Vietstock - Sau khi áp thuế, lượng đường mía từ 5 nước ASEAN vào Việt Nam đã 'chạm đáy'
Sau khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar, thì lượng đường mía từ 5 quốc gia này xuất khẩu sang Việt Nam đã “chạm đáy”.
Mía nguyên liệu được đưa vào sản xuất đường tại nhà máy đường Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh |
Ngày 1-8 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1514/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN như nêu trên.
Theo đó, Việt Nam nhập khẩu đường từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar mà có sử dụng nguyên liệu từ đường mía của Thái Lan sẽ bị áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bằng với mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp được Việt Nam áp dụng với Thái Lan, có tổng mức thuế là 47,64% (trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%).
Sau khi Bộ Công Thương có quyết định 1514 như nêu trên, thì lượng đường từ 5 quốc gia ASEAN xuất khẩu vào Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Cụ thể, một nguồn tin của chúng tôi (xin không nêu tên) cho biết, trong tháng 9-2022, lượng đường từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar xuất khẩu sang Việt Nam chỉ còn chưa đến 40.000 tấn, là mức thấp nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2022.
Theo nguồn tin này, tháng trước đó, tức tháng 8-2022, lượng đường từ 5 nước ASEAN nêu trên xuất khẩu vào Việt Nam đạt gần 60.000 tấn và tháng cao điểm nhất của năm 2022 là tháng 1 và 3 với khối lượng đạt gần 100.000 tấn/tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cũng xác nhận, sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar, thì đường từ 5 quốc gia này xuất khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt. “Thật ra, trước khi Bộ Công Thương ban hành quyết định, thì xu hướng này cũng đã diễn ra rồi”, ông nói.
Quyền Tổng thư ký VSSA cho biết, kết quả điều tra của Bộ Công Thương xác định, chỉ còn 6 doanh nghiệp của 3 quốc gia (trong số 5 quốc gia nêu trên) không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, tức không sử dụng nguyên liệu từ Thái Lan nên tiếp tục được hưởng thuế suất 5% (mức thuế của Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN- ATIGA- PV). Trong đó, có 3 doanh nghiệp của Lào, 1 doanh nghiệp của Indonesia và 2 doanh nghiệp của Myanmar.
Còn đường xuất khẩu vào Việt Nam từ các doanh nghiệp khác ở 5 quốc gia nêu trên do kết quả điều tra xác định đã lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cho nên, bị áp thuế lên đến 47,64%, bằng với mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang được Việt Nam áp dụng với đường của Thái Lan như nêu ở trên.
Trung Chánh