Vietstock - Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Giá gạo Việt Nam đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ'
Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, thu về 200 tỷ USD trong 5 năm qua.
Chiều 26/10, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đăng đàn giải trình tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội.
Vẫn với phong thái nói dõng dạc, hùng hồn, ông Cường tận dụng hết 10 phút được trình bày trước Quốc hội để nói về nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý.
Theo ông, tăng trưởng nông nghiệp đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, khi tăng 3,65% đến hết tháng 9/2018. "Điều này còn ý nghĩa khi thế giới đang chịu tác động rất lớn từ thiên tai", ông nói.
Đề cập tới cơ cấu lại ngành, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, nông nghiệp đang tái cơ cấu đúng hướng trong 5 năm qua, thể hiện sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao.
"Hiện nông sản Việt đã xuất khẩu đi 180 nước, thu về 200 tỷ USD trong 5 năm qua và đạt giá trị thặng dư 50 tỷ USD", Bộ trưởng Cường nói.
Ba trục sản phẩm, gồm nhóm sản phẩm quốc gia có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD, sản phẩm cấp tỉnh, hoặc đặc sản địa phương... đã bắt đầu áp dụng công nghệ cao phù hợp với quy mô, quản trị.
Ông ví dụ, 5 năm trước giá gạo Việt Nam ở mức rất thấp, thì hiện đã cao hơn Thái Lan, Ấn Độ... đảm bảo cơ cấu, giá trị. Như năm 2018, xuất khẩu gạo đạt cao nhất về lượng, giá trị.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: V.H
|
Liên quan tới phát triển nông thôn mới, ông Cường cho biết, hiện đã có hơn 40% số xã được công nhận nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Năm 2019 sẽ hoàn thành 50% số xã, “cơ bản cán đích” trước một năm. Tuy nhiên, ông thừa nhận, phát triển nông thôn mới vẫn cần tập trung nhiều hơn những nội dung cốt lõi, như thúc đầy sản xuất, môi trường, văn hoá xã hội.
'Sao chưa có cuộc thi thương hiệu gạo ngon nhất Việt Nam?'
Nêu quan điểm về cấu trúc lại ngành nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, đi theo hướng gia tăng giá trị nhưng lĩnh vực này vẫn gặp vướng mắc về thương hiệu. Nông sản xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu là xuất thô. Hầu hết sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu không mang thương hiệu “made in Vietnam”, mà dưới mác của thương hiệu doanh nghiệp.
Đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng, cần xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt. Ông dẫn dụ, hiện Việt Nam có trên 200 loại thóc, tương ứng hơn 200 loại gạo, địa phương nào cũng tự hào mình có gạo ngon, đặc sản nhưng thực tế chưa chắc chắn vì “chúng ta đã tổ chức thi gạo ngon bao giờ đâu”.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế gạo Việt đã được công nhận. Tháng 11/2017 tại Ma Cau (Trung Quốc), gạo ST 24 của Việt Nam được vinh danh, nằm trong top 3 loại gạo ngon nhất thế giới, sau Thái Lan, Campuchia.
“Thực tế đã có thi hoa hậu bò sữa, nhưng lúa gạo gắn với người dân Việt Nam hàng nghìn năm thì lại chưa có cuộc thi gạo ngon nhất nào được công khai”, ông nói, và kỳ vọng ngành nông nghiệp tới đây sẽ sớm vinh danh cho sản phẩm gạo Việt, qua đó xây dựng thương hiệu nông sản, giúp nông dân sản xuất sản phẩm có giá trị bền vững cao.
Chia sẻ thêm, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nếu thương hiệu nông sản Việt mạnh lên sẽ tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Có được thương hiệu mạnh thì xuất khẩu nông sản sẽ không dừng lại 30 tỷ USD mà sẽ tăng lên 50 tỷ, hoặc 60 tỷ USD.
Nguyễn Hoài