Vietstock - Biến cố tại ATA-VNH và “dấu ấn” Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn
Cùng đặt chân điều hành ATA và VNH vào thời điểm hoạt động kinh doanh của hai đơn vị này đang bê bết, cổ đông kỳ vọng vào một sự vực dậy lột xác từ bàn tay tân Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn. Nhưng, bức tranh của ATA và VNH ngày càng tệ hơn và sau đó là cuộc tháo chạy đến khó hiểu?!
Có một điểm đặc biệt tại Ntaco (UPCoM: ATA) và Đầu tư Việt Việt Nhật (UPCoM: VNH) là sau khi Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn vào “trị vì” thì “điểm đen” về báo cáo tài chính những năm trước đó đều được “khui” ra với trách nhiệm thuộc về Ban lãnh đạo cũ. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn là bài toán chưa có lời giải!
Rối ren nợ nần tại ATA
Ông Nguyễn Thanh Sơn chính thức điều hành ATA tại “cuộc binh biến” hồi tháng 11/2015 dù năm trước đó (2014) ATA đang gánh một khoản thua lỗ nặng nhất từ trước tới nay với hơn 14 tỷ đồng.
Từ đó đến nay, ATA vẫn chưa thoát khỏi vận đen khi bị Sở GDCK TPHCM (HOSE) nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường do vi phạm công bố thông tin, rồi thì vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt và chính thức buộc phải rời sàn HOSE từ tháng 2/2017 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán 2015.
Đi ngược thời gian trở về ngày 30/03/2016, sau gần 2 tháng kể từ thời điểm công bố báo cáo tài chính quý 4/2015, ATA quyết định điều chỉnh số liệu. Điều bất ngờ khi đó là ATA đã ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 155 tỷ đồng. Chính khoản lợi nhuận đột biến này đã giúp cho lãi ròng quý 4/2015 của ATA tăng vọt từ 2.2 tỷ đồng lên hơn 80 tỷ đồng. Kéo lũy kế cả năm 2015 lợi nhuận sau thuế hơn 30 tỷ đồng, một thành tích nổi bật so với con số lỗ ròng gần 48 tỷ đồng của công bố trước đó.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận đột biến này lại đến từ việc ông Nguyễn Tuấn Anh - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ATA cùng với CTCP Âu Việt và CTCP Châu Á xác nhận ATA không còn nợ khoản tiền nói trên.
Được biết, Giám đốc của Châu Á là bà Trịnh Thị Thu - cũng chính là Giám đốc Tài chính ATA thời kỳ ông Tuấn Anh là Tổng Giám đốc. Còn Công ty Âu Việt có đại diện pháp luật là Giám đốc Lê Thị Bích Thủy - nguyên Kế toán trưởng ATA đồng thời là Thành viên HĐQT trong thời gian ông Tuấn Anh đương nhiệm. Như vậy tam giác Tổng Giám đốc - Kế toán trưởng - Giám đốc Tài chính lại là những người liên quan mật thiết tới số tiền vay nợ 155 tỷ đồng của ATA. Một câu chuyện đến hiện vẫn chưa có lời giải.
Thêm vào đó, tại báo cáo kiểm toán 2016, đơn vị kiểm toán cho biết, không thể xác định được tính đúng đắn của các khoản công nợ như phải thu khách hàng, trả trước người bán, phải thu về cho vay ngắn hạn, phải trả khác... tổng số tiền gần 264 tỷ đồng và hàng loạt vấn đề khác. Theo đó, đơn vị kiểm toán cho rằng báo cáo tài chính không phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của ATA, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm 2016. Và đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính này.
Vì thế, ĐHĐCĐ thường niên 2017 vừa qua của ATA đã giao cho Ban lãnh đạo Công ty trong năm nay xem xét lại các quy định mua bán tài sản, tài sản thế chấp do ông Nguyễn Tuấn Anh đã ký và thực hiện từ trước năm 2015. Đồng thời phải làm rõ và xử lý khoản phải thu, phải trả trị giá hơn 274 tỷ đồng từ trước năm 2015.
Theo đó, hành trình mang theo của ATA đến cuối quý 1/2017 là vốn chủ sở hữu âm hơn 300 tỷ đồng bởi lỗ lũy kế 422 tỷ đồng.
Và gần đây nhất, tức ngày 11/10 vừa qua, UBCKNN đã quyết định xử phạt ATA số tiền 285 triệu đồng vì không nộp và chậm nộp hàng loạt tài liệu của cả năm 2015 và 2016. Đặc biệt, có cả vi phạm về quản trị Công ty. Cụ thể, ATA đã cấp khoản vay cho ông Lâm Hồng Nam - cổ đông của Công ty và ký các hợp đồng ủy quyền thu nợ với CTCP Thu nợ Dân An là người liên quan của ông Nguyễn Thanh Sơn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ATA, đồng thời là Chủ tịch của Thu nợ Dân An) nhưng không công bố thông tin Nghị quyết của ĐHĐCĐ hoặc Nghị quyết HĐQT thông qua các giao dịch và báo cáo UBCKNN.
Với những biến động này, hiện cổ phiếu ATA đang giao dịch sát mốc 1,000 đồng/cp, giảm gần 94% so với hồi mới niêm yết.
Biến động cổ phiếu ATA từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Bê bết VNH
Tại VNH, ông Nguyễn Thanh Sơn đặt bước chân điều hành đầu tiên vào tháng 3/2017. Tương tự ATA, VNH cũng có lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là gần 74 tỷ đồng, ngốn gần hết vốn chủ sở hữu khi chỉ còn vỏn vẹn 8 tỷ đồng. Và cổ phiếu VNH cũng bị hủy niêm yết trên HOSE chỉ mấy ngày trước khi diễn ra ĐHĐCĐ thay máu trên, do lỗ 3 năm liên tiếp.
Chưa hết, theo kết quả tra soát tài chính thời kỳ 2010-2016 do đơn vị kiểm toán thực hiện, thì VNH đã bị CTCP Đồ hộp Tấn Phát, ông Nguyễn Văn Nhựt (nguyên Chủ tịch HĐQT VNH) và bà Trần Thị Thúy (vợ ông Nhựt) đã lập giả các chứng từ, hợp đồng khống chiếm đoạt của VNH 155 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Đồ hộp Tấn Phát đã chiếm đoạt 79 tỷ đồng và 2 xe ô tô của VNH. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nhựt đã vi phạm quy định, bán tài sản thanh lý thông qua hình thức bán 7 tàu đánh cá trị giá 1.9 tỷ đồng để chiếm đoạt 1.86 tỷ đồng. Ông Nhựt và bà Thúy còn bán tài sản góp vốn gồm nhà đất trị giá 19 tỷ đồng, tự ý định giá tài sản 13.3 tỷ để chiếm đoạt 5.7 tỷ đồng.
Năm 2014, VNH đã nhập khống 319 tấn cá để rút số tiền 20.5 tỷ, lập khống hàng tồn kho báo lỗ 35 tỷ đồng. Năm 2016, VNH nhập số hàng đã bị hư hỏng hợp thức bằng việc xuất khẩu ra nước ngoài để hợp thức báo lỗ 13 tỷ đồng. Tổng số tiền ông Nhựt và bà Thúy phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại 76 tỷ đồng.
Còn báo cáo kiểm toán 2016 của VNH thì đơn vị kiểm toán lưu ý rằng, năm 2016 VNH đã tiến hành thanh lý hầu như toàn bộ tài sản gồm hàng tồn kho, tài sản cố định nhằm thanh toán hết các khoản nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Việc này làm gia tăng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Hiện cơ quan điều tra đang điều tra để xử lý các khoản nợ còn tồn tại của VNH với HĐQT và Ban Giám đốc cũ cùng các khách hàng có liên quan.
VNH cũng đang giao dịch dưới mức 2,000 đồng/cp, giảm gần 92% so với hồi mới niêm yết.
Biến động cổ phiếu VNH từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Bất lực, đành tháo chạy?
Phát biểu ngay sau khi nhận vị trí mới tại VNH, vị tân Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn lúc đó đã chia sẻ, dù hiện tại VNH đang trong tình trạng thua lỗ liên tiếp trong 3 năm nhưng vẫn còn những yếu tố để cải tổ và gầy dựng lại.
Vậy nhưng, ngay sau khi những vấn đề tồn tại chưa giải quyết dứt được với Ban lãnh đạo cũ thì Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn lại quyết định bán ra cổ phiếu trong giai đoạn “rối ren” này.
Gần đây nhất, ông Nguyễn Thanh Sơn đăng ký bán 1.2 triệu cp trong tổng đang nắm giữ hơn 1.57 triệu cp (chiếm 19.6% vốn VNH) trong tháng 10 này. Điều đáng nói, giao dịch được công bố đồng thời với Nghị quyết HĐQT về việc giao cho Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn làm việc với cơ quan điều tra để xử lý các khoản nợ còn tồn tại của Công ty với HĐQT và Ban Giám đốc cũ cùng các khách hàng có liên quan.
Còn tại ATA, sau nhiều lần giao dịch thì ông Sơn đã giảm nắm giữ từ 15% vốn (1.8 triệu cp) xuống còn 6.81% vốn (816,680 cp) hồi tháng 8/2017.
Và chỉ sau đó gần 2 tháng, tức ngày 11/10 vừa qua, UBCKNN đã quyết định xử phạt ATA số tiền 285 triệu đồng vì không nộp và chậm nộp hàng loạt tài liệu của cả năm 2015 và 2016. Đặc biệt, có cả vi phạm về quản trị Công ty như đã nêu trên.
Minh An