Kỳ 02
Vietstock - Đâu là nhân tố giúp PC1 mở lối đi riêng?
Giao dịch của một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán luôn phải đối diện với biến số tâm lý khó lường từ tâm lý của giới đầu tư. Do đó, để có thể trụ vững trong những thời điểm khó khăn của thị trường, doanh nghiệp cần hội tụ những điều kiện cần thiết để trở thành nơi gửi gắm kỳ vọng của dòng tiền, và PC1 cũng không phải là ngoại lệ…
Kỳ 01: PC1 - Nơi trú ẩn an toàn trong “thời kỳ loạn lạc”?
Cổ phiếu liên kết chặt chẽ với nhóm ngành “phòng thủ”
Nhóm ngành phòng thủ có thể hiểu là các nhóm ngành có mức tương quan thấp với biến động chung của thị trường chứng khoán. Tính chất phòng thủ được thể hiện rõ nhất trong các giai đoạn thị trường chứng khoán lao dốc hoặc rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Lịch sử đã chứng minh nhóm ngành phòng thủ luôn là các nhóm ngành nhận được sự chú ý đầu tiên khi thị trường chứng khoán khởi động cho một chu kỳ suy giảm mạnh. Trong đó, các ngành Điện, Thực phẩm, Nước và Thông tin liên lạc là các đại diện tiêu biểu cho nhóm ngành này.
PC1 là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành xây lắp điện. Đây là một ngành có sự liên kết chặt chẽ với ngành điện. Do đó ngành xây lắp điện nói chung và PC1 nói riêng đều có những tính chất của một ngành mang tính phòng thủ. Do đó, không khó hiểu khi PC1 là cổ phiếu được nhà đầu tư chú ý trong giai đoạn thị trường chứng khoán lao dốc. Sự hiệu chỉnh giảm của beta cổ phiếu này theo thời gian cũng đã ngày càng phản ánh rõ hơn cho tính chất phòng thủ của PC1 trong giai đoạn giao dịch vừa qua.
Hạ tầng ngành điện hỗ trợ cho tiềm lực tăng trưởng dài hạn
Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở mức cao khiến hoạt động sản xuất điện hiện tại chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tiêu thụ. Trong đó, khu vực miền Nam được xem là điểm nóng nhất về lượng tiêu thụ điện khi trở thành đầu tàu phát triển kinh tế và công nghiệp trong nhiều năm qua. Hiện tại, hệ thống truyền tải điện trong nước có hai mạch lưới truyền tải chính là Mạch 1 và Mạch 2 với cấp điện áp 500kV cùng hệ thống mạng lưới rộng lớn của mạng 200kV. Tuy nhiên trước sự tăng trưởng nhanh chóng của nhu cầu tiêu thụ điện thì việc phát triển và mở rộng mạng lưới truyền tải điện là điều cấp thiết trong trung và dài hạn.
Nhằm khắc phục sự mất cân đối cung cầu điện, Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 đã hoạch định kế hoạch đầu tư lưới điện với quy mô lớn về cả giá trị đầu tư và khối lượng lưới truyền tải trong giai đoạn từ 2016 đến 2030. Cụ thể, tổng vốn đầu lưới điện giai đoạn 2016-2020 là 214,665 tỷ đồng với 2,746 km đường dây 500kV và 7,488 km đường dây 220kV. Vốn đầu tư của giai đoạn 2021-2030 là 610,477 tỷ đồng với 7,306 km đường dây 500kV và 7,511 km đường dây 220kV. Tổng mức đầu tư lưới điện tăng trưởng mạnh mẽ hứa hẹn sẽ giúp duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao cho ngành Xây lắp điện từ nay tới năm 2030.
Khối lượng lưới điện truyền tải dự kiến xây dựng đến năm 2030
Nguồn: Quy hoạch điện VII điều chỉnh
Tổng vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện quốc gia
Nguồn: Quy hoạch điện VII điều chỉnh
Ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động bàn giao dự án Bất động sản trong năm 2018
Năm 2017, PC1 đã hoàn thành và thực hiện bàn giao dự án bất động sản Mỹ Đình Plaza 2 với 100 căn hộ ngay trong năm 2017. Theo dự kiến PC1 sẽ bàn giao phần lớn số lượng căn hộ còn lại trong năm 2018 với khoảng 300 căn hộ. Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bàn giao căn hộ sẽ được hạch toán tập trung trong quý 02/2018 và quý 03/2018. Theo kết quả kinh doanh quý 02/2018, hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng cho PC1, tăng gấp 332 lần so với cùng kỳ. Với số lượng căn hộ còn bàn giao trong quý 03/2018, hoạt động chuyển nhượng dự án Bất động sản sẽ là mảng dẫn dắt tăng trưởng chủ đạo cho PC1 trong năm nay.
Cơ cấu doanh thu của PC1 giai đoạn 6T/2018
Nguồn: VietstockFinance
Cơ cấu lợi nhuận gộp của PC1 giai đoạn 6T/2018
Nguồn: VietstockFinance
Dòng tiền ổn định từ mảng thủy điện trong dài hạn
Việc thâm nhập vào ngành thủy điện đã được PC1 đẩy mạnh trong những năm qua. Nổi bật nhất là việc PC1 hoàn thành hoạt động đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 3A trong năm 2017. Các dự án này đều được miễn thuế trong 04 năm đầu tiên hoạt động kể từ khi có lãi và ưu đãi thuế 10% trong 15 năm tiếp theo. Với việc 03 dự án thủy điện đều đã đi vào vận hành, doanh thu hoạt động thủy điện 6T/2018 đạt hơn 269.47 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ. Mảng thủy điện được kỳ vọng sẽ mang lại dòng thu ổn định cho PC1 trong dài hạn.
