Vietstock - 'Chiêu lạ' của bia Sài Gòn khi về tay người Thái: Bia Việt sẽ bị thu hẹp
Sabeco bán cho người Thái đồng nghĩa thị trường bia Việt Nam lọt hẳn vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Chi phối Sabeco đồng nghĩa chi phối thị trường bia Việt Nam
P.UYÊN
|
Hậu quả thấy trước!
Trước đó khi chi ra gần 5 tỉ USD mua lại cổ phần chi phối Tổng công ty cổ phần bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tập đoàn Thaibev giải thích về lý do mua với giá cao vì cho rằng Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Vụ thâu tóm này sẽ giúp Tập đoàn Thaibev đa dạng hóa thị trường về mặt địa lý, giúp hãng mở rộng khu vực và có được mạng lưới phân phối lớn ở Việt Nam.
Mặc dù đã cam kết sẽ đưa thương hiệu bia Sài Gòn phát triển mạnh hơn nhưng việc “chơi” với Thaibev sẽ không đơn giản. Chẳng hạn thương vụ liên doanh giữa Thaibev và hãng bia Carlbergs vào đầu thập niên 1990 ở Thái Lan. Khi đó, nhờ vào kinh nghiệm của Carlsberg, Tập đoàn Thaibev đã xây dựng thành công thương hiệu bia cho riêng mình, cạnh tranh trực tiếp với Singha. Nhưng đến năm 2005, hãng bia từ Đan Mạch đã phải trả cho ThaiBev 120 triệu USD sau nhiều năm kiện tụng để chấm dứt mối quan hệ kinh doanh.
Luôn chiếm hơn 40% thị phần cả nước, Sabeco trước đây vốn là doanh nghiệp nội có thể làm đối trọng với các tên tuổi bia ngoại khác như Heineken, Tiger, Sapporo, Budweiser, Corona… Với việc cổ đông Thái nắm quyền kiểm soát, phần lớn thị trường bia đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp bia trong nước vốn đã ở quy mô nhỏ và ngày càng thêm khó khăn. Ngay cả Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) hay Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội (Haloco) cũng được xem là những doanh nghiệp lớn nhưng trong hai năm gần đây thị phần liên tục sụt giảm và kinh doanh thua lỗ.
Vì vậy với vị thế sẵn có của Sabeco, người Thái dễ dàng thực hiện các chiêu thức thôn tính các doanh nghiệp nhỏ. Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa nhận định: Việc các doanh nghiệp nước ngoài như Thaibev khi bỏ tiền thâu tóm các công ty trong nước như Sabeco không phải vì thương hiệu mạnh. Chủ yếu là họ muốn mua lại kênh phân phối, mua thị phần sẵn có của Sabeco và dần dần sẽ đưa sản phẩm thương hiệu của chính họ vào thay thế sản phẩm Việt. “Đây là kết quả có thể nhìn thấy trước của nhiều vụ thâu tóm, mua lại doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn như câu chuyện kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco… đều đã đánh mất mình sau câu chuyện hợp tác hay bán lại cho đối tác ngoại”, ông Đỗ Hòa nói.
Cần chính sách khôn ngoan
Một chuyên gia về bán lẻ cho rằng, cũng như đối với các siêu thị ngoại sẽ ưu tiên đưa hàng hóa của nước họ vào kinh doanh. Khi cổ đông Thái đã nắm trong tay kênh phân phối rộng khắp của Sabeco tại Việt Nam thì họ sẽ đưa sản phẩm bia Thái vào bán lẻ, chắc chắn thị phần bia nội sẽ càng thu hẹp. Và tất nhiên, lợi nhuận lớn từ thị trường này sẽ lọt vào túi các doanh nghiệp ngoại.
Phần lớn thị trường bia Việt Nam đã nằm trong tay doanh nghiệp ngoại
Đ.N.THẠCH
|
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam có thể cổ phần hóa Sabeco và rất có thể sẽ cổ phần tiếp được một số doanh nghiệp có thương hiệu tốt và có thị phần lớn. Tuy nhiên về lâu dài, đấy là điều rất thách thức với Việt Nam nếu các tập đoàn Thái Lan nắm khâu phân phối và bán lẻ ở siêu thị. Khi đó người Thái sẵn sàng đưa hàng Thái vào và Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng Thái.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa phân tích thêm: Chiến lược của các doanh nghiệp ngoại như Thaibev được thực hiện khá bài bản, chuyên nghiệp và rất hợp lý trong cạnh tranh kinh doanh hiện đại. Hơn nữa khi đã nắm chi phối Sabeco, không có gì ngạc nhiên khi họ nhanh chóng phát triển mạnh tại Việt Nam. Đáng lẽ nhiều năm trước, Nhà nước phải quan tâm tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh hơn thay vì quá ưu ái các doanh nghiệp nhà nước. Bởi khi các doanh nghiệp nhà nước hiện đã lớn mạnh, chiếm thị phần chi phối như Sabeco thì khi nhà nước thoái vốn lại lọt về tay các tập đoàn ngoại là điều đáng tiếc. Nếu có nhiều doanh nghiệp trong nước lớn mạnh thì khi nhà nước thoái vốn như Sabeco, sẽ có những doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia mua lại. Khi đó thương hiệu Việt sẽ không lo bị mất đi.
"Hiện nay chúng ta phải chấp nhận thương hiệu Việt trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng cần phải suy nghĩ để có chính sách khôn ngoan khi cổ phần hóa các doanh nghiệp khác. Đó là làm thế nào để ràng buộc các đối tác ngoại phải tái đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời phải tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước cũng như để đóng thuế để phát triển đất nước. Không để các doanh nghiệp nước ngoài sau khi thâu tóm thương hiệu Việt lại giảm sản xuất, cắt giảm việc làm và chỉ nhập khẩu sản phẩm ngoại về để tiêu thụ”, chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh.
MAI PHƯƠNG