Theo Hoang Nhan
Investing.com - Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang có phần yếu hơn so với thị trường chung trong các phiên vừa qua. Áp lực chốt lời từ nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index không giữ được đà hưng phấn và thu hẹp biên độ tăng đáng kể vào cuối phiên. Tuy nhiên, giao dịch nhộn nhịp ở các cổ phiếu midcap và penny đang đưa UPCOM-Index trở lại đỉnh mọi thời đại và HNX-Index vượt đỉnh mọi thời đại trong phiên hôm nay. Áp lực cân bằng giữa 2 nhóm này khiến VN-Index không vụt tăng mạnh được, trong khi HNX-Index và UPCOM-Index đều tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, VN-Index tăng 2.57 điểm (0.19%) lên 1,362.43 điểm. Toàn sàn có 217 mã tăng, 157 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4.4 điểm (1.33%) lên 335.08 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 81 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 1,15 điểm (1.29%) lên 90.53 điểm. Toàn sàn có 225 mã tăng, 63 mã giảm và 79 mã đứng giá. VN30 là chỉ số chính duy nhất ghi nhận sắc đỏ trong phiên hôm nay khi giảm 3.42 điểm (-0.23%). Tuy vậy, thanh khoản của nhóm này chỉ chiếm 46% thanh khoản toàn sàn HoSE, so với tỷ lệ thông thường là trên 50%.
Thanh khoản trên cả 3 sàn tiếp tục ở mức tương đối cao, 28.9 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 983 triệu cổ phiếu. Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 23 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1.9 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại quay đầu bán ròng 570.5 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất có VHM (HM:VHM), PLX (HM:PLX), STB (HM:STB), PET (HM:PET),... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có HPG (HM:HPG), SSI (HM:SSI), VIC (HM:VIC), DPM (HM:DPM),...
Về mặt kỹ thuật, VN-Index tiến sát đỉnh cũ ở vùng 1,370-1,380 điểm trong phiên nhưng gặp áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu lớn và đóng cửa dưới 1,370 điểm. Chỉ số vẫn đang chuyển động sát dải trên của Bollinger Bands. Dải Bollinger Bands tiếp tục loe rộng cho thấy tín hiệu tăng khả quan. Chỉ báo MACD vẫn duy trì trên mức 0, trong khi RSI đã vượt lên hoàn toàn khỏi đường trendline cũ hình thành từ tháng 3/2021. Khối lượng giao dịch được cải thiện và ổn định trong 8 phiên gần nhất cho thấy tâm lý thị trường vẫn đang tích cực. Với lực bán ở nhóm large cap và lực mua ở nhóm midcap và penny đang có phần cân bằng, VN-Index có thể sẽ tích lũy tại vùng đỉnh cũ như giai đoạn tháng 6 trước khi quay trở lại uptrend. Trong kịch bản điều chỉnh, kháng cự gần nhất của VN-Index lần lượt là đường MA50 ứng với 1,340 điểm và vùng 1,320-1,325 điểm.
Đa số các cổ phiếu dầu khí có mức tăng mạnh trong phiên hôm nay như PVS (HN:PVS) (+7.5%), PVD (HM:PVD) (+6.5%), OIL (HN:OIL) (+6.3%), BSR (+6.2%),... trong đó GAS (HM:GAS) (+3.2%) là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào điểm số của thị trường. Giá dầu thế giới đang có chiều hướng giảm trong những phiên gần đây do dịch bệnh bùng phát mạnh tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy vậy, với việc giá dầu tăng mạnh trong thời gian trước. Các công ty dầu khí hầu hết đều có lợi nhuận tăng mạnh trong quý II, đặc biệt là tại các công ty trung nguồn và hạ nguồn như GAS, BSR, OIL,...
Ở chiều ngược lại, nhóm bất động sản có phiên giao dịch kém khởi sắc sau một thời gian tăng khá mạnh. Các cổ phiếu lớn như VIC (-0.1%), VHM (0.3%), BCM (-2%),.. đồng loạt giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số của thị trường.
Giá dầu thô đang giảm mạnh do suy thoái ở châu Á làm gián đoạn triển vọng nhu cầu. Dầu Brent - tiêu chuẩn dầu toàn cầu - đang được giao dịch ở mức 69.79 USD/thùng (4:46 PM) và đã giảm gần 10% trong tuần qua. Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày kỷ lục vào thứ Hai dù nước này đã tiến hành tiêm chủng hơn 1.7 tỷ liều cho người dân, với khoảng 230 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên giá dầu khi các số ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục gia tăng.
Đối với tình hình trong nước, trước câu hỏi về đề xuất giảm lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời điểm hiện tại cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời, dưới góc độ vĩ mô là kiểm soát lạm phát trong năm 2021 cũng như những năm tới. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước cho rằng mặt bằng lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cơ bản ổn định và phù hợp. Thanh khoản của các NHTM dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Trong khi cầu tín dụng trong nền kinh tế còn khá thấp. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay.