Vietstock - Đất nền tỉnh lân cận đua xả hàng khi Sài Gòn khan nguồn cung
Giới buôn địa ốc TP HCM đang dạt về Đồng Nai, Long An, thậm chí tận miền Trung bán đất với giá chỉ bằng 25-30% Sài Gòn.
Trong quý III, các dự án nhà đất mới chào bán ra thị trường địa ốc đa phần đều thuộc những tỉnh lân cận TP HCM hoặc ven biển. Trong khi đó, tại Sài Gòn, nơi lẽ ra phải là tâm điểm của nguồn cung mới lại chỉ xuất hiện các dự án cũ tái khởi động. Rổ hàng mới ở các địa phương đều được phát triển và công bố mở bán bởi những công ty bất động sản đóng tại TP HCM.
Công ty Bất động sản Sea Holdings chuyên phát triển và phân phối nhà đất tại khu Đông TP HCM vừa bất ngờ dịch chuyển thị trường về tỉnh vùng ven giáp ranh Sài Gòn. Doanh nghiệp công bố dự án đất nền quy mô 13 ha tại đường Tỉnh 830, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Các sản phẩm nền nhà phố thương mại, nhà liên kế và biệt thự song lập kết nối với những khu - cụm công nghiệp của tỉnh, với giá chào bán dự kiến chỉ bằng 25% giá đất nền tại Sài Gòn.
Một tháng qua, Công ty Hưng Thịnh trụ sở đặt tại TP HCM, đột ngột đổi khẩu vị bằng một dự án bất động sản liền thổ tại Đồng Nai. Đơn vị này đã mở bán giai đoạn đầu dự án hơn 3.600 nền đất sổ đỏ với giá dưới một tỷ đồng mỗi nền. Đây là mức giá đất nền khá mềm so với TP HCM, nơi có giá đất ngất ngưởng sau những đợt sốt lên đến vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi m2 ở phía Đông Sài Gòn.
Trong tháng 9, Công ty Danh Khôi có mở rộng thị phần để đánh bắt xa bờ khi thâu tóm dự án ở Long An và chuẩn bị chiến dịch ra quân mở bán. Doanh nghiệp tung ra dự án 390 đất nền sổ đỏ nằm ngay sát khu công nghiệp Long Hậu, thuộc Cần Giuộc, Long An. Do vị trí là vùng ven nên các sản phẩm cũng mềm hơn Sài Gòn, giá bán 15-16 triệu đồng mỗi m2.
Một dự án đất nền tại Long An đang được doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM mở bán. Ảnh: D.K
|
Công ty Viethome trụ sở đặt tại quận 12, TP HCM cũng có xu hướng bán toàn những sản phẩm ngoài địa phận TP HCM trong 9 tháng qua. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp bán một dự án tại Bình Dương và một khu resort nằm ở phường 9, Tuy Hoà, Phú Yên.
Một đại gia chuyên dòng sản phẩm căn hộ và nhà vừa túi tiền tại TP HCM là Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cũng sẵn sàng cho chiến lược chinh phạt địa bàn mới ở Long An. Đơn vị này đã khởi công khu đô thị 355 ha tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức có vị trí kế cận Sài Gòn, sau đó công bố các nhà đầu tư chiến lược cùng đối tác phân phối sản phẩm.
Đây là một trong những dự án có quy mô rất lớn của doanh nghiệp trong thập niên tới. Giai đoạn đầu tiên sẽ triển khai trước 165 ha với vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng, dự kiến mang lại doanh thu cho Nam Long khoảng 10.700 tỷ đồng trong 5 năm tới.
Trên thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều ông lớn bất động sản khác thị trường chủ lực tại TP HCM đều có động thái vươn khỏi Sài Gòn săn quỹ đất mới, phát triển dòng sản phẩm mới. Các đại gia này có tham vọng phát triển dự án quy mô lớn ở địa bàn Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ thậm chí là miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh cho biết, việc doanh nghiệp bất động sản TP HCM ồ ạt dạt về tỉnh lẻ làm dự án và bán hàng không phải sở trường cho thấy Sài Gòn đang khan hiếm nguồn cung cục bộ.
Tình trạng thiếu hụt sản phẩm mới manh nha từ cuối năm 2017 đầu năm 2018 và tác động đến cung cầu trên thị trường địa ốc TP HCM rõ nhất từ quý III năm nay. Điều này đã dẫn đến hệ quả là làn sóng mở rộng thị trường về những địa bàn mới ngày càng mạnh mẽ.
Ông Chánh phân tích, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP HCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường. Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu không ít áp lực, đó là mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Mặt khác, các công ty vẫn phải vận hành hệ thống và nuôi quân.
Do cần phải có sản phẩm mới liên tục để bán hàng nuôi hệ thống, duy trì nguồn nhân lực hiện có, các công ty địa ốc TP HCM chọn giải pháp dạt ra tỉnh giáp ranh với Sài Gòn để triển khai dự án, đẩy nhanh tiến độ bán hàng.
Các dự án ở tỉnh lẻ được doanh nghiệp Sài Gòn bán hàng gần đây có điểm chung là vị trí tốt, quãng đường di chuyển tuy xa nhưng kết nối giao thông thuận tiện với TP HCM, đồng thời có tốc độ ra sản phẩm nhanh hơn.
Mặt tích cực của chiến lược dạt về thị trường tỉnh lân cận là doanh nghiệp đa dạng được rổ hàng hóa, có thêm sản phẩm mới, tiếp cận được với nhóm khách hàng mới và đứng trước cơ hội mở rộng thị phần, tăng nhận diện thương hiệu. Các sản phẩm ở tỉnh thường mềm hơn TP HCM, là một lợi thế để các chủ đầu tư cấu trúc sản phẩm từ đắt đỏ sang vừa túi tiền hơn.
Tuy nhiên, thách thức đối với các công ty địa ốc TP HCM khi dịch chuyển thị trường về tỉnh lẻ là độ sôi động kém hơn. Thêm vào đó, thị thiếu khách hàng, nhà đầu tư mỗi địa phương rất khác nhau. Vì vậy, để đánh chiếm thị phần mới, các doanh nghiệp địa ốc Sài Gòn cần khảo sát thị trường tỉnh kỹ lưỡng, cân đối cung cầu cho hợp lý và nắm bắt đúng khẩu vị nhà đầu tư tại địa phương mới bán được sản phẩm.
Vũ Lê