Vietstock - Dầu tăng 4 tuần liên tiếp bất chấp đà sụt giảm trong phiên
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu suy giảm vào ngày thứ Sáu (22/05), trong đó dầu WTI đứt mạch chuỗi leo dốc dài nhất trong hơn 1 năm, do những lo ngại về tăng trưởng Trung Quốc cùng với xung đột mới giữa Washington và Bắc Kinh, MarketWatch đưa tin.
“Dầu sụt giảm do những nghi ngờ ngày càng tăng về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, trong khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington có thể tác động mạnh đến hàng hóa hơn nữa”, Lukman Otunuga, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Mặc dù dầu có thể tìm thấy hỗ trợ khi các nền kinh tế nới lỏng các biện pháp phong tỏa, nhưng đà tăng sẽ bị hạn chế do lo ngại về tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và căng thẳng địa chính trị”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex lùi 67 xu (tương đương 2%) xuống 33.25 USD/thùng. Hôm thứ Năm (21/05), hợp đồng này đã tăng phiên thứ 6 liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 2/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 93 xu (tương đương 2.6%) còn 35.13 USD/thùng.
Tuần qua, dầu WTI leo dốc 12.6%, còn dầu Brent vọt 8.1%. Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp.
Nhà đầu tư đã xôn xao trước những lo ngại về tình trạng bất ổn mới ở Hồng Kông sau khi có thông tin Chính phủ Trung Quốc đang xem xét một dự luật an ninh quốc gia sâu rộng có thể hạn chế quyền tự trị của khu vực này. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên trong ngày thứ Năm (21/05) rằng Mỹ sẽ phản ứng “mạnh mẽ” trước những động thái này đối với Hồng Kông. Năm ngoái đã chứng kiến các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội ở trung tâm tài chính Hồng Kông, mặc dù sự bùng phát dịch Covid-19 đã làm chững lại một số hoạt động này.
Trong bối cảnh đó, chứng khoán Mỹ và chứng khoán toàn cầu phần lớn đều nhuốm sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào ngày thứ Sáu khi các hợp đồng vàng chốt phiên. Nhà đầu tư cũng có thể thận trọng khi nắm giữ các tài sản rủi ro như cổ phiếu và dầu trước cuối tuần nghỉ lễ dài ở Mỹ và Anh.
Trong khi đó, quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết vào ngày thứ Sáu rằng nước này sẽ không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020, và cam kết chi nhiều hơn để sửa chữa những thiệt hại kinh tế vì dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đà sụt giảm sản lượng dầu toàn cầu và dự báo sản lượng tiếp tục giảm nhiều hơn đã giúp dẫn đến đà tăng giá trong tuần qua của dầu.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 tuần liên tiếp, mất 21 giàn còn 237 giàn trong tuần này, qua đó cho thấy khả năng sản lượng dầu thô nội địa sụt giảm trong thời gian tới.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 0.7% xuống 1.0382 USD/gallon, nhưng vẫn vọt 7% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 0.7% còn 98.20 xu/gallon, dẫu vậy tuần qua hợp đồng này vẫn tăng 6.7%.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 tiến 1.2% lên 1731 USD/MMBtu, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tuần lên 5.2%.
An Trần