BÀI DỰ THI: SẮC MÀU CHỨNG KHOÁN
Vietstock - Đầu tư cổ phiếu tăng trưởng: Không mới nhưng lạ!
Với mong muốn tạo dựng một cộng đồng nhà đầu tư có “tư duy đúng đắn” về đầu tư chứng khoán, cũng như nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của những ai đã và đang “chiến đấu” trên chứng trường, tôi xin chia sẻ một số nguyên tắc để chọn ra được “cổ phiếu tăng trưởng” mang trọng yếu tố “định tính” dựa trên sự tham khảo và đúc kết từ bản thân.
Để chọn ra một cổ phiếu có tiềm năng tăng giá mạnh thật sự không dễ, nhưng thời điểm nào để mua cổ phiếu đó còn khó hơn nhiều lần. Cổ phiếu tăng trưởng được quan tâm rất lớn trong các Quỹ đầu tư mạo hiểm và cho đến nay, các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường mới thực sự để tâm đến dòng cổ phiếu này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhà đầu tư cá nhân chúng ta rất khó tiếp cận cũng như bị hạn chế về tiềm lực tài chính khi đầu tư vào những doanh nghiệp dạng này, đặc biệt là trong “giai đoạn phôi thai” khi mọi thứ đều chưa định hình rõ ràng. Trong khi đó, các quỹ đầu tư có nhiều cơ hội hơn khi rót vốn vào và kiếm lợi nhuận tính bằng lần. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư giai đoạn sau này đối với nhà đầu tư cá nhân vẫn còn rất nhiều, đặc biệt khi các môi giới hay các chuyên viên phân tích đều “phấn khởi” khi nhắc về nó cũng chính là lúc giá cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Vậy làm thế nào để nhận biết?
- Một doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trước hết phải tạo ra được lợi nhuận gộp đủ hấp dẫn trong ngành của nó. Lợi nhuận gộp được tính dựa theo hai thành phần Doanh thu và Giá vốn hàng bán. Cái chúng ta cần xem xét kỹ ở đây là liệu Doanh thu tăng do Giá bán hay Sản lượng tăng, doanh nghiệp với lợi thế cao về nhu cầu người tiêu dùng, sản lượng theo đó sẽ tăng và sự tăng này sẽ bền vững hơn với việc gia tăng giá bán vì khi đó các đối thủ khác có cơ hội giảm giá để lôi kéo khách hàng từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng không kém là quản lý được Chi phí vì chỉ với doanh thu tăng vượt trội mà Giá vốn cũng tăng theo, thậm chí còn tăng hơn cả doanh thu, thì doanh nghiệp đó sẽ không thật sự đáng để nhà đầu tư lưu tâm.
- Để khách hàng chấp nhận chi những đồng tiền dành dụm của họ mua sản phẩm thì doanh nghiệp cần phải có sản phẩm vượt trội và khác biệt so với đối thủ cùng ngành. Thực tế đã quá rõ ràng, khách hàng là “vua”, họ có quyền quyết định mua sản phẩm như thế nào và đặc biệt khi doanh nghiệp cho ra những sản phẩm cải tiến mà "chưa đối thủ làm được" hay chủ động tạo ra một thị trường sản phẩm mới mà “chưa đối thủ nào dám làm” thì chắc chắn sẽ thu hút được người tiêu dùng. Nên nhớ, Steve Jobs với chiến dịch “Think different” không đi theo số đông đã mang lại cho chúng ta một cuộc cải cách công nghệ lớn đến dường nào.
- Với vũ khí “sản phẩm vượt trội và khác biệt” trong tay, doanh nghiệp sẽ từng bước bành trướng đánh chiếm thị phần bằng cách mở rộng quy mô nhằm đưa hình ảnh nhãn hiệu đến khách hàng. Ngoài ra, quy mô đủ lớn sẽ làm giảm chi phí tính trên một sản phẩm, theo ngôn ngữ kinh tế học gọi là Economics of scale. Nhà đầu tư chú ý nên xem xét tốc độ tăng trưởng quy mô của doanh nghiệp để đầu tư đúng lúc, bởi vì khi khắp các con đường người ta đều thấy “style” của doanh nghiệp thì nó có thể không còn là mục tiêu đầu tư hấp dẫn nữa.
