Theo Dong Hai
Investing.com – Theo Công văn mới nhất, cổ phiếu các doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết HoSE nhưng tạm thời sẽ giao dịch trên HNX và theo cơ chế của HNX, trong quý 2 có 74 cái tên không được giao dịch ký quỹ trên HoSE và liên quan đến lĩnh vực Bất động sản thì trong thời gian gần đây giá nhà vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ‘hạ nhiệt’… là 3 thông tin đáng chú ý trên thị trường Việt Nam trong phiên giao dịch chốt tuần thứ Sáu ngày 9/4, cùng theo dõi nội dung chi tiết dưới dây.
1. Cổ phiếu các doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết HoSE nhưng tạm thời sẽ giao dịch trên HNX và theo cơ chế của HNX
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng ký Công văn số 133 về giải pháp giảm tải cho hệ thống giao dịch của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và gửi tới HoSE, Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Theo Công văn số 1339, doanh nghiệp có nhu cầu niêm yết trong giai đoạn này có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cho HNX hoặc HoSE. Đối với doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới trên HoSE hoặc chuyển niêm yết từ HNX, HoSE sẽ thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Sau khi được HoSE thẩm định và cấp quyết định niêm yết, cổ phiếu được tạm thời giao dịch trên HNX. Khi hiện tượng nghẽn lệnh được xử lý, doanh nghiệp chuyển sang HoSE mà không xem xét lại hồ sơ.
Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… đối với các doanh nghiệp có cổ phiếu được HoSE chấp thuận niêm yết và giao dịch tại HNX áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HoSE, HNX phối hợp trong giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục.
UBCKNN yêu cầu HoSE, HNX và VSD thực hiện thông tin truyền thông đến doanh nghiệp, công chúng đầu tư về việc HoSE tạm dừng nhận giao dịch cổ phiếu mới và sự khác biệt giữa cơ chế giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán trong quá trình triển khai việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX.
Công văn này được áp dụng từ 8/4 đến khi UBCKNN có thông báo và hướng dẫn tiếp theo. UBCKNN đề nghị HoSE và HNX tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện và báo cáo về các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để xử lý.
Đại diện Lãnh đạo UBCKNN cho biết đây là giải pháp tình thế và mang tính chất ngắn hạn để gia tăng thêm giải pháp nhằm giảm tải hiện tượng nghẽn lệnh trên HoSE hiện nay. Khi HoSE và các đơn vị liên quan có giải pháp căn cơ hơn chống nghẽn lệnh, thì việc niêm yết mới sẽ trở lại bình thường. Bản chất vẫn là “doanh nghiệp thuộc HoSE và giao dịch tạm thời trên HNX”.
Theo lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán, giải pháp trên sẽ không làm tăng thêm cổ phiếu niêm yết trên HoSE, từ đó gián tiếp giảm áp lực lệnh trong tương lai. Khi có giải pháp hữu hiệu chống nghẽn lệnh, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện tối đa để quay lại giao dịch trên HoSE, trong thời gian chờ thống nhất thị trường cổ phiếu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh giải pháp này chỉ là tạm thời và chưa thể xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh. Tuy nhiên, UBCKNN hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho việc giảm tải lệnh trên HoSE hiện nay. Vì vậy, cơ quan quản lý mong nhận được sự đồng hành, chung tay của các doanh nghiệp, thành viên thị trường và nhà đầu tư.
2. Trong quý 2 có 74 cái tên không được giao dịch ký quỹ trên HoSE
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HM:HCM) (HOSE) thông báo danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 2/2021. Ngoài những mã cổ phiếu có thời gian niêm yết dưới 6 tháng thì phần lớn là các cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo, kiểm soát và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là con số âm...
- 14 mã thuộc diện thời gian niêm yết dưới 6 tháng: AAT, ADG, BKG, FUEMAV30, LPB (HM:LPB), MIG, MSB, OCB, SSB, SVD, TDP, TNH, VCA (HM:VCA), VIB
- 12 mã thuộc diện kiểm soát: CIG, DTL, LCM, MCG, OGC, PTC, PTL, PXI, PXS, PXT, RIC, TTF
- 33 mã thuộc diện cảnh báo: AAM, AGR (HM:AGR), DAH, DHM, DLG, DTA, DXG (HM:DXG), DXV, FTM, GTN (HM:GTN), HAG (HM:HAG), HAS, HID, HNG (HM:HNG), HOT, JVC, LAF, LEC, MHC, NVT, PIT, POM (HM:POM), QBS, SII (HM:SII), SMA, TCR, TDH, TGG, TS4, VNS (HM:VNS), VIS, VOS và YEG (HM:YEG)
- 2 mã thuộc diện tạm ngừng giao dịch: ATG, CLG
- 1 mã thuộc diện báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2020 được soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán: BVH (HM:BVH)
- 8 mã thuộc diện lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2020 là con số âm: HVN (HN:HVN), FDC, LGL, SJF, STG, TNT (HM:TNT), TTE, UDC
- 2 mã thuộc BCTC hợp nhất năm 2020 được kiểm toán có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán: HU1; HU3
- 1 mã thuộc diện nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế: CRE
3. Lĩnh vực Bất động sản thì trong thời gian gần đây giá nhà vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ‘hạ nhiệt’
Giá nhà chào bán trên thị trường trong quý II dự kiến sẽ vẫn chưa ‘hạ nhiệt’. Báo cáo thị trường nhà ở TP HCM của JLL Việt Nam cho biết, trong 3 tháng qua, giá chào bán căn hộ trên thị trường sơ cấp (chào bán lần đầu) đạt bình quân 2.468 USD / m2, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù cuối tháng một đại dịch bùng phát lần ba nhưng diễn biến này ít tác động đến thị trường do dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát tích cực.
Nguyên nhân giá bán các dự án chung cư vẫn đi lên do nguồn cung chủ yếu từ phân khúc trung cấp (chiếm 80% rổ hàng) vẫn duy trì ở cột giá khá cao và đón thêm một dự án hạng sang. Dự kiến trong những tháng tới, giá chào bán căn hộ vẫn tiếp tục tăng.
Nguồn cung căn hộ tại TP HCM có sự phục hồi tích cực trong quý đầu năm với 3.900 căn mở bán chính thức, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Quỹ đất trống trong trung tâm ngày càng hạn chế trong khi cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa ngõ thành phố đã được hoàn thiện, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách mua để ở ra các khu vực ngoại thành.
Lý giải cho điều này có thể hiểu như sau: Covid 19 đã giới hạn dòng vốn ở lĩnh vực sản xuất cùng với lãi suất cho vay tiếp tục ở mức thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế đã tạo động lực cho lĩnh vực bất động sản nhà ở ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy các giao dịch trên thị trường.
JLL dự báo nguồn cung nhà ở tại TP. HCM trong năm 2021 có thể được cải thiện trong những quý tới, ước tính lượng sản phẩm mở bán mới cả năm đạt 20.000-25.000 căn. Các dự án chủ yếu đến từ cửa ngõ phía Đông và phía Nam thành phố. Quỹ đất khan hiếm và nguồn cung hạn chế ở khu vực nội thành đã giúp chuyển hướng nguồn cung và nguồn cầu sang khu vực ngoại thành, nơi có quỹ đất lớn và mạng lưới giao thông dần hoàn thiện.