Tính đến hiện tại, PC1 cũng đang nắm giữ hai dự án thủy điện Mông Ân và Bảo Lạc B. Trong đó, dự án thủy điện Mông Ân đã được khởi công trong quý 03/2017 và được đẩy mạnh đầu tư trong năm nay. Với tổng vốn đầu tư 916 tỷ đồng, dự án dự kiến sẽ được hoàn thành trong quý 03/2019. Dự án thủy điện Bảo Lạc B cũng dự kiến được khởi công trong năm 2018 này với vốn đầu tư 592 tỷ đồng.
Đâu là các rủi ro cần lưu ý khi đầu tư vào PC1?
Dù hình thành động lực tăng trưởng dài hạn khả quan, PC1 vẫn tồn tại những rủi ro mà giới đầu tư cần lưu ý khi đầu tư vào doanh nghiệp này:
1. Đối diện với áp lực thanh toán lãi vay
Với đặc thù hoạt động kinh doanh thâm dụng vốn, PC1 luôn cần nguồn vốn đầu tư lớn cho hoạt động đầu tư xây dựng. Trước sự đẩy mạnh mở rộng đầu tư, nợ vay của PC1 đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, tổng nợ vay của PC1 tính đến cuối năm 2017 đạt hơn 1,821 tỷ đồng, tăng trưởng 63.2% so với cuối năm 2016 và đạt mức tăng trưởng kép 04 năm hơn 112%. Tuy vậy, đòn bẩy nợ của PC1 trên thực tế chưa phải mức cao nếu so với các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành khác là TV2 và SJE.
Biểu đồ tỷ lệ đòn bẩy tài chính của PC1 và nhóm doanh nghiệp cùng ngành theo thời gian
Nguồn: VietstockFinance
Sự tăng trưởng của nợ vay cùng việc hàng loạt dự án trọng điểm như nhà máy thủy điện Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 3A hoàn thành, dự án Mỹ Đình Plaza 2 bàn giao căn hộ đã khiến chi phí lãi vay có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Khả năng chi trả lãi vay theo đó có sự sụt giảm mạnh, từ 20.19 lần của năm 2016 giảm chỉ còn 3.71 lần trong năm 2017. Việc PC1 bắt đầu hạch toán lãi vay sau khi hoàn thành các dự án trọng điểm sẽ khiến áp lực chi phí lãi vay duy trì trong xu hướng tăng trưởng trong nhiều năm tới. PC1 sẽ cần nỗ lực duy trì nguồn thu dòng tiền ổn định cũng như kế hoạch phát triển dự án của mình nhằm giảm thiểu các rủi ro thanh toán phát sinh từ đòn bẩy nợ vay.
Nợ vay và chi phí lãi vay của PC1
Nguồn: VietstockFinance
Khả năng thanh toán lãi vay của PC1
Nguồn: VietstockFinance
2. Cẩn trọng trước rủi ro pha loãng EPS
Một tín hiệu khác cần lưu ý đối với việc đầu tư vào PC1 đến từ khả năng pha loãng EPS. Cụ thể, dù lợi nhuận không có sự sụt giảm mạnh nhưng thu nhập trên cổ phần của PC1 lại sụt giảm nhanh qua các năm. Nguyên nhân đến từ việc PC1 đã đều đặn phát hành thêm cổ phiếu nhằm huy động vốn tài trợ cho các dự án bên cạnh nguồn vay nợ. Vốn góp của chủ sở hữu PC1 đạt 1,155 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, tăng gấp 5.7 lần so với thời điểm cuối năm 2014. Sự tăng trưởng nhanh của vốn góp chủ sở hữu cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ đòn bẩy tài chính của PC1 giảm đều qua các năm dù doanh nghiệp này liên tục vay nợ. Nhóm hệ số sinh lời ROA và ROE đồng loạt sụt giảm trong vòng 04 năm trở lại.
Vốn góp chủ sở hữu và nhóm chỉ số khả năng sinh lời của PC1
Nguồn: VietstockFinance
Trước kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các mảng thủy điện cùng các dự án xây lắp điện với giá trị lớn theo quy hoạch ngành Điện, nhu cầu vốn đầu tư của PC1 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và kéo theo vốn góp chủ sở hữu duy trì trong xu hướng tăng trưởng trong các năm tới. Do đó, giới đầu tư cần tính đến rủi ro pha loãng thu nhập từ quá trình phát hành vốn của PC1 khi đầu tư vào doanh nghiệp này.
Kết luận: Sự tăng trưởng tích cực của hoạt động kinh doanh trong năm 2018 cùng sự hỗ trợ từ nền tảng thông tin ngành đã giúp PC1 trở thành một trong những cổ phiếu nổi bật trụ vững trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn cần lưu ý đến các rủi ro về thanh toán và pha loãng cổ phiếu khi đầu tư vào doanh nghiệp này.
Phước Toàn