- Cách truyền thông marketing của doanh nghiệp về sản phẩm nói lên rất nhiều điều. Một sản phẩm để có được sự quan tâm của khách hàng chỉ khác biệt thôi chưa đủ mà phải có một sự truyền bá như thế nào để lấy được thiện cảm trong mắt khách hàng. Ví dụ cụ thể nhất là marketing về Điện máy Xanh của Thế giới Di động đã gây ra tiếng vang rất lớn, mang lại sự tăng trưởng vượt bật so với các đối thủ điện máy cùng ngành. Và tôi chắc chắn rằng nhà đầu tư ai cũng có thể lầm bầm thuộc lòng câu “Bạn muốn mua tivi…”
- Tuy nhiên, mở rộng quy mô mà không quản lý hiệu quả sẽ đẩy doanh nghiệp vào thế mất nhiều hơn được, giống như một người đang dự tính tăng cân nhưng họ chỉ ăn nhiều mà không kết hợp với luyện tập thể dục, kết quả là tăng cân vừa đi lại khó khăn hơn vừa mang đến nhiều bệnh tật. Chính vì thế, để phát triển một cách bền vững thì công nghệ chính là vũ khí bí mật giúp doanh nghiệp quản lý các nguồn lực hiệu quả hơn. Ngày nay, công nghệ 4.0 đang thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp theo đó cũng phải đổi mới để bắt kịp xu hướng và thị yếu của người tiêu dùng.
- Trong vấn đề định lượng, có thể chú ý khoản mục Hàng tồn kho và Chi phí sản xuất hoặc Chi phí hoạt động nếu tốc độ tăng dần qua các năm mà vẫn đượckiểm soát tốt bởi Doanh thu tăng và Dòng tiền hoạt động kinh doanh ổn định thì có thể doanh nghiệp đang trong quá trình tăng trưởng do nhu cầu khách hàng tăng cao, doanh nghiệp phải bổ sung thêm lượng hàng để bán cùng với chi lương nhiều hơn do việc tuyển thêm nhân sự mới.
- Có câu “Cao nhân ắt có cao nhân trị”, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Trong quá khứ, doanh nghiệp đã làm rất tốt, doanh thu và lợi nhuận đều luôn tăng trưởng qua các năm. Nhưng một ngày nào đó, nếu doanh nghiệp không tìm tòi và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nó sẽ bị những đối thủ trong ngành hất văng ra khỏi cuộc đua vì sự lỗi thời. Nên nhớ “bộ phận nghiên cứu sản phẩm phải không ngừng bắt kịp xu hướng thị trường” và “đầu tư vào một doanh nghiệp là xem xét những triển vọng nó sẽ đạt được trong tương lai, chứ không phải những gì nó đã đạt được trong quá khứ”.
- Với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, việc họ cân nhắc quan trọng nhất khi đầu tư vào một doanh nghiệp non trẻ chính là “Ban Lãnh đạo của doanh nghiệp có tư duy và tầm nhìn hay không” và “Chiến lược triển khai có đủ hấp dẫn trong tương lai”. Theo tôi, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất trong nguyên tắc chọn lựa cổ phiếu tăng trưởng. Một Ban Lãnh đạo luôn biết nhìn xa trông rộng, không quan tâm đến những lợi ích nhất thời trong ngắn hạn và luôn có hướng giải quyết tốt nhất trong nhu cầu lợi ích của cổ đông, khách hàng và nhân viên. Ngoài ra, một doanh nghiệp luôn biết chú tâm vào các vấn đề xã hội cũng sẽ cần ưu tiên hàng đầu trong các thương vụ đầu tư.
Thời điểm nào thích hợp để mua?
Theo tôi, một doanh nghiêp thỏa hết 08 điều kiện ở trên cùng với báo cáo tài chính chất lượng, cả về mặt nội dung lẫn kết quả hoạt động, thì đều xứng đáng để đầu tư ngay. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là nơi bị chi phối rất nhiều bởi “cảm xúc” và “sự tham lam”, chính vì thế, giá cổ phiếu có thể đã phán ánh sự sai lệch quá mức. Trong thị trường giá lên, giá cổ phiếu mục tiêu có thể đã vượt mức so với giá trị thực tế của nó, nhà đầu tư nên thận trọng và tránh đua đòi theo đám đông vì “lạc quan quá mức”, khi có tin tức xấu tác động tiêu cực sẽ dẫn đến sụt giá rất nhanh.
Ngược lại, đầu tư khi thị trường giá xuống có thể nói là một việc làm an toàn hơn cho nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là thế mạnh của bạn vì bạn có thể chủ động mua và bán chứng khoán của mình và quan trọng hơn hết, khi bạn kiểm soát được “sự tham lam” thì tôi chắc chắn rằng vẫn còn đó rất, rất nhiều cơ hội để đầu tư vào chứng khoán.
