Chuyển động dòng tiền 12-16/03
Vietstock - Bắt đáy APC, điệp vụ “giải cứu” SBT liệu có thành?
Hàng đầu cơ có vẻ như vẫn còn là “khẩu vị” ưa thích của giới đầu tư trong tuần qua. Bên cạnh đó, dòng tiền bắt đáy cũng đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh giảm sâu.
Tuần qua (12-16/03), VN-Index kết thúc tuần tăng 2.38% đạt 1,150.19 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 4.33% đạt mức 133.1 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trên cả hai sàn diễn biến trái chiều. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt gần 219 triệu đơn vị/phiên, giảm nhẹ 0.01% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 65.4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 13.17%.
Trên sàn HOSE, chỉ có 10 mã tăng trưởng thanh khoản trên 100% trong tuần qua và dẫn đầu là VNE với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 889,000 đơn vị/phiên, tăng 301% so với tuần trước đó.
Cổ phiếu VNE hiện vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh trong suốt 1 năm vừa qua. Kết phiên 16/03, VNE dừng tại 6,960 đồng/cp, ghi nhận giảm 69% kể từ khi niêm yết. Về hoạt động kinh doanh, VNE bất ngờ báo lỗ 13 tỷ đồng trong quý 4/2017. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2017 thì vẫn đạt lãi hơn 63 tỷ đồng, tốt hơn rất nhiều so với kết quả năm trước đó.
Không đạt được mức tăng trưởng như VNE nhưng APC mới là cổ phiếu gây chú ý nhất tuần qua khi giá giảm đến 24%. Thực tế, cổ phiếu APC đã có 7 phiên giảm sàn liên tục từ 07-15/03, tương ứng vốn hóa bốc hơi 360 tỷ đồng. Việc giảm điểm mạnh được cho một phần do áp lực chốt lời bởi APC là cổ phiếu đã tăng rất mạnh từ mức quanh 20,000 đồng/cp hồi đầu năm 2017.
Ngoài ra, năm 2018, APC đặt mục doanh thu đạt hơn 135 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, giảm đáng kể so với kết quả năm 2017 cũng làm không ít nhà đầu tư thất vọng.
Mặc dù vậy, đà giảm của APC dường như có dấu hiệu chững lại khi lực bắt đáy đang gia tăng. Trong phiên 15/03, lượng bắt đáy giúp khối lượng giao dịch tại APC tăng lên 1 triệu cp, nhờ đó mà khối lượng giao dịch bình quân cả tuần qua cũng tăng 263% so với tuần trước đó. Và ngay trong phiên cuối tuần (16/03), APC đã tăng giá trở lại.
Ngoài APC, một cổ phiếu đình đám khác là SBT cũng trở thành tâm điểm dòng tiền tuần qua. Điểm khác nhau có lẽ là tại SBT thì động thái cứu giá xuất phát từ Ban lãnh đạo công ty.
Cổ phiếu SBT đã liên tục lao dốc từ khi đạt mức cao kỷ lục 41,650 đồng/cp ngày 02/08/2017 cho đến nay, ghi nhận giảm 57%. Trước đà giảm này, SBT quyết định mua lại tối đa 83,552,800 cổ phiếu quỹ, tương ứng 15% vốn. Phương thức giao dịch sẽ đăng ký mua tại các phiên giao dịch hàng ngày trên HOSE. Nguồn để mua số cổ phần này từ thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán gần nhất của SBT. Nguyên tắc xác định giá mua theo thị trường nhưng không vượt quá 30,000 đồng/cp.
Ngay sau khi thông báo được đưa ra thì cổ phiếu SBT lập tức quay đầu tăng mạnh và kéo theo là thanh khoản gia tăng đáng kể. Điều này cũng kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu SBT hồi phục, tuy nhiên điểm đáng ngại chính là động thái bán ròng khối ngoại diễn ra trong tuần qua.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền sụt giảm mạnh ở nhiều cổ phiếu lớn, đặc biệt nhóm cổ phiếu thép như HPG, NKG hay TLH.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên sàn HNX, cổ phiếu ngân hàng NVB bất ngờ tăng mạnh gần 20% và khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên, tăng 511% so với tuần trước đó.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
Sanh Tín