tất cả phương tiện dù đi trên cầu vượt hay dưới cầu đều phải đóng phí, nhiều người đã phản đối.
|
Dự án có sự chênh lệch về chi phí đầu tư
Theo Sở GTVT TPHCM, dự án có sự chênh lệch về chi phí đầu tư là bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời điểm phê duyệt khác nhau nên có sự trượt giá công trình. Công trình đầu tư bổ sung chủ yếu là công trình cầu, suất đầu tư cao hơn so với công trình đường.
Về sự phản ứng của người dân khi cho rằng thu phí đến năm 2033 là quá lâu, Sở GTVT cho rằng, thời hạn thu phí được xác định trong phương án tài chính kèm theo hợp đồng, tính toán dựa vào chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì…
Liên quan đến vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông tại trạm trong thời gian tớ, chủ đầu tư đưa ra phương án vào giờ cao điểm, nếu xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài sẽ xả trạm.
Vào dịp tết này, từ 14h ngày 30 tháng Chạp (4.2.2019) đến 6h ngày mùng 4 Tết (8.2.2019) sẽ thực hiện xả trạm để phục vụ người dân.
Huân Cao