Thời điểm nào thích hợp để bán?
Nhà đầu tư phải luôn tự đặt ra những câu hỏi và xem xét các vấn đề hàng ngày liên quan đến doanh nghiệp và thông thường, khi một trong các tiêu chí sau bị phá vỡ thì việc đánh giá lại và bán nên được thực hiện một cách khách quan nhất:
- Khi Ban Quản lý của doanh nghiệp không có những chiến lược thúc đẩy để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp thị hiếu ngày càng đổi mới của khách hàng, nhà đầu tư có thế thấy điều này rõ nhất ở ngành bán lẻ và ngành dược, đặc biệt là những sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu. Một khi doanh nghiệp dặm chân tại chỗ hay không tạo ra được lợi thế kinh doanh qua những bằng sáng chế mới, sẽ gây ra hàng loạt vấn đề bất lợi như: Lợi nhuận giảm, chi phí tăng, thị phần giảm và cuối cùng các đối thủ cùng ngành sẽ có cơ hội đoạt lấy vị trí của doanh nghiệp.
- Khi doanh nghiệp mở rộng quy mô cũng chính là lúc doanh nghiệp rất cần vốn để chi trả cho tiền thuê mặt bằng, lương cho nhân viên hay nhu cầu vốn lưu động để tạo ra sản phẩm nhiều hơn và vay nợ sẽ tăng lên đáng kể. Nhà đầu tư nên chú ý “Tỷ lệ Nợ vay/ Vốn chủ sở hữu” hay “Tỷ lệ thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn/ Nợ ngắn hạn)”. Nếu các tỷ lệ này có xu hướng xấu đi qua các năm nhưng không đem lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp, cả về mặt tài sản lẫn dòng tiền, thì cũng là dấu hiệu cho sự sụp đổ trong thời gian tới.
- Và cuối cùng, không thể không nói đến vấn đề thị trường chung. Nếu doanh nghiệp vẫn đang hoạt động bình thường, vẫn phát triển một cách vượt bậc, nhưng do xu hướng và tâm lý thất thường của những người tham gia thị trường làm giảm giá thị trường của doanh nghiệp thì sao? Ở đây, tôi chia làm 02 dạng và xin các nhà đầu tư phải thật lưu ý:
Dạng 1: BÁN NGAY. Khi giai đoạn trước đó của thị trường đang ở tâm lý “lạc quan quá mức”, giá các cổ phiếu tăng rất nhanh vượt qua giá trị hợp lý của nó và nhà đầu tư cảm thấy lúc nào cũng “đánh đâu thắng đó”, cũng chính là lúc khi có tin xấu liên quan đến vấn đề kinh tế vĩ mô tác động sẽ dẫn đến tình trạng bán tháo. Ví dụ cụ thể nhất là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 2007 do tình trạng bong bóng tín dụng ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế trên thế giới và gần đây nhất, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra gây nên tâm lý lo lắng chung về viễn cảnh xuất nhập khẩu, đồng tiền mất giá… Như vậy, nhà đầu tư sẽ tránh được việc “chôn vốn” trong thời gian chờ đợi thị trường hồi phục trở lại và nếu trong lúc thị trường giảm, sẽ mua được mức giá rẻ hơn.
Dạng 2: NẮM GIỮ. Khi thị trường đã cân bằng trở lại thì nhà đầu tư không cần thiết phải quá quan tâmnhững vấn đề về kỹ thuật như tăng, giảm hay thậm chí đi ngang. Quạn trọng hơn hết là tâm lý phải vững vàng trước những cám dỗ. Tôi có một cách khá hiệu quả và đơn giản “tắt hết bảng điện” và “dạo phố” với gia đình sẽ làm nhà đầu tư bình tâm. Có một câu châm ngôn rất nổi tiếng của Ngài Charlie Munger là “Bí quyết thành công duy nhất của tôi ư? Đó là lý trí (rationality). Nó giúp tôi sống sót trên cuộc đời này”.
Cổ phiếu tăng trưởng mang lại cho nhà đầu tư rất nhiều sự thăng hoa nhưng cũng mang lại rất nhiều sự cay đắng. Với những nhà đầu tư có được kỷ luật trong các nguyên tắc cùng với sự kiểm soát cảm xúc bằng lý trí, biết thỏa mãn với mức sinh lời vừa phải, tôi nghĩ về đường dài thành công sẽ luôn mỉm cười với bạn.
Tuấn Anh
